Lãi suất là công cụ rất lợi hại và có sức phản công ghê gớm, nó được xem là một công cụ gián tiếp trong điều hành chính sách tiền tệ, bởi lẽ lãi suất không trực tiếp làm tăng hay giảm khối lượng tiền tệ trong lưu thông nhưng sự tăng, giảm lãi suất có thể kích thích sản xuất hoặc kìm hãm sản xuất.
26
* Cơ chế tác động của công cụ lãi suất
a. Cơ chế điều hành gián tiếp
Thông qua cơ chế tái cấp vốn (chiết khấu, tái chiết khấu, cho vay cầm cố chứng từ có giá,...) của NHTW đối với các TCTD, NHTW thực hiện quản lý gián tiếp lãi suất cho vay của các NHTM đối với nền kinh tế.
Cơ chế này được thực hiện theo nguyên tắc: Trong điều hành lãi suất, NHTW chỉ công bố mức lãi suất áp dụng đối với các khoản cho vay tái chiết khấu hoặc cho vay cầm cố chứng từ có giá của mình đối với các TCTD. Các mức lãi suất tiền gửi và cho vay cụ thể theo từng kỳ hạn, từng đối tượng của các TCTD đối với nền kinh tế sẽ do các TCTD ấn định, dựa trên cơ sở cung - cầu về vốn và sự cạnh tranh trên thị trường.
Khi muốn điều chỉnh lãi suất kinh doanh của TCTD đối với nền kinh tế, phù hợp với mục tiêu của CSTT từng giai đoạn, NHTW sẽ thực hiện thông qua việc điều chỉnh lãi suất TCK của mình đối với các TCTD. Từ đó tác động đến lãi suất thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Và cuối cùng sẽ tác động đến lãi suất kinh doanh của TCTD đối với các chủ thể trong nền kinh tế.
b. Cơ chế điều hành trực tiếp:
Thông qua các hình thức quản lý lãi suất của các TCTD đối với nền kinh tế, như quy định các mức lãi suất cụ thể về tiền gửi, cho vay, khung lãi suất, trần lãi suất cho vay, biên độ chênh lệch lãi suất bình quân.Thực chất là NHTW quy định mức lãi suất cho vay tối đa hoặc tiền gửi tối thiểu của các TCTD đối với nền kinh tế. Trong phạm vi lãi suất được phép, các TCTD được quyền ấn định lãi suất kinh doanh phù hợp. Khi có các thay đổi về kinh tế vĩ mô, NHTW có thể xem xét để điều chỉnh giới hạn lãi suất tối đa hợp lý.