1.1.4.1. Rủi ro đối với ngân hàng
Mặc dù so với các loại hình cấp tín dụng khác, DVBL ngân hàng được coi là ít rủi ro hơn bởi vì khi phát hành bảo lãnh, ngân hàng chỉ phát hành cam kết và thu phí, chưa xuất hiện dòng tiền ra khỏi ngân hàng. Tuy nhiên, khi chấp thuận phát hành bảo lãnh, đồng nghĩa với việc ngân hàng đã chấp thuận trả thay cho bên được
bảo lãnh nếu họ không thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ. Một số rủi ro chính mà ngân hàng gặp phải:
- Rủi ro tín dụng: Khi phát hành bảo lãnh, nếu ngân hàng không thẩm định kỹ khách hàng, cấp bảo lãnh cho khách hàng không có khả năng về tài chính và năng lực thực hiện hợp đồng, vi phạm cam kết với đối tác, thậm chí đi đến chỗ phá sản thì ngân hàng phải thực hiện thanh toán thay. Lúc này, khoản bảo lãnh trở thành khoản cho vay, ngân hàng gặp rủi ro mất vốn nếu khách hàng cố tình không trả nợ, hoặc không có khả năng hoàn trả lại khoản tiền mà ngân hàng đã thực hiện thay. Bởi thông thường, khi bên được bảo lãnh vi phạm thỏa thuận với bên nhận bảo lãnh thì hoặc là hoạt động kinh doanh không hiệu quả, tình hình tài chính kém, hoặc là vấn đề trong đạo đức của người lãnh đạo công ty.
- Rủi ro hoạt động: Rủi ro hoạt động xuất phát từ vấn đề đạo đức trong chính nội bộ của ngân hàng. Trong thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng lợi dụng sự sơ hở trong khâu quản lý, cấu kết với một số đối tượng làm giả thư bảo lãnh.
Rủi ro hoạt động còn xuất phát từ chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, thiếu kinh nghiệm nên không đánh giá chính xác thực trạng và năng lực của khách hàng. Hay thực hiện không đúng quy trình bảo lãnh, xem nhẹ khâu thẩm định và khâu kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ đã cam kết của khách hàng. Quy trình chưa đầy đủ/hợp lý, dẫn tới nhân viên hiểu sai hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau....
- Rủi ro do gian lận, lừa đảo và giả mạo:
Gian lận trong hoạt động bảo lãnh thường là lập chứng từ khống hoặc không đúng thực tế để yêu cầu ngân hàng thanh toán theo nghĩa vụ bảo lãnh.
Lửa đảo và giả mạo là 2 vấn đề thường đi liền với nhau. Một số dạng lừa đảo và giả mạo thường thấy: lập công ty giả, ký khống hợp đồng kinh tế, yêu cầu đối tác phải có bảo lãnh ngân hàng rồi lợi dụng sự thiếu cảnh giác của đối tác lập chứng từ đòi tiền ngân hàng; giả mạo cam kết bảo lãnh của ngân hàng để vay vốn tại ngân hàng khác...
- Rủi ro tỷ giá: Rủi ro này xảy ra chủ yếu ở các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ mở, ở cả nội bảng và ngoại bảng. Tỷ giá biến động bất lợi đối với khoản bảo lãnh bằng ngoại tệ thì có thể xảy ra rủi ro này.
Ngoài ra, ngân hàng có thể gặp những rủi ro như rủi ro pháp lý và chính trị, thường gặp nhất khi phát hành bảo lãnh có yếu tố quốc tế. Hệ thống pháp luật tồn tại sơ hở nên một số đối tượng lợi dụng vào điều đó gây tổn thất cho ngân hàng, hoăc văn bản pháp lý chưa rõ ràng khiến ngân hàng vướng vào các tranh chấp, kiện tụng kéo dài.
1.1.4.2. Rủi ro đối với bên được bảo lãnh
Rủi ro đối với bên được BL chủ yếu là rủi ro trong kinh doanh đơn thuần, xuất phát từ năng lực quản lý điều hành, khả năng thực hiện hợp đồng, chất lượng nguồn nhân lực thấp mà ký hết hợp đồng trong khi không đảm bảo được khả năng thực hiện.
Ngoài ra, bên được bảo lãnh còn đối mặt với rủi ro do bị lừa đảo. Nguyên nhân khách quan xuất phát từ đạo đức kinh doanh của bên thụ hưởng. Một số trường hợp bên thụ hưởng cố tình gây khó dễ hoặc làm giả các giấy tờ chứng minh vi phạm của bên được bảo lãnh nhằm lấy khoản bồi thường từ phía ngân hàng. Ngân hàng lại chỉ thực hiện nghĩa vụ dựa trên hồ sơ chứng từ, mà không có chức năng trọng tài. Nếu ngân hàng truy đòi mà bên được bảo lãnh từ chối hoàn trả thì ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp giải ngân bắt buộc, xử lý tài sản đảm bảo...
1.1.4.3. Rủi ro đối với bên thụ hưởng bảo lãnh
Thứ nhất, rủi ro đến từ điều kiện thanh toán của bảo lãnh không khả thi. Thông thường, chứng thư bảo lãnh yêu cầu bên thụ hưởng bảo lãnh phải gửi hồ sơ chứng minh bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ. Rủi ro gặp phải ở đây hoặc là bên được bảo lãnh không hợp tác ký kết các chứng từ để chứng minh hoàn thành nghĩa vụ (như biên bản nghiệm thu, bàn giao hàng hóa...) dẫn đến bên được bảo lãnh không có đủ hồ sơ chứng minh vi phạm. Hoặc ngay cả khi bên thụ hưởng bảo lãnh cung cấp hồ sơ đầy đủ và yêu cầu thanh toán bảo lãnh, thì bên được bảo lãnh cũng cho rằng, họ chưa vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Trong khi đó, ngân hàng không thể
biết được có hay không vi phạm nghĩa vụ, cơ quan duy nhất có thể đưa ra phán quyết là tòa án. Do vậy, rõ ràng bên thụ hưởng bảo lãnh gặp phải rủi ro không được bồi hoàn hoặc bồi hoàn không đủ, không đúng tiến độ như đã cam kết.
Thứ hai, rủi ro xảy ra khi ngân hàng phát hành mất hoặc không đủ khả năng thanh toán. Mặc dù tại Việt Nam, vấn đề này ít gặp do ít nhiều hoạt động ngân hàng nhận được hỗ trợ rất nhiều từ Nhà Nước, song quan điểm của các nhà lãnh đạo hiện nay cho phép phá sản ngân hàng, nên vấn đề ngân hàng phá sản và bên thụ hưởng không nhận được bồi hoàn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Thứ ba, do pháp luật quốc gia của ngân hàng phát hành thay đổi, ví dụ như quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa, quản lý ngoại hối.. .tại quốc gia của ngân hàng phát hành thay đổi dẫn đến ngân hàng phát hành không thể thực hiện đúng cam kết đối với bên thụ hưởng.
Ngoài ra, bên thụ hưởng bảo lãnh còn phải đối mặt với rủi ro bên được bảo lãnh làm giả cam kết bảo lãnh để lừa đảo trong quá trình thực hiện giao dịch. Chính vì vậy bên thụ hưởng cần kiểm tra thật kỹ tính xác thực của cam kết bảo lãnh.