Phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập các môn khoa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm tra, đánh giá kết quả học tập các môn khoa học tự nhiên ở các trường trung học cơ sở quận 11, thành phố hồ chí minh​ (Trang 47)

khoa học tự nhiên

1.4.4.1. Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập các môn khoa học tự nhiên

* Phương pháp kiểm tra vấn đáp

Kiểm tra vấn đáp là phương pháp hỏi và đáp giữa người dạy và người học nhằm làm sáng tỏ những tri thức mới, rút ra những kết luận cần thiết từ tài liệu đã học hoặc từ những kinh nghiệm đã được tích luỹ trong cuộc sống.

*Phương pháp trắc nghiệm khách quan

Trắc nghiệm khách quan là phương pháp dùng bài trắc nghiệm khách quan để đo lường mức độ mà cá nhân HS đạt được các mục tiêu đặt ra.

Một bài trắc nghiệm khách quan thường bao gồm nhiều câu hỏi, mỗi câu thường được trả lời bằng một dấu hiệu đơn giản, hay một từ hoặc một cụm từ.

Các loại câu trắc nghiệm khách quan gồm có:

+ Loại câu nhiều lựa chọn: Là loại câu phổ biến nhất, còn gọi là câu đa phương án, gồm hai phần: phần câu dẫn và phần lựa chọn. Phần câu dẫn là một câu hỏi hay một câu bỏ lửng (câu chưa hoàn tất) tạo cơ sở cho sự lựa chọn của người được KT-ĐG. Người trả lời sẽ chọn một phương án trả lời duy nhất đúng hay đúng nhất, hoặc không có liên quan gì trong số các phương án cho trước. Các phương án còn lại là phương án nhiễu.

+ Loại câu đúng – sai: Câu trắc nghiệm loại này thường bao gồm một câu phát biểu để phán đoán và đi đến quyết định là đúng hay sai.

+ Loại câu điền vào chỗ trống: Loại câu này đòi hỏi trả lời bằng một hay một cụm từ cho một câu hỏi trực tiếp hay một câu nhận định chưa đầy đủ.

+ Loại câu ghép đôi: Loại câu này thường bao gồm hai dãy thông tin gọi là các câu dẫn và các câu đáp. Hai dãy thông tin này có số câu không bằng nhau, một dãy là danh mục gồm các tên hay thuật ngữ và một dãy là danh mục gồm các định nghĩa, đặc điểm… Nhiệm vụ của người làm bài là ghép chúng lại một cách thích hợp.

* Phương pháp kiểm tra viết dạng tự luận

Kiểm tra viết dạng tự luận là phương pháp dùng bài kiểm tra viết dạng tự luận để đo lường mức độ mà cá nhân đạt được ở một lĩnh vực cụ thể.

Một bài kiểm tra viết dạng tự luận thường có ít câu hỏi, mỗi câu hỏi phải viết nhiều câu để trả lời và cần phải có nhiều thời gian để trả lời mỗi câu, cho phép một sự tự do tương đối để trả lời các vấn đề đặt ra.

* Phương pháp quan sát

Quan sát (nói chung) là thu thập thông tin về đối tượng nào đó bằng cách tri giác trực tiếp đối tượng và các nhân tố có liên quan trực tiếp đến các đối tượng.

Trong dạy học, quan sát trực tiếp và có hệ thống nhằm thu thập thông tin đánh giá HS chủ yếu về kỹ năng, thái độ.

KT-ĐG kỹ năng bao gồm ĐG cách thức tiến hành hoạt động và đánh giá sản phẩm. KT-ĐG cách thức là ĐG các bước vận dụng lý thuyết vào thực hành. KT-ĐG sản phẩm là KT-ĐG kết quả cuối cùng.

1.4.4.2. Hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập các môn khoa học tự nhiên

Theo Tài liệu tập huấn dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực môn Vật lí, Hoá học, Sinh học cấp THCS (2004) thì đánh giá bao gồm các hình thức như:

a) Đánh giá quá trình

- ĐG quá trình các môn KHTN được thiết kế để phản hồi cho HS tiến bộ của họ đối với việc hình thành kiến thức, kỹ năng, thái độ. ĐG quá trình nhằm thu thập thông tin về việc học của HS trong quá trình học tập để cải thiện việc học.

- ĐG quá trình học các môn KHTN được thiết kế để cung cấp cho GV và HS phản hồi hữu ích về những gì HS đã học để các hoạt động học trong tương lai có thể

giúp xác định rõ hơn điểm mạnh và điểm yếu của HS để cải thiện việc học. Kết quả của ĐG quá trình sẽ gợi ý cho những bước tiếp theo của việc dạy (điều chỉnh PP dạy) của GV và việc học (thay đổi phong cách học) của HS.

- ĐG quá trình học các môn KHTN là quá trình hai chiều giữa GV và HS nhằm tăng cường nhận thức và phản hồi đối với việc học. Việc ĐG mang tính “hình thành” khi phản hồi từ hoạt động học được sử dụng để điều chỉnh việc day cho phù hợp với nhu cầu của người học. Những quá trình này có thể giúp HS kiểm soát được việc học của mình. Mục đích của ĐG quá trình là tăng cường việc học chứ không phải cho điểm và phân loại HS.

- Nhấn mạnh ĐG quá trình các môn KHTN để xác định xem HS đang tiến bộ đến đâu so với chuẩn đầu ra đã quy định của chương trình môn KHTN, loại ĐG này có thể kịp thời nhận được các tin tức phản hồi, kịp thời điều tiết kiểm soát nhằm thu gọn khoảng cách giữa quá trình dạy học và mục tiêu đặt ra. KQ KT-ĐG này cần được sử dụng để xác định các ưu tiên trong việc hướng dẫn HS học tập và điều chỉnh chương trình giảng dạy, đồng thời theo dõi tiến độ của HS hàng ngày, hàng tuần.

- ĐG quá trình các môn KHTN có thể thực hiện đơn giản, không chính thức như KT sự hiểu biết tại lớp, KT bài tập ở nhà, hoặc cũng có thể là một bài KT chính thức cuối chương. Cho dù ở hình thức nào, đều phải đảm bảo đo lường theo chuẩn đầu ra và cung cấp cơ sở giúp GV trả lời một số câu hỏi như: Có nên giảng dạy tiếp hay dành nhiều thời gian để hướng dẫn lại? HS có thể thực hành những gì đã học một cách độc lập hay cần phải hướng dẫn thêm? Có thể đẩy nhanh kế hoạch hướng dẫn cho một số hoặc tất cả HS, và nếu như vậy, cách tốt nhất để làm điều đó là gì?...

b) Đánh giá tổng kết

ĐG tổng kết các môn KHTN diễn ra vào cuối học kì 1 và 2 nhằm cung cấp thông tin về KQHT của HS so với mục tiêu giáo dục của mỗi học kỳ. Nó là cơ sở để phân loại, lựa chọn HS, phân phối HS vào các chương trình KT-ĐG thích hợp, được lên lớp hay thi lại, cấp văn bằng tốt nghiệp THCS cho HS và đưa ra những nhận xét tổng hợp về toàn bộ quá trình học tập của HS… ĐG tổng kết góp phần vào việc

cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc cải tiến giai đoạn học tập này trong tương lai, cho những lớp HS kế tiếp.

1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến kiểm tra, đánh giá kết quả học tập ở trường Trung học cơ sở

1.5.1. Chương trình giáo dục

Theo quy định của Bộ GD và ĐT, chương trình môn học là văn bản xác định vị trí, vai trò môn học trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học mỗi lớp hoặc cấp học đối với tất cả học sinh trên toàn quốc, định hướng kế hoạch dạy học ở mỗi lớp và mỗi cấp học, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục của môn học.

Chương trình các môn KHTN ở trường THCS (xem Phụ lục 1)

1.5.2. Yêu cầu đối với của giáo viên

- GV cần có nhận thức đúng đắn về đổi mới PPDH, thấy rõ sự cần thiết phải đổi mới và đổi mới đồng bộ PPDH và KT-ĐG.

- Trong ĐG KQHT môn KHTN theo tiếp cận năng lực, Gv giữ vai trò quan trọng chủ đạo trong việc xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp, công cụ ĐG. Vì thế, để thực hiện tốt việc này người GV dạy các môn KHTN cần phải:

+ Nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo theo tiếp cận năng lực và vai trò của dạy học và ĐG KQHT môn học đối với sự hình thành và phát triển các năng lực cho HS.

+ Có trình độ chuyên môn vững vàng, nghiệp vụ sư phạm giỏi và luôn có ý thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật những kiến thức mới liên quan đến dạy học bộ môn để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo.

+ GV phải có kiến thức, hiểu biết về ĐG KQHT theo tiếp cận năng lực, hiểu rõ các triết lí ĐG đang được sử dụng hiện nay để áp dụng vào trong hoạt động ĐG KQHT các môn KHTN theo tiếp cận năng lực.

1.5.3. Yêu cầu đối với học sinh

HS phải tự giác, tích cực, chủ động trong KT-ĐG KQHT các môn KHTN theo tiếp cận năng lực, thể hiện ở những điểm sau:

- HS cần nhận thức rõ vai trò của KT-ĐG KQHT đối với việc học tập để thực hiện một cách tự giác và có trách nhiệm đối với hoạt động này.

- HS phải hoàn thành đầy đủ các bài tập, nhiệm vụ được giáo viên giao với sự chất lượng tốt nhất.

- Tích cực tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chí ĐG khi giáo viên yêu cầu.

- Tham gia đầy đủ và có trách nhiệm trong quá trình ĐG, tự ĐG và ĐG bạn học. Tự ĐG và ĐG bạn học một cách khách quan theo các tiêu chí đã đề ra, không thiên vị hoặc ĐG thiếu chính xác. Trong quá trình ĐG, HS cần chỉ ra những ưu, nhược điểm của bản thân và đề xuất hướng sửa chữa, khắc phục những nhược điểm đó.

- HS cần tự trang bị cho bản thân kĩ năng ĐG và tự ĐG để thực hiện hoạt động ĐG có chất lượng và hiệu quả.

1.5.4. Điều kiện thực hiện

- Xây dựng và áp dụng chuẩn năng lực đầu ra sau THCS theo tiếp cận năng lực. Không có chuẩn năng lực đầu ra thì không thể KT-ĐG một cách chính xác KQHT của HS.

- Chương trình các môn KHTN phải được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, tăng thời lượng thực hành môn học. Chương trình các môn KHTN hiện nay vẫn được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung, còn thiên về lý thuyết, thời gian dành cho thực hành môn học còn ít nên chưa phát huy hiệu quả của KT-ĐG KQHT các môn KHTN theo tiếp cận năng lực.

- Thực hiện KT-ĐG theo tiếp cận năng lực cần đảm bảo sĩ số HS trong lớp không quá đông (không quá 40 HS) để KT-ĐG đến từng cá nhân HS.

Tiểu kết chương 1

Kiểm tra, đánh giá là hai mặt của một quá trình, là hai khâu trong quá trình đào tạo, có quan hệ mật thiết với nhau. Kiểm tra là thu thập thông tin, số liệu, bằng chứng về kết quả đạt được. Đánh giá là so sánh, đối chiếu với mục tiêu dạy học, đưa ra những phán đoán, kết luận về thực trạng và nguyên nhân của kết quả đó. Đánh giá gắn liền với kiểm tra, nằm trong chu trình kín của quy trình dạy học, được tiến hành có hệ thống, để xác định mức độ đạt được về kiến thức, kỹ năng và thái độ, qua đó xác định mức độ phát triển tư duy và trình độ được đào tạo của người học trong quá trình dạy - học. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học còn cung cấp thông tin ngược để đánh giá chất lượng, phương pháp quản lý, đào tạo của người dạy nói riêng và nhà trường nói chung. Do đó, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học có quan hệ chặt chẽ với hoạt động giảng dạy và tổ chức học tập.

Tóm lại, cùng với đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, việc đổi mới KTĐG được khẳng định là một khâu quan trọng trong quá trịnh dạy-học. Nhiều cải tiến theo xu hướng khoa học KTĐG của thế giới đã được triển khai và mang lại kết quả bước đầu. Song, theo nhận định của các nhà khoa học GD cho rằng: “Đánh giá kết quả giáo dục vẫn là một lĩnh vực còn nhiều yếu kém, lạc hậu với xu thế chung của thế giới từ nhận thức cho đến quy trình, kỹ thuật, phương pháp.” (Trần Kiều và Trần Đình Châu, 2012).

Chương 2

THỰC TRẠNG KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP CÁC MÔN KHOA HỌC TỰ NHIÊN Ở CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ QUẬN 11, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2.1. Khái quát về giáo dục Trung học cơ sở quận 11, thành phố Hồ Chí Minh

2.1.1. Tình hình kinh tế- xã hội quận 11, thành phố Hồ Chí Minh

Quận 11 chính thức có tên trên bản đồ Sài Gòn-Gia Định từ ngày 01/07/1969 theo sắc luật số 73 của chính quyền Sài Gòn cũ. Ban đầu gồm 4 phường được tách ra từ Quận 5 và Quận 6: Phường Phú Thọ (Quận 5 cũ), Phường Cầu Tre, Bình Thới, Phú Thọ Hòa (Quận 6 cũ). Sau đó lập thêm 2 phường là Bình Thạnh và Phú Thạnh.

Sau ngày giải phóng 30/04/1975, địa bàn Quận 11 được giữ nguyên với 6 phường và 47 khóm. Đến ngày 01/06/1976 được phân chia lại thành 21 phường. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới, đến nay Quận 11 có 16 phường.

Quận 11 có tổng diện tích 513,58 ha, nằm ở Tây Nam thành phố. Giáp quận Tân Bình ở phía Bắc và Tây Bắc, phía Đông giáp Quận 5,10, phía Nam và Tây Nam giáp ranh Quận 6. Tính đến cuối năm 2007, quận 11 có dân số là 230.014 người, có 120.562 nữ (tỷ lệ 52,41%). Người Hoa có 108.003 người (tỷ lệ 46,95%), mật độ dân số trung bình là 44.540 người/km2.

Kinh tế của Quận 11 luôn tăng trưởng hàng năm, giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2000-2015 tăng bình quân là 13%, doanh thu thương mại - dịch vụ giai đoạn 2000-2015 tăng bình quân 21%,. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng thương mại dịch vụ - sản xuất CN-TTCN. Cơ cấu thành phần kinh tế có bước chuyển đổi theo chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần của Đảng và Nhà nước. Tính đến nay, có hơn 900 doanh nghiệp dân doanh và hơn 10.000 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn quận, đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao, hình thành các khu vực chuyên doanh cung cấp hành hóa cho các tỉnh và cả nước; Công viên Văn hoá Đầm Sen không ngừng đầu tư phát triển, mở rộng nhiều loại hình dịch vụ phong phú,

hiện đại đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng tăng của nhân dân, góp phần vào sự phát triển chung của quận.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân được quan tâm đầu tư, đến nay toàn bộ các hẻm trong quận đã được xi măng hoá; nhiều tuyến đường lớn được mở rộng, nhiều khu nhà ở, cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế, thể dục thể thao được xây dựng... Đặc biệt trong năm 2003 - 2004 cùng với việc triển khai thực hiện các dự án lớn, các công trình trọng điểm, quận đã hoàn thành công tác giải toả di dời và tái định cư hơn 1.600 hộ dân khu vực Trường đua Phú Thọ, đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị của quận ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.

Hoạt động văn hoá xã hội được đẩy mạnh nhằm phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, chăm lo sự nghiệp phát triển giáo dục, thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy xã hội hoá các hoạt động văn hoá - giáo dục - y tế - thể dục thể thao, nâng cao đời sống nhân dân.

Hàng năm tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% trở lên; trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 98% trở lên. Quận đã hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Mỗi cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đều có 1 trường đạt chuẩn quốc gia.

2.1.2. Khái quát giáo dục và đào tạo quận 11, thành phố Hồ Chí Minh

Quận 11 là một quận ven nội thành đang trong giai đoạn đô thị hóa, toàn quận có 16 phường, đồng bào người Hoa chiếm tỷ lệ 48%, trình độ dân trí đạt lớp 9.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm tra, đánh giá kết quả học tập các môn khoa học tự nhiên ở các trường trung học cơ sở quận 11, thành phố hồ chí minh​ (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)