1.2.3.1. Số lượng khách hàng
Để đánh giá hiệu quả của các chính sách kinh doanh, mở rộng số lượng khách hàng chính là một trong những thước đo mang tính định lượng phản ánh chính xác. Chỉ tiêu này phản ánh được mức độ mở rộng đối tượng mới cũng như mức độ duy trì, giữ chân được khách hàng hiện hữu sử dụng dịch vụ ngân hàng trong mỗi thời kỳ, giai đoạn. Từ đó, kết quả phân tích sự đón nhận, ưa thích sản phẩm của khách hàng và sự ảnh hưởng của dịch vụ đến khách hàng, đánh giá tiềm năng phát triển và là căn cứ cơ bản để ngân hàng định hướng kế hoạch hành động trong tương lai.
1.2.3.2. Số lượng giao dịch và giá trị giao dịch
Số lượng giao dịch, tần suất giao dịch bằng dịch vụ Ngân hàng số cho thấy mức độ thường xuyên sử dụng của khách hàng, qua đó phản ánh hiệu
quả và tiện ích của các sản phẩm khiến khách hàng tin tưởng sử dụng trong các giao dịch trực tuyến. Đồng thời, việc gia tăng giá trị giao dịch sẽ góp phần tăng lợi nhuận thông qua phí dịch vụ, cải thiện khả năng thanh toán qua hệ thống ngân hàng, giúp lưu thông dòng tiền hiệu quả.
1.2.3.3. Sự đa dạng của dịch vụ
Hình 1.3. Các dịch vụ Ngân hàng số cung cấp cho khách hàng
Nguồn: IBM December 2017 The Financial Brand
Đa dạng hóa dịch vụ là sự biến đổi danh mục sản phẩm, tiện ích Ngân hàng số gắn liền với sự phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Ngân hàng cần thường xuyên đánh giá lại tiềm năng tăng trưởng cũng như khả năng sinh lời của các nhóm sản phẩm hiện hữu để kịp thời cải tiến những dịch vụ tốt và cắt giảm, loại bỏ những sản phẩm không còn phù hợp. Đồng thời sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đòi hỏi ngân hàng phải liên tục nghiên cứu, đưa ra những loại sản phẩm mới mang tính cạnh tranh để đáp ứng được toàn diện yêu cầu của khách hàng.
1.2.3.4. Thu thuần từ dịch vụ
Một trong những ý nghĩa của chiến lược Ngân hàng số là góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân hàng trên cơ sở tận dụng tối đa mọi nguồn lực, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả từ quy mô. Thu thuần từ dịch vụ Ngân hàng số thể hiện hiệu quả của quá trình triển khai và cung ứng dịch vụ cũng như phản ánh trình độ tổ chức quản lý, thực hiện việc ứng dụng các dịch vụ này của ngân hàng. Thu thuần càng lớn chứng tỏ dịch vụ Ngân hàng số đã nhận được sự hài lòng của khách hàng sử dụng và cho thấy dịch vụ của ngân hàng đang được cung ứng mở rộng và ngược lại. Phát triển Ngân hàng số được xem là toàn diện khi doanh thu mà dịch vụ Ngân hàng số mang lại tương xứng với đồng vốn đã bỏ ra đầu tư.
1.2.3.5. Chất lượng của dịch vụ
Chất lượng dịch vụ tỷ lệ thuận với sự hài lòng của khách hàng, là yếu tố quan trọng nhất để thu hút được khách hàng đến với ngân hàng, có ảnh hưởng sâu sắc đến cảm nhận, thái độ tích cực của khách hàng dành cho dịch vụ mà họ trải nghiệm. Nâng cao chất lượng dịch vụ là một yêu cầu tất yếu, mang tầm chiến lược của NHTM trong xu thế hội nhập quốc tế. Để nâng cao chất lượng dịch vụ Ngân hàng số, cần phát triển những dịch vụ mới và cải tiến, nâng cấp những dịch vụ đã có. Muốn vậy, phải cải biến về chất, tạo ra nhiều loại hình dịch vụ Ngân hàng số với chất lượng khác nhau, thường xuyên cập nhật tính năng của dịch vụ, đảm bảo cho việc sử dụng dịch vụ một cách thuận lợi và an toàn, đổi mới và hoàn thiện các dịch vụ liên quan, rút gọn thủ tục, nâng cao tác phong phục vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức, nhằm thoả mãn tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
1.2.3.6. Kiểm soát rủi ro
Hoạt động Ngân hàng số trên nền tảng khoa học tiên tiến luôn song hành với bài toán làm sao để kiểm soát, phát hiện được các rủi ro và nâng cao công
nghệ bảo mật, phòng chống các tấn công từ bên ngoài. Một hệ thống các dịch vụ ngân hàng được đánh giá là phát triển thì yếu tố an toàn là chỉ tiêu hàng đầu. Các rủi ro xảy ra bao gồm các hành động vô ý hay cố ý gây thất thoát tài sản của ngân hàng và khách hàng, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, hoạt động hàng ngày. Ngân hàng nào có SPDV Ngân hàng số với độ an toàn cao, rủi ro được kiểm soát, quản lý chặt chẽ sẽ được đông đảo khách hàng tin tưởng và an tâm lựa chọn. Do đó cần chuẩn hóa quy trình các hoạt động của ngân hàng nhằm giảm thiểu sai sót, hạn chế các rủi ro.