Trong bối cảnh trên, cơ chế sử dụng công cụ lãi suất trong điều hành Chính sách tiền tệ của NHNN thời gian tới cần quán triệt các nguyên tắc và yêu cầu sau:
68
Thứ nhất, bám sát và bảo đảm góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ trong thời kỳ mới.
Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đều sử dụng công cụ lãi suất để đạt được những mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia. Ở nước ta, Luật NHNN và Luật các TCTD đã xác định mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia: “Nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và nâng cao đời sống của nhân dân”. Trong thời kỳ mới, xu thế hội nhập quốc tế, NHNN điều hành chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất và các công cụ khác vẫn phải nhằm đạt được mục tiêu theo Luật quy định: ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế...Có thể rộng hơn là, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế, thúc đẩy tạo việc làm mới.
Thứ hai, phối hợp hài hòa các công cụ quản lý lãi suất trực tiếp với gián tiếp, song ngày càng chuyển mạnh sang sử dụng các công cụ quản lý gián tiếp
Trong thời gian tới do nhiều yếu tố trong nước và quốc tế đặc thù, nên NHNN chưa thể từ bỏ ngay các công cụ quản lý lãi suất trực tiếp. Tuy nhiên, xu hướng chung của thế giới là ngày càng chuyển từ các công cụ trực tiếp của chính sách tiền tệ chuyển sang các công cụ gián tiếp, nên quản lý lãi suất của NHNN ở Việt Nam cũng phải theo xu hướng này để cơ chế lãi suất phù hợp với thông lệ quốc tế. Nói cách khác, nước ta đang trong quá trình hội nhập với nhiều nước trên thế giới, cơ chế lãi suất của Việt Nam không thể tách rời với lãi suất của các nước có quan hệ kinh tế với Việt Nam như các nước thuộc khối ASEAN, các nước ở Châu Á, các nước thuộc EU, Mỹ,...Do đó, cơ chế lãi suất của nước ta không thể để mãi là một hiện tượng khác lạ so với các nước trên thế giới và các nước trong khu vực. Cụ thể là vừa phải phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa phải với thực tiễn Việt Nam và phải theo một lộ trình
69
thích hợp.
Thứ ba, phối hợp đồng bộ giữa quản lý lãi suất với các công cụ khác và nghiệp vụ NHTW để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của NHNN
Cơ chế quản lý lãi suất chỉ có thể phát huy tác dụng khi có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với các công cụ khác trong tổng thể hữu cơ. Đây là lôgic khách quan của chính sách kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế thị trường. Lãi suất là một trong số công cụ của chính sách tiền tệ nhằm góp phần thực hiện chức năng quản lý nhà nước. NHNN khó có thể điều hành có hiệu quả cơ chế tự do hóa lãi suất nếu không vận hành thông suốt nghiệp vụ thị trường mở nói riêng và phát triển thị trường tiền tệ nói chung; cũng như sử dụng tốt các công cụ thanh tra, cấp và thu hồi giấy phép, các cơ chế, chính sách khác... Thông qua điều hành gián tiếp các công cụ lãi suất trong sự phối hợp đồng bộ với các công cụ khác, NHNN tác động và hình thành lãi suất hợp lý trong nền kinh tế, đảm bảo nâng cao hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của mình.