Một số chỉ tiêu đánh giá chất lượng tín dụng của một ngân hàng thương mạ

Một phần của tài liệu 0875 nâng cao chất lượng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại NHTM CP quân đội luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 28 - 31)

1.2.2.1 Chỉ tiêu tỷ lệ nợ quá hạn

Nợ quá hạn là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá chất lượng tín dụng của ngân hàng, nó phản ánh những rủi ro tín dụng mà ngân hàng phải đối mặt. Căn cứ vào Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/04/2005 và Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25/4/2007, có thể hiểu nợ quá hạn là khoản nợ đã được chuyển và hạch toán quá hạn, phát sinh do một phần hoặc toàn bộ gốc và (hoặc) lãi của khoản nợ đã đến hạn nhưng không được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ (bao gồm nợ điều chỉnh kì hạn trả nợ và nợ gia hạn).

Hoạt động tín dụng của ngân hàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do chịu sự tác động của nhiều nhân tố, trong đó có những nhân tố tác động nằm ngoài tầm kiểm soát của chính ngân hàng và khách hàng. Vì vậy, trên thực tế, bất kì ngân hàng nào cũng có một lượng nợ quá hạn nhất định. Điều mà các ngân hàng đang cố gắng thực hiện là tìm mọi biện pháp để kiểm soát, duy trì nợ quá hạn ở một mức độ hợp lý.

Chỉ tiêu phản ánh nợ quá hạn của ngân hàng là tỷ lệ nợ quá hạn. Tỷ lệ nợ quá hạn là tỷ lệ phần trăm giữa nợ quá hạn và tổng dư nợ của NHTM ở một thời điểm nhất định (thường là cuối tháng, cuối quý, cuối năm).

Tỷ lệ nợ quá hạn = Dư nợ quá hạn/Tổng dư nợ x 100%

Tỷ lệ nợ quá hạn càng thấp càng đảm bảo an toàn tín dụng. Các ngân hàng thường chấp nhận một tỷ lệ nợ quá hạn nhất định, được coi như là giới hạn an toàn. Mức độ giới hạn an toàn của từng thời kì, cũng như của mỗi nền kinh tế là khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay, theo quan điểm của một số chuyên gia kinh tế thì tỷ lệ này nên ở mức dưới 5%.

Để đánh giá chất lượng tín dụng, người ta thường phân tích trên các khía cạnh như: Nguyên nhân nợ quá hạn (nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan), cơ cấu nợ quá hạn (tập trung vào nhóm nợ nào), các đối tượng

thường có nợ quá hạn (theo thành phần kinh tế), mức độ tài sản bảo đảm cho khoản vay, khả năng thu hồi của khoản vay...

Giải quyết nợ quá hạn là mối quan tâm thường trực của tất cả các NHTM. Do vậy, các NHTM phải thiết lập đầy đủ một loạt các chính sách như chính sách đầu tư, chính sách khách hàng... và các quy chế cho vay, kiểm soát cho vay chặt chẽ cũng như các biện pháp xử lý nợ quá hạn.

1.2.2.2 Chỉ tiêu lợi nhuận

Lợi nhuận từ hoạt động tín dụng phản ánh chênh lệch giữa chi phí đầu vào (trả chi phí huy động) và thu nhập đầu ra (lãi, phí và các khoản thu khác). Chỉ tiêu này cao sẽ thể hiện chất lượng tín dụng của ngân hàng cao và ngược lại.

1.2.2.3 Chỉ tiêu hiệu quả sử dụng vốn

Hiệu quả sử dụng vốn = Lợi nhuận từ hoạt động tín dụng/Doanh số cho vay

Lợi nhuận từ hoạt động tín dụng phản ánh chênh lệch giữa chi phí đầu vào (trả chi phí huy động) và thu nhập đầu ra (lãi, phí và các khoản thu khác). Chỉ tiêu này cho thấy 1 đồng vốn tín dụng bỏ ra sẽ thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận, từ đó phản ánh khả năng sinh lời của vốn tín dụng. Chỉ tiêu này cao cho thấy các khoản cho vay của ngân hàng đạt hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao và ngược lại, khoản cho vay không có khả năng sinh lời chứng tỏ chất lượng tín dụng chưa tốt.

1.2.2.4 Chỉ tiêu lãi chưa thu được (lãi treo)

Cùng với chỉ tiêu hiệu quả sử dụng vốn, chỉ tiêu lãi chưa thu được (hay còn gọi là lãi treo) cũng phản ánh chất lượng tín dụng. Đối với khoản vay có nợ gốc phải hạch toán chuyển nợ quá hạn mà chưa thu được lãi thì nợ lãi trong phạm vi 3 tháng được ghi nhận là dự thu lãi. Trường hợp quá 3 tháng mà chưa thu được lãi thì lãi dự thu được chuyển thành lãi treo và theo dõi ngoại bảng. Nếu tỉ lệ lãi treo trong kì so với tổng số lãi tín dụng phải thu trong kì càng cao thì chất lượng tín dụng càng thấp.

1.2.2.5 Chỉ tiêu vòng quay vốn tín dụng

Vòng quay vốn tín dụng = Doanh số thu nợ/Dư nợ bình quân

Doanh số thu nợ phản ánh tổng số nợ thu hồi được trong một kì (thường là một năm). Dư nợ bình quân phản ánh quy mô tín dụng trung bình trong năm, được xác định bằng tỉ số giữa tổng dư nợ các ngày trong kì và tổng số ngày trong kì. Chỉ tiêu này cao thể hiện khả năng luân chuyển vốn tín dụng, công tác xác định kỳ hạn nợ và tổ chức thu hồi nợ vay của ngân hàng tốt. Khi chỉ tiêu này thấp sẽ cho thấy một hoặc cả hai vấn đề nợ khó đòi ở mức cao và/hoặc doanh số cho vay giảm dẫn đến giảm chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Ngoài một số chỉ tiêu cơ bản phản ánh nêu trên, khi đánh giá chất lượng tín dụng của một ngân hàng, người ta còn sử dụng một số chỉ tiêu như: Tổng dư nợ; tỷ lệ dư nợ cho vay có bảo đảm bằng tài sản trong tổng dư nợ; hiệu suất sử dụng vốn vay (tổng dư nợ/tổng vốn huy động), tỷ lệ vốn vay sử dụng sai mục đích... Các chỉ tiêu này góp phần phản ánh một cách toàn diện chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Một phần của tài liệu 0875 nâng cao chất lượng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại NHTM CP quân đội luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(113 trang)
w