Theo tác giả Bùi Mạnh Hùng (2014), ngữ liệu dạy học có thể là: “Toàn văn hoặc đoạn trích một tác phẩm văn học; Toàn văn hay đoạn trích một văn bản thông tin (e-mail, tin nhắn, thư từ, …); văn bản dạng ngôn ngữ nói như một cuộc phỏng vấn, một cuộc hội thoại trong đời sống hằng ngày, trên ti vi, radio hay Internet”.
Ngữ liệu trong dạy học tiếng Việt phải thể hiện tính văn chương, thể hiện giáo dục tình cảm cho con người, có thể lồng ghép nội dung giáo dục về tự nhiên xã hội, mang tính thẫm mỹ, Trong giới hạn của đề tài, chúng tôi cho rằng ngữ liệu phù hợp là ngữ liệu về chủ điểm Gia đình phải đảm bảo được tính tích hợp trong dạy học TĐ-KC-TLV ở lớp Hai, lớp Ba. Bên cạnh đó, ngữ liệu có thể tích hợp thêm các kiến thức về tự nhiên xã hội nhằm phát triển toàn diện năng lực cho HS.
Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng một ngữ liệu phù hợp là một ngữ liệu thỏa mãn những yêu cầu sau:
3.1.2.1. Đảm bảo về thể loại, về phong cách văn bản
Việc bảo đảm thể loại nhằm cung cấp đầy đủ các loại tác phẩm nghệ thuật từ văn chương, thông tin, khoa học, nhật dụng đến các em, giúp các em làm quen dần với từng thể loại.
Theo tác giả Bùi Mạnh Hùng (2014), “Kinh nghiệm đổi mới chương trình theo hướng tích hợp và đa dạng hóa các thể loại văn bản được đưa vào nhà trường trong chương trình hiện hành cũng đặt cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới chương trình theo hướng đó trong bối cảnh xây dựng chương trình phát triển năng lực nói chung”.
Việc đa dạng thể loại trong ngữ liệu dạy học nhằm: giúp HS phát triển năng lực thẩm mỹ, nhạy cảm và tinh tế với các sắc thái của tiếng Việt; giúp HS biết đọc và có hứng thú đọc các tác phẩm văn học, biết viết, thảo luận và có hứng thú viết, thảo luận về các tác phẩm văn học, nhờ đó các em có cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn.
Bên cạnh đó, ngữ liệu là một văn bản thông tin (e-mail, tin nhắn, thư từ, văn bản quảng cáo, văn bản hướng dẫn sử dụng thiết bị, diễn văn, văn bản hành chính, văn bản báo chí, văn bản thương mại, lịch sử, pháp luật, khoa học, …) sẽ giúp các em có thể tự mình viết hoặc nói một tin nhắn, viết thư gửi đến người thân trong gia đình.
3.1.2.2. Đảm bảo đúng chủ điểm
Những ngữ liệu được phát triển có nội dung nói về chủ điểm Gia đình như: Ông
bà, Cha mẹ, Anh em, Con vật trong nhà, ngữ liệu thể hiện các mối quan hệ giữa các
thế hệ trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh em và những con vật nuôi gần gũi với đời sống gia đình. Ngữ liệu về mối quan hệ gia đình, về ông bà, cha mẹ đối với con cháu, mối quan hệ về anh em với nhau và mối quan hệ về những con vật nuôi trong nhà có gắn với đời sống hằng ngày của chúng ta.
* Thể hiện đúng đắn các chuẩn mực văn hóa gia đình VN
Theo tác giả Lê Thị Bích Hồng (2008), khái niệm văn hoá gia đình: “Là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với xã hội, phản ánh bản chất của các hình thái gia đình đặc trưng cho các cộng đồng, các tộc người được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình.”
Ở thời đại nào văn hoá gia đình cũng là nền tảng cho văn hoá xã hội bởi đây là nơi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Văn hoá gia đình thể hiện cho văn hóa xã hội, qua đó đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hoá trật tự, kỷ cương của xã hội. Bởi vậy, gia đình tốt là nền tảng để bảo đảm cho một xã hội tốt, một xã hội với dân giàu, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nước ta đang thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa. Sự giao lưu mở cửa hội nhập đã đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội. Gia đình Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước và trở thành gia đình hiện đại hơn trước. Gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước. Do đó vai trò của văn hoá gia đình trong thời kỳ hiện đại là rất quan trọng và cần thiết. Chúng ta cần quan tâm đến 3 mối ứng xử quan trọng trong gia đình gồm:quan hệ giữa vợ - chồng; quan hệ giữa cha mẹ - con cái; quan hệ giữa người cao tuổi và con cháu
Văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay là sự kế thừa và phát huy những chuẩn mực gia đình truyền thống trong việc giáo dục thế hệ trẻ, trong đó coi trọng giáo dục đạo đức gia đình. Giáo dục đạo đức gia đình không chỉ chú trọng tình thương mà còn giáo dục trách nhiệm và nghĩa vụ lẫn nhau giữa ông bà, cha mẹ với con cái nhằm nuôi dưỡng hoàn thiện nhân cách con người.
Tại Đại hội Đảng lần XI, Đảng ta nhấn mạnh “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”
Bình đẳng là yêu cầu quan trọng của gia đình trong thời kì hiện đại. Thiếu bình đẳng giới, tệ phân biệt nam nữ còn nặng nề thì sẽ thiếu đi chuẩn mực quan trọng này. Bình đẳng là để tất cả mọi thành viên đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau trong gia đình về học hành, lao động vui chơi, và đặc biệt trong ứng xử gia đình, tạo nên sự hòa đồng, thân ái giữa các thành viên. Đây là một cầu nối để các mối quan hệ giữa
văn hóa, có kiến thức, hiểu biết và năng lực chuyên môn để đảm đương công việc xã hội và tạo dựng cuộc sống gia đình văn minh hiện đại, nhưng đồng thời đảm bảo giữ gìn đạo đức lối sống lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, có tác phong công nghiệp, và thái độ lao động đúng đắn.
Hạnh phúc chính là tổng hòa của các chuẩn mực khác đảm bảo một gia đình luôn êm ấm, vui vẻ và tiến bộ, giữ gìn quan hệ tình cảm giữa các thành viên, tình cảm chung thuỷ một vợ, một chồng, gìn giữ môi trường văn hóa sống trong sáng, lành mạnh, đầm ấm.
Bốn yếu tố trên làm nên chuẩn mực mới để xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại không chỉ thể hiện tính bền vững của gia đình mà còn phản ánh sự phát triển của gia đình phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Các yếu tố luôn gắn kết chặt chẽ hữu cơ với nhau, hỗ trợ tác động lẫn nhau làm nên những tế bào xã hội tốt đẹp, vì một xã hội tốt đẹp. Phấn đấu xây dựng gia đình “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” là thiết thực thực hiện mục tiêu xây dựng con người mới, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ những chuẩn mực về gia đình Việt Nam, chúng tôi tiến hành phát triển ngữ liệu dạy học tích hợp TĐ-KC-TLV theo chủ điểm gia đình ở lớp Hai, lớp Ba có nội dung gần gũi, gắn với đời sống thực tế, đảm bảo tính giáo dục và yêu cầu nhận thức của đối tượng HS; đảm bảo tính tích hợp trong dạy học TĐ-KC-TLV nhằm phát huy các kĩ năng sử dụng tiếng Việt ở các em.
* Thể hiện được mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình Trong gia đình, các thành viên gắn bó với nhau bằng mối liên hệ huyết thống, tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau, bằng những việc làm thể hiện vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên với nhau, mối liên hệ này diễn ra thường xuyên, lâu dài và suốt đời người. Trong gia đình thuận hòa, hạnh phúc, các thành viên luôn quan tâm đến nhau, hy sinh cho nhau, không ngại thiệt thòi.
Việc phát triển ngữ liệu chủ điểm Gia đình đòi hỏi các ngữ liệu phải được sắp xếp theo hệ thống hợp lí về mức độ khó của bài, bám sát nội dung chủ điểm và tính tích hợp trong dạy học TĐ-KC-TLV, đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp.
Ví dụ trong ngữ liệu chúng tôi sưu tầm được, đưa ra từ những mối quan hệ đơn giãn giữa ông bà với con cháu trong gia đình qua bài Cháu ngoan của bà (lớp 2), ngữ liệu thể hiện tình cảm của bé dành cho bà khi bà lạnh. Tiếp đến mối quan hệ có sự tác động qua lại giữa các thành viên trong gia đình qua bài Câu chuyện về quả cam (lớp 2), nói lên được tình cảm và sự quan tâm của những thành viên trong gia đình dành cho nhau, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình. Tiếp theo là sự tương tác trong các hoạt động, sự hỗ trợ nhau, tình cảm yêu thương gắn bó của cháu và ông qua bài Cháu ông cùng học (lớp 2), ngữ liệu có tính giáo dục gần gũi với cuộc sống.
* Thể hiện được vai trò và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình
Mục đích của ngữ liệu là những kiến thức, kĩ năng chúng ta cần đem đến cho HS. Ngữ liệu được chọn phải mang tính giáo dục, tính vừa sức, tính tường minh phù hợp với lứa tuổi học sinh. Độ khó đặt ra vừa phải, được diễn đạt với lời lẽ trong sáng, dễ hiểu, ngắn gọn, giúp HS dễ dàng lĩnh hội.
Ngữ liệu gắn liền với những gì HS thường gặp trong cuộc sống mới thu hút sự quan tâm của HS, giúp các em thấy được lợi ích từ việc ứng dụng những gì đã học vào cuộc sống của mình.
Ngữ liệu trong bài học đảm bảo tính thực tiễn khi giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn giao tiếp hằng ngày. Qua tình huống đó khơi gợi khả năng lĩnh hội và giải quyết vấn đề của HS.
Ngữ liệu được tạo ra và được cộng đồng giáo dục chấp nhận để tồn tại, ngữ liệu sử dụng phải thông dụng, chuẩn xác.
Khi trẻ bắt đầu học bài học về chủ điểm Gia đình, ngữ liệu phải giúp các em hiểu thế nào là gia đình; ngữ liệu phải sinh động, thu hút, gây tò mò hứng thú học tập của các em, có nội dung thể hiện được mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Dựa vào đặc điểm ngôn ngữ và tâm sinh lí của HS lớp Hai, lớp Ba, chúng tôi tiến hành xây dựng hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài với số lượng từ 3 đến 5 câu dựa trên nội dung của ngữ liệu được phát triển. Hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài được xây dựng dựa vào quan điểm dạy học tích hợp TĐ-KC-TLV, vào đánh giá theo năng lực, phẩm chất của HS, và theo trình tự ba mức độ: câu hỏi hiển ngôn (thể hiện qua cách hỏi như: tìm chi tiết có trong câu, đoạn, tìm ý trong bài, …) câu hỏi giải thích (thể hiện qua cách hỏi vì sao), câu hỏi sáng tạo (có thể xây dựng bài tập bằng hình thức trắc nghiệm).
* Hình ảnh minh họa
Tranh minh họa trong dạy học góp phần giúp HS chủ động tìm hiểu, khám phá vấn đề, HS thích thú hơn, tích cực hơn trong học tập để từ đó chủ động chiếm lĩnh tri thức. Việc sử dụng tranh minh họa phù hợp với nội dung ngữ liệu sẽ nâng cao chất lượng dạy và học.
* Từ chú giải
Các từ chú giải được đưa ra nhằm giải nghĩa cho một số từ khó hiểu có trong ngữ liệu. Chúng tôi dựa vào từ điển Tiếng Việt để giải nghĩa và có biên tập lại một số trường hợp nhằm giúp HS dễ hiểu hơn.