Môi trường kinh tế vĩ mô ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế xã hội nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết cho việc nâng cao hiệu quả huy động vốn ngân hàng. Nếu môi trường kinh tế bất ổn định thì người dân sẽ hạn chế gửi tiền do lòng tin bị sụt giảm. Do đó, ngân hàng muốn huy động đủ vốn thì phải trả một khoản lãi suất cao để thu hút tiền gửi trong dân. Để các NHTM trong nước phát triển bền vững, nhà nước cần:
Thứ nhất, nhà nước cần ổn định tiền tệ: Để làm được điều đó, Nhà nước cần duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức hợp lý, đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền, có chính sách tỷ giá ổn định và linh hoạt, tránh các đột biến làm giảm sức mua của đồng nội tệ. Có nên hay không một chính sách lãi suất thả nổi? Đó là một câu hỏi cần Nhà nước trả lời từng bước. Khi lòng tin của dân chúng vào sự ổn định của đồng tiền Việt Nam được nâng cao thì công tác huy động vốn sẽ thuận lợi hơn, người dân an tâm hơn khi gửi tiền, đặc biệt là những khoản tiền gửi dài hạn.
Tiếp đó, phải có chính sách phát triển kinh tế đúng đắn: Chính phủ cần phải đưa ra các chính sách về tiết kiệm, nhằm cải tiến bộ máy ngân hàng theo hướng tăng cường hiệu lực quản lý, giảm bớt hệ thống quản lý cồng kềnh, sao cho phù hợp gắn liền với thực tiễn. Ngoài ra, đối với chính sách huy động vốn qua ngân hàng cũng được Nhà nước khuyến khích nhiều hơn nữa bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể thông qua các quy định về lãi suất, chính sách tỷ giá, thuế... Mặt khác, Nhà nước cũng cần chú trọng công tác thanh tra kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư, xây dựng tránh tình trạng đầu tư lãng phí, tham ô làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Thêm vào đó, Nhà nước cần phải chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp khác như hạn chế việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu, có thể trợ giá nếu cần thiết.
Đồng thời, nhà nước cần duy trì ổn định chính trị: Sự ổn định chính trị là điều kiện quan trọng thúc đẩy huy động vốn có hiệu quả. Một nền chính trị được kiến tạo vững chắc, có thiết chế hợp lý, được người dân tin tưởng và ủng hộ thì những chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực huy động vốn sẽ dễ dàng được thực hiện. Ngược lại sự bất ổn chính trị - xã hội sẽ tạo nên những hoài nghi
của dân chúng cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước về chế độ, chính sách khiến họ e ngại khi bỏ vốn đầu tư.
> Kiện toàn khung pháp lý về cạnh tranh ngân hàng trên thị trường vốn Việt Nam:
Môi trường pháp lý nước ta còn nhiều bất cập, các văn bản có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng và thiếu đồng bộ, do đó một nhiệm vụ cấp thiết của nhà nước là sớm hoàn thiện môi trường pháp lý.
Việc xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ, rõ ràng không chỉ tạo niềm tin cho dân chúng mà còn khuyến khích và tác động trực tiếp đến việc điều chỉnh quan hệ giữa tiêu dùng và tiết kiệm; chuyển bộ phận tiêu dùng chưa cấp thiết sang đầu tư, chuyển dần tài sản cất giữ dưới dạng vàng, ngoại tệ hoặc bất động sản sang đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh hoặc gửi vốn vào ngân hàng. Ngân hàng trực tiếp tham gia huy động các nguồn vốn khác nhau: tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tiền gửi dân cư.... Bởi vậy, việc tạo lập chính sách, cơ chế thực hiện chiến lược vốn phải đầy đủ các hình thức huy động vốn, đề cao chiến lược sử dụng vốn và cần phải có sự hợp lực của nhiều cấp ngành có liên quan.
Đồng thời, việc hoàn thiện luật giúp cho các ngân hàng hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho ngân hàng nâng cao được hiệu quả của công tác huy động vốn. Thực hiện giải pháp kiểm soát chặt chẽ và thực hiện chế tài đối với các NHTM không tuân thủ lãi suất trần huy động vốn và giảm chênh lệch trần giữa NHTMQD và NHTMCP, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trong hệ thống NHTM. Tránh trường hợp cạnh tranh nhiều rủi ro, thiếu bền vững bằng những cuộc chạy đua lãi suất ngầm giữa các ngân hàng như giai đoạn vừa qua, làm tăng chi phí thực tế, đồng thời làm mất lòng tin của khách hàng cũng như tạo hậu quả lâu dài cho ngân hàng.
Cần sớm minh bạch hóa pháp luật chuyên ngành đối với bảo hiểm tiền gửi cũng như cơ chế chi trả của bảo hiểm tiền gửi để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.
> Cơ cấu lại hệ thống các NHTM phù hợp với trình độ quản lý và GDP của Việt Nam:
ngân hàng và tác động rất lớn đến chiến lược huy động của các ngân hàng nói chung và hoạt động huy động vốn nói riêng. Trước tình hình thực tế là nước ta hiện đang có hơn 130 tổ chức tín dụng - một số lượng quá lớn so với GDP và trình độ quản lý của Việt Nam ta. Hơn 130 tổ chức tín dụng cùng cạnh tranh gay gắt và tranh giành thị trường sẽ khiến cho nhiều ngân hàng nhỏ, tình hình tài chính không bền vững nhưng vì đề tránh rủi ro thanh toán trong ngắn hạn đã lựa chọn những phương án mang lại nhiều hậu quả như: vượt trần lãi suất, vay vốn các NHTM khác trên thị trường 2 với lãi cao...hậu quả là khiến cho chi phí huy động vốn tăng đột biến, uy tín ngân hàng suy giảm, tình hình tài chính không được cải thiện, rủi ro thanh toán càng tăng cao, gây thiệt hại không chỉ cho chính NHTM mà còn cho người sử dụng dịch vụ, người gửi tiền và cho Hệ thống Tài chính - Ngân hàng Việt Nam. Do đó, NHNN với vai trò là Ngân hàng trung ương, ngân hàng của các ngân hàng, cần cơ cấu lại hệ thống các NHTM sao cho phù hợp với trình độ quản lý và GDP của Việt Nam.
> Hoàn thiện hệ thống thanh toán, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt
Đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống thanh toán liên Ngân hàng, phát triển các phương tiện thanh toán hiện đại để hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, hỗ trợ việc thanh toán giữa các Ngân hàng một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Ngân hàng nhà nước cần ban hành các chính sách hỗ trợ các Ngân hàng trong việc đẩy nhanh tốc độ thanh toán, ban hành các văn bản hướng dẫn về thanh toán điện tử, chữ ký điện tử, giao dịch điện tử để tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng