Theo tác giả Nguyễn Hữu Minh, (2012), đã đưa ra quan niệm về gia đình: Gia đình là một nhóm người, được thống nhất với nhau bởi một mối liên hệ, hôn nhân, huyết thống, hoặc nhận con nuôi, tạo thành một hộ duy nhất tác động qua lại và giao tiếp với nhau.
Theo điều 103 Luật hôn nhân gia đình 2014: “Các thành viên trong gia đình có quyền, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng nhau”.
Giáo dục gia đình có vai trò to lớn trong việc giáo dục hành vi, phẩm chất của mỗi cá nhân; vai trò của các thành viên trong gia đình tác động rất lớn đến mối quan hệ giữa các thành viên.
Mối quan hệ cha mẹ - con cái ngày càng bớt tính áp đặt hơn ở Việt Nam. Vai trò và vị thế của con cái trong gia đình đã dần tăng lên. Tuy nhiên, mối quan hệ cha mẹ - con cái về cơ bản vẫn tuân thủ tôn ti trật tự truyền thống. Đặc biệt với con lứa tuổi Tiểu học, cha mẹ vẫn là người quyết định mọi công việc có liên quan đến con cái. Theo tác giả Nguyễn Hữu Minh: Đại bộ phận các bậc cha mẹ cho rằng con cái phải luôn phục tùng sự chỉ bảo của người lớn tuổi trong gia đình (Sđd, 2008). Điều này dẫn đến tình trạng thiếu tôn trọng quyền của con cái hoặc có những hành vi đối xử vi phạm quyền tự do thân thể của các em.
Trong xã hội truyền thống, gia đình có vai trò gần như tuyệt đối trong việc giáo dục trẻ đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi nhỏ. Ngày nay, mặc dù có những tác động to lớn của các môi trường giáo dục khác nhau như: trường học, câu lạc bộ, nhà thiếu nhi, các đoàn thể, … nhưng gia đình vẫn giữ vị trí quan trọng trong việc giáo dục và phát triển trí tuệ và nhân cách ở trẻ em. Cha mẹ giữ vai trò quyết định trong việc cung cấp và tạo điều kiện cho trẻ em tham gia mọi hoạt động nhằm hình thành và phát triển trí tuệ, nhân cách tốt cho con mình. Hơn thế nữa, gia đình là chiếc nôi ươm trồng và nuôi dưỡng trí tuệ, tình cảm và nhân cách cho trẻ em. Mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong gia đình làm trẻ tự tin khi tiếp nhận sự giáo dục về gia đình, gia đình cũng là môi trường tốt để các em thực hành những kĩ năng trong giao tiếp, thể hiện tình cảm đối với người khác, sống tốt hơn.
Trong gia đình Việt Nam hiện nay, chủ yếu có những mối quan hệ cha mẹ - con cái, ông bà - cháu, anh chị - em. Gia đình hai thế hệ tập trung nhiều ở thành thị do nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, đến cuối tuần,tháng, lại về thăm ông bà. Gia đình ba thế hệ thường xuất hiện ở khu vực nông thôn. Gia đình có một con đang chiếm tỉ lệ cao tại khu vực thành phố. Do đó chúng tôi ưu tiên lựa chọn nhiều văn bản về chủ điểm Ông bà, Cha mẹ làm ngữ liệu dạy học.