Xử lý nợ xấu là một bước đi quan trọng hàng đầu trong quá trình tái cấu trúc hoạt động ngân hàng. Tổng kết kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của các nước trên thế giới cho thấy các nước thường triển khai theo những hướng cơ bản như sau:
- Hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua việc bơm vốn;
- Thành lập công ty quản lý tài sản (Asset Management Company - AMC) để thu mua nợ xấu;
- Tạo cơ chế thỏa thuận xử lý nợ xấu giữa các tổ chức tín dụng và bên đi vay.
- Mô hình xử lý nợ xấu: mô hình xử lý nợ tập trung (thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia), mô hình xử lý nợ phân tán (công ty xử lý tài sản của NHTM), mô hình hỗn hợp.
- Chứng khoán hóa các khoản nợ xấu: đây là một kỹ thuật tiên tiến trong công tác xử lý nợ xấu đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới, có chức năng chuyển đổi một tập hợp có chọn lọc các khoản vay có thế chấp của ngân hàng mà trước đó không có thị trường thứ cấp để giao dịch thành các chứng
khoán có tính thương mại.
- Xử lý tài sản đảm bảo: Đối với những khoản nợ xấu không thể cơ cấu nợ, khách hàng không có khả năng phát triển, chậm trễ việc trả nợ, NHTM sẽ phải chủ động xử lý các TSBĐ nợ vay kể cả tài sản là bất động sản bao gồm đất đai, tài sản gắn liền với đất thuộc quyền định đoạt của ngân hàng theo các hình thức sau: Tự bán công khai trên thị trường; Bán qua Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; Bán chịu với công ty mua bán nợ của Nhà nước.
- Dự phòng rủi ro từ chính các NHTM: là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng của TCTD không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết
Chính sách xử lý nợ qua bơm vốn là phương pháp hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ cho các ngân hàng và định chế tài chính khác nhằm đối phó với khủng hoảng. Việc tạo ra một cơ chế thỏa thuận xử lý nợ xấu giữa các TCTD và bên đi vay nhằm làm trung gian cho các chủ nợ (ở đây là các TCTD) và các doanh nghiệp đi vay thương lượng phương án xử lý nợ dưới nhiều hình thức như thanh lý tài sản, gia hạn hợp đồng, điều chỉnh một số điều khoản của hợp đồng. Trong phạm vi đề tài, tác giả đi sâu vào phân tích theo hướng thứ ba,
tức là “Tạo cơ chế thỏa thuận xử lý nợ xấu giữa tổ chức tín dụng và bên đi vay”.
Nguyên tắc xử lý nợ
Việc xử lý nợ phải được thực hiện một cách chủ động, kịp thời, minh bạch nhằm phát hiện sớm các khoản nợ phải xử lý theo quy định của NHTM. Các biện pháp xử lý nợ phải được áp dụng một cách linh hoạt, tùy từng trường hợp cụ thể, đối với một khoản nợ có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp xử lý nợ theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Việc xử lý nợ vừa phải đảm bảo thu hồi được tối đa các khoản nợ, vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của NHTM và pháp luật.