Bệnh nhân được chẩn đoán UTBT đã điều trị bước 1 đều được khám, theo dõi định kỳ. Trong năm đầu tiên sau điều trị, bệnh nhân thường đi tái khám định kỳ đúng hẹn, bệnh nhân được làm xét nghiệm để phát hiện tái phát, di căn. Nhưng từ năm tiếp theo, nhiều bệnh nhân không tuân thủ khám theo hẹn, chỉ khi có các triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, khó thở… thì mới đi kiểm tra lại.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận thấy 50% bệnh nhân phát hiện tái phát do tái khám định kì, các nguyên nhân khác khiến bệnh nhân đến khám là đau bụng - chướng bụng 33,5%, ho - khó thở 14,6%, ra máu âm đạo 2,1%. Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Mai Thị Kim Ngân ghi nhận lý do khám vào viện chủ yếu là khám định kì 45,6%, đau bụng - chướng bụng 38,6% [57].
Trong nghiên cứu của Dương Vũ Hùng, lý do bệnh nhân khám vào viện chủ yếu là đau bụng - chướng bụng 36,8%, khám định kì 33,4%, sờ thấy u
thành bụng 10,5%, tức ngực - khó thở 5,3%, sờ thấy hạch thượng đòn 7% [59]. Theo các tác giả Nguyễn Đình Tạo (2012) và Trần Bá Khuyến (2013) thì triệu chứng khiến bệnh nhân tái khám nhiều nhất là đau bụng - chướng bụng, lần lượt chiếm tỷ lệ là 58% và 54% [55],[56]. So với các nghiên cứu này, tỷ lệ phát hiện tái phát do khám định kì của chúng tôi cao hơn. Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân phát hiện qua tái khám định kì, có những bệnh nhân mặc dù đã xuất hiện triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, mệt mỏi,... nhưng vẫn đợi tới đợt hẹn mới đi khám. Tình trạng bệnh nhân không tuân thủ lịch khám định kì, hoặc trì hoãn tái khám khi xuất hiện triệu chứng gây chậm trễ phát hiện tái phát và ảnh hưởng điều trị tiếp theo do thể trạng bệnh nhân bị giảm sút nhiều.
4.1.6. Triệu chứng cơ năng
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy triệu chứng cơ năng hay gặp là đau bụng - chướng bụng 56,2%, mệt mỏi sút cân 42,1%. Ngoài ra có thể gặp ho - khó thở 14,5%, ra máu âm đạo 2,1%. Một bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều triệu chứng. Có 22,9% bệnh nhân không có triệu chứng cơ năng khi phát hiện tái phát.
Kết quả này tương tự một số nghiên cứu khác trên BN UTBT tái phát. Tác giả Trần Bá Khuyến (2013) ghi nhận 62% bệnh nhân chướng bụng - đau bụng, 42% bệnh nhân có mệt mỏi - sút cân, tự sờ thấy u - hạch thấy ở 11/52 BN chiếm 21%, đau tức ngực - khó thở xuất hiện ở 25% BN [56]. Trong nghiên cứu của Dương Vũ Hùng (2015) và của Mai Thị Kim Ngân (2015) cũng cho thấy triệu chứng hay gặp nhất là đau bụng - chướng bụng và mệt mỏi - sút cân [57],[59]. Các triệu chứng khác ít gặp hơn là ho - khó thở, sờ thấy u ở bụng, ra máu âm đạo…
Nhìn chung triệu chứng của UTBT tái phát cũng tương tự như UTBT khi phát hiện lần đầu tiên, phần lớn triệu chứng biểu hiện ở bụng, tiểu khung. Lý giải cho điều này là do phần lớn UTBT tái phát tại vị trí bụng - tiểu khung. Các triệu chứng mệt mỏi - sút cân gặp tỷ lệ khá cao, tuy nhiên triệu chứng này thường mơ hồ, không đặc hiệu nên dễ bị bệnh nhân bỏ qua, dẫn tới việc không đi khám hoặc trì hoãn tái khám. Các triệu chứng rõ ràng hơn như ho - khó thở, ra máu âm đạo, sờ thấy u bụng,… ít gặp hơn.
So sánh với nghiên cứu của nước ngoài, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt. Nghiên cứu của Sufliarsky J. (2008) trên 53 bệnh nhân UTBT tái phát thấy triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất vẫn là đau bụng 22,6%, chướng bụng 28,3%. Tuy nhiên, có tới 52,8% bệnh nhân không có triệu chứng [41]. Tỷ lệ này trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ là 22,8%. Điều này chứng tỏ việc quản lý, theo dõi và phát hiện sớm tái phát ở Việt Nam còn hạn chế. Nguyên nhân một phần là do bệnh nhân thiếu ý thức trong việc tái khám định kì và theo dõi sau điều trị.
4.1.7. Triệu chứng thực thể
Một số triệu chứng có thể phát hiện qua thăm khám là: cổ chướng, sờ thấy u ở bụng, thăm âm đạo, trực tràng thấy u hoặc nổi hạch ngoại biên. Nghiên cứu của chúng tôi có kết quả như sau: hay gặp nhất là dịch ổ bụng chiếm 45,8%, thăm âm đạo, trực tràng thấy u chiếm 29,2%, hạch ngoại biên 12,5%, sờ thấy u ổ bụng chiếm 10,4%. Tỉ lệ bệnh nhân không phát hiện triệu chứng thực thể chiếm 27,1%.
Kết quả này tương đồng với các nghiên cứu khác về UTBT tái phát. Kết quả của Dương Vũ Hùng (2015), triệu chứng thực thể UTBT tái phát bao gồm dịch ổ bụng 42,1%, sờ thấy u ở bụng 22,8%, thăm âm đạo, trực tràng thấy u 10,5%, không phát hiện triệu chứng thực thể 12,3% [59]. Trong nghiên cứu
của Trần Bá Khuyến (2013), 53,8% bệnh nhân có cổ chướng, sờ thấy u 17,3%, hạch thượng đòn 3,8%, thấy tổn thương qua thăm trực tràng - âm đạo 13,8%, không có triệu chứng 28,8% [56]. Nghiên cứu của Mai Thị Kim Ngân cho thấy tỷ lê bệnh nhân có dịch ổ bụng 45,6%, sờ thấy u ổ bụng 15,8%, thăm âm đạo 14%, hạch ngoại biên 1,8% [57].