12. Phát triển nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng thương mại
1.2.3. Nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nghiệp vụ bảo lãnh
Là một hoạt động liên quan đến hoạt động của nhiều chủ thể trong nền kinh tế, bảo lãnh ngân hàng chịu tác động của nhiều nhân tố khác nhau, trong đó có thể kể đến một số các nhân tố cơ bản sau đây:
1.2.3.1. Nhân tố khách quan
- Pháp luật và chính sách của nhà nước
Mọi hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế bao giờ cũng chịu sự điều tiết của pháp luật. Với tư cách là một trung gian tài chính quan trọng của nền kinh tế, các ngân hàng càng phải quan tâm đến vấn đề này, bởi hoạt động của
ngân hàng liên quan đến hầu hết các hoạt động khác trong nền kinh tế. Một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ và ổn định sẽ giúp NHTM có điều kiện xây dựng kế hoạch kinh doanh tốt và tiến hành các nghiệp vụ chức năng của mình một cách thuận lợi nhất. Nghiệp vụ bảo lãnh cũng vậy, khi mới ra đời, bảo lãnh hầu như không có văn bản pháp luật nào điều chỉnh, ngân hàng đã gặp phải không ít khó khăn khi phát sinh những tranh chấp, mà không có những chuẩn mực pháp quy để xử lý, mọi thứ đều phải dựa vào quan hệ hợp đồng.
Từ khi xuất hiện Luật các tổ chức tín dụng và các điều khoản quy định có liên quan và một loạt các văn bản khác ra đời như: Quyết định 196 ban hành ngày 16/9/1994 của thống đốc NHNN, quyết định 263/QĐ-NHNN ngày 19/9/1995, quyết định 283/2000/QĐ-NHNN ngày 25/8/2000 và gần đây nhất là quyết định số 26/2006/QĐ - NHNN ngày 26/06/2006 đã tạo nền tảng pháp lý ban đầu cho nghiệp vụ bảo lãnh. Tuy nhiên không đơn thuần chỉ chịu sự điều chỉnh của những văn bản quy phạm điều chỉnh trực tiếp nói trên, nghiệp vụ bảo lãnh còn chịu sự tác động của nhiều luật khác, liên quan đến từng nghiệp vụ bảo lãnh cụ thể. Vì vậy, việc hoàn thiện môi trường pháp lý sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng hoạt động bảo lãnh.
- Môi trường chính trị xã hội
Môi trường chính trị xã hội ổn định là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển hoạt động đầu tư, kích thích sự gia tăng của các hoạt động thương mại trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của bảo lãnh. Môi trường chính trị xã hội có tác động rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư bởi họ không thể đầu tư vào một đất nước có tình hình chính trị bất ổn định, chiến tranh, bạo động xảy ra liên tiếp, mà không có đầu tư, ngân hàng sẽ không thể có những hợp đồng bảo lãnh.
Nghiệp vụ bảo lãnh ra đời xuất phát trước hết từ sự phát triển của nền kinh tế, vì vậy những biến động trong nền kinh tế cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với nghiệp vụ bảo lãnh. Môi trường kinh tế phát triển lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho các giao dịch trong nền kinh tế càng gia tăng, khiến cho nghiệp vụ bảo lãnh càng có cơ hội phát triển, chất lượng bảo lãnh cũng theo đó mà tăng lên.
Mặt khác, là một hoạt động xuất hiện nhiều trong giao dịch quốc tế nên bảo lãnh chịu ảnh hưởng nhiều bởi các chính sách tỷ giá và lãi suất. Những yếu tố này là những yếu tố thuộc về vĩ mô, do đó chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường kinh tế xã hội và các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề đặt ra cho các ngân hàng là phải tiến hành dự báo được những thay đổi, diễn biến của chúng để đảm bảo khả năng thích nghi với sự thay đổi đó, tránh bị động, gây ảnh hưởng đến chất lượng bảo lãnh.
- Về phía khách hàng
Doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất, cần mở rộng những mối quan hệ giao lưu buôn bán với nhiều chủ thể khác trong nền kinh tế, vì vậy nhu cầu bảo lãnh là tất yếu. Tuy nhiên, muốn được bảo lãnh, doanh nghiệp cần phải đáp ứng được những yêu cầu của ngân hàng. Khả năng đáp ứng yêu cầu của ngân hàng được thể hiện ở các khía cạnh sau:
V Năng lực tài chính của doanh nghiệp
Doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn định sẽ khiến ngân hàng ít phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, làm rủi ro mà ngân hàng gặp phải giảm. Năng lực tài chính được đánh giá thông qua hệ thống các chỉ tiêu về khả năng sinh lời, khả năng thanh toán, tính lỏng của tài sản... Năng lực tài chính càng cao, khả năng đáp ứng các điều kiện bảo lãnh càng lớn càng góp phần nâng cao chất lượng nghiệp vụ bảo lãnh.
S Khả năng đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm
Giống như bất kỳ hoạt động tín dụng nào, bảo lãnh cũng cần có tài sản bảo đảm dưới hình thức cầm cố, thế chấp các loại tài sản thuộc sở hữu của khách hàng... Đây là biện pháp giúp ngân hàng giảm bớt được những rủi ro có thể xảy ra khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Việc tính toán hạn mức bảo lãnh cũng được quyết định dựa vào tỷ lệ % giá trị tài sản (70% giá trị tài sản). Do đó ngân hàng cần đánh giá tài sản một cách chính xác, khách quan, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.
S Đạo đức của khách hàng
Đây là vấn đề được đặt ra khi khách hàng có khả năng nhưng cố tình trốn tránh trách nhiệm của mình đối với khoản nợ với ngân hàng. Do đó, khi ra quyết định bảo lãnh, ngân hàng cần xem xét đến cả lịch sử giao dịch của khách hàng, đến các khoản nợ trước kia của khách hàng với ngân hàng mình và các tổ chức khác mà khách hàng có quan hệ tín dụng.
1.2.3.2. Nhân tố chủ quan
- Chiến lược kinh doanh của ngân hàng
Đây là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng, nếu không có chiến lược kinh doanh cụ thể, hoạt động của ngân hàng sẽ mang tính bị động, không nhất quán. Có được chiến lược kinh doanh hiệu quả, ngân hàng có thể phát huy được tốt nhất khả năng thực có của mình, đồng thời có thể dễ dàng thích ứng với những thay đổi của môi trường bên ngoài. Trên cơ sở có được chiến lược kinh doanh đúng đắn, ngân hàng mới có thể có được phương hướng phát triển cụ thể, đúng với mong muốn của mình. Tùy từng giai đoạn, ngân hàng sẽ có chiến lược khác nhau, dựa vào phương hướng đó, ngân hàng có thể biết được cần phải chú trọng vào hoạt động nào, tăng cường đẩy mạnh hoạt động nào. Bảo lãnh cũng vậy, chiến lược kinh doanh cũng cần phải được cụ thể hóa thành các mục tiêu và nhiệm vụ nhất
định, xác định định hướng khách hàng, thị trường mục tiêu, và các loại hình bảo lãnh tương ứng.
Chiến lược kinh doanh bao gồm cả chiến lược Marketing, chiến lược cơ cấu tổ chức, phát triển nguồn nhân lực...Hoạt động bảo lãnh cần phải tiến hành theo các định hướng đó, trong đó cần chú ý nhất tới chính sách phát triển nghiệp vụ bảo lãnh của mình. Chính sách này là một hệ thống các chỉ tiêu mà ngân hàng đặt ra và đưa ra các biện pháp để cụ thể hóa mục tiêu đó thành hiện thực. Chính sách này ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô, tính chất các khoản bảo lãnh cũng như phương thức hoạt động bảo lãnh, đưa ra định hướng phát triển, thị trường mục tiêu, và đưa ra các biện pháp nhằm hoàn thiện nghiệp vụ, đảm bảo sự phát triển đúng theo định hướng đã đề ra.
- Uy tín của NH
Trong điều kiện chất lượng các hoạt động ngân hàng chưa có sự phân hóa rõ rệt, uy tín là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngân hàng. Với khách hàng lần đầu tìm đến ngân hàng, họ sẽ tìm đến ngân hàng có uy tín tốt, hoặc chính người thụ hưởng sẽ chỉ định ngân hàng tiến hành bảo lãnh.
Ngân hàng thực hiện bảo lãnh nhiều lần sẽ có cơ hội mở rộng hoạt động của mình thông qua việc đúc rút kinh nghiệm từ các hoạt động trước đó.
- Chất lượng thẩm định khách hàng
Đây là hoạt động không thể thiếu trước khi ngân hàng đưa ra quyết định bảo lãnh cho khách hàng. Hoạt động này quyết định rủi ro mà ngân hàng gặp phải khi chấp nhận bảo lãnh cho khách hàng. Khi nhận được yêu cầu bảo lãnh của khách hàng, ngân hàng phải xem xét khả năng tài chính của khách hàng, khả năng thực hiện hợp đồng giữa khách hàng và bên nhận bảo lãnh, khả năng thanh toán của khách hàng nếu nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh. Chất lượng thẩm định phụ thuộc vào những nhân tố như :
V Khả năng thu thập thông tin một cách đầy đủ, chính xác về khách hàng từ những nguồn khác nhau.
S Thực hiện thẩm định dự án theo đúng trình tự, tuân thủ các bước một cách đầy đủ, tránh đưa ra các kết luận không đúng với thực tế.
S Trình độ cán bộ thẩm định: Nhân tố này sẽ được phân tích cụ thể thêm ở phần tiếp theo.
- Phẩm chất và trình độ cán bộ thực hiện bảo lãnh.
Con người luôn là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại t rong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Cùng với sự phát triển của bảo lãnh, chất lượng nguồn nhân lực cũng được đòi hỏi phải ngày càng nâng cao để có thể đáp ứng kịp thời, hiệu quả, thích ứng được với sự phát triển của môi trường kinh doanh. Việc tuyển chọn được nguồn nhân lực có phẩm chất đạo đức, trình độ nghiệp vụ cao sẽ giúp ngân hàng có được những quyết định đúng đắn khi tiến hành bảo lãnh cho khách hàng, tránh được những sai phạm có thế xảy ra trong quá trình thực hiện.