Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi công vụ của

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp phường quận hà đông, thành phố hà nội (Trang 88 - 91)

3.4 Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũcông

3.4.2 Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi công vụ của

vụ của công chức

3.4.2.1 Căn cứ đề xuất giải pháp

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi công vụ của người công chức là một hoạt động nhằm nắm bắt thông tin, diễn biến tư tưởng, hoạt động của công chức, giúp cho lãnh đạo cơ quan kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh, có biện pháp tác động, uốn nắn, điều chỉnh kịp thời, làm cho đội ngũ công chức luôn hoạt động đúng theo quy định và định hướng đề ra.

Trong thực tế công việc cho thấy, ban đầu mỗi người công chức khi bắt đầu vào công tác thì họ thường là những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực công tác tốt, tận tụy phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, sau thời gian công tác thì một số cá nhân công chức có biểu hiện thụt lùi, không chịu phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng dẫn tới thoái hóa, biến chất và nảy sinh những hành động tiêu cực. Những sai phạm của đội ngũ công chức nếu không kịp thời được kiểm tra, uốn nắn sẽ gây ra hệ lụy, dẫn đến có thể gặp phải những sai lầm lớn hơn, làm mất lòng tin nơi nhân dân, uy tín của Đảng và Nhà nước. Để ngăn ngừa và tránh những sai lầm không đáng có xẩy ra, thì chúng ta nên tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát công chức trong các hoạt động thực hiện nhiệm vụ, cần phải tiến hành công tác này thường xuyên, không để đến khi có sai phạm thì mới bắt đầu tiến hành kiểm tra xử lý. Tuy nhiên trong thực tế, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đội ngũ công chức vẫn chưa được quan tâm đúng mực, vẫn còn biểu hiện nhiều hạn chế, tình trạng nể nang, hình thức, kết quả thực hiện công tác này chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Do đó, để thực hiện hiệu quả công tác này thì cần phải làm tốt một số nội dung chủ yếu như sau:

3.4.2.2 Nội dung giải pháp

Một, cần tiến hành xây dựng rõ ràng hơn quy định về kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với đội ngũ công chức cấp phường. Phải có những quy định rõ ràng về thẩm quyền cũng như cơ chế bảo đảm thực thi quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát từ phía Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân đối với công chức. Thêm vào đó cần cân

nhắc đến biện pháp thực thi quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đối với những công chức nhà nước có biểu hiện tiêu cực, làm sai quy định, công tác này nên được xem xét tiến hành thuận lợi, dễ dàng hơn để có thể phát hiện nhanh chóng những trường hợp công chức làm sai và vi phạm thẩm quyền, pháp luật. Tiếp đến, cần quy định rõ ràng việc công chức phải chịu trách nhiệm về những sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình gây ra bằng những quy định pháp luật cụ thể, song song với đó là có những biện pháp kỷ luật thích đáng đối với công chức mắc phải. Đây là điều kiện cần và đảm bảo cho người phụ trách tiến hành công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát được đúng pháp luật, nghiêm chỉnh và đem lại hiệu quả cao nhất.

Hai, việc tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát nên được tiến hành theo nhiều hình thức linh hoạt, không nên cố định về thời gian kiểm tra. Việc này cần phải được làm thường xuyên và có kế hoạch cụ thể, tuyệt đối không để xẩy ra tình trạng làm theo phong trào cho có, cũng như có lịch báo trước để cho dưới cơ sở nắm bắt và có biện pháp đối phó chống chế, thì hiệu quả lúc đó đem lại sẽ là không chính xác và không giúp ích gì cho việc nâng cao hiệu quả cải cách nền hành chính công ngược lại sẽ gây nên nhiều biểu hiện tiêu cực như chạy chọt, đút lót đoàn làm công tác kiểm tra để che lấp những khuyết điểm vốn có tại nơi bị kiểm tra.

Ba, việc kiểm tra, thanh tra, giám sát công chức cấp phường trong hoạt động thực thi công vụ tại cơ sở cần được làm công khai, minh bạch cũng như kết quả của công tác này cũng phải được công bố công khai, rõ ràng để tạo tính răn đe và thể hiện sự dân chủ, cùng với đó lấy làm căn cứ đánh giá xét nâng bậc lương hay xét hưởng các chế độ đãi ngộ khác, hay như là cơ sở để tiến hành quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm những vị trí quan trọng hơn.

Bốn, bên cạnh đó cần phát huy tối đa hơn nữa tinh thần của quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, để nhân dân cùng tham gia vào việc xây dựng, đánh giá, giám sát và kiểm tra các hoạt động của đội ngũ công chức chính quyền cấp phường, có như thế mới đem lại hiệu quả thiết thực, cũng như tăng thêm sự tin tưởng của nhân dân vào chính quyền cơ sở, vào Đảng và Nhà nước.

Năm, cần có phương pháp kiếm tra chéo lẫn nhau giữa các đoàn phụ trách kiểm tra, thanh tra, giám sát, cũng như việc cần có sự kiểm tra, giám sát của nhân dân tới chính đối tượng thanh tra trong các hoạt động công vụ này. Thêm vào đó cần thực hiện thêm hệ thống công cụ và cơ chế kiềm chế gồm: điều tra thăm dò dư luận; hệ thống khiếu nại, tố cáo;hộp thưphản ánh, góp ý; phiếu đánh giá đối với công chức cấp phường.

Sáu, bên cạnh đó việc lựa chọn người thực hiện việc kiểm tra, giám sát nên là những người có phẩm chất đạo đức tốt, trong sạch, hiểu biết pháp luật, có ý thức kỷ luật cao để có thể thực hiện tốt công tác, đây cũng là tiêu chí ưu tiên hàng đầu để hướng tới lựa chọn người thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát. Cùng với đó phải có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp để những người này công tâm khách quan khi tiến hành nhiệm vụ tránh tình trạng bị lôi kéo, mua chuộc làm những việc vi phạm pháp luật.

3.4.2.3 Điều kiện thực hiện giải pháp

Do đặc thù công việc của đội ngũ công chức UBND cấp phường là những người trực tiếp giải quyết mọi thủ tục hành chính với người dân, cũng là nhân tố liên quan chặt chẽ tới các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nên trong thực tế công tác rất dễ xẩy ra tình trạng tiêu cực như cố ý làm sai, lạm quyền, bao che, hách dịch, đặc biệt là vấn nạn nhận hối lộ đã và đang gây nên rất nhiều phiền hà cho nhân dân, dẫn đến làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Từ đó cho thấy vấn đề kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với đội ngũ công chức chuyên môn là đặc biệt cần thiết và quan trọng. Phải nâng cao các hình thức xử lý kỷ luật đối với những cá nhân gây ra sai phạm để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, lấy đó làm gương và răn đe, điều đó sẽ tạo thêm hiệu lực cho việc chấp hành luật pháp cũng như kỷ luật hành chính, ngăn ngừa tình trạng tiêu cực diễn ra. Công tác này cần được làm đồng bộ, từ trên xuống dưới, phải bắt đầu từ trung ương rồi xuống đến cơ sở, có sự tham gia của các cấp các ngành đặc biệt trong đó là sự tham gia của nhân dân. Vì đây mới chính là những chủ thể mà tất cả những nội dung công tác nâng cao chất lượng công chức hướng đến, có được sự hài lòng của nhân dân thì chính là thước đo chính xác nhất của hiệu quả cải cách hành chính.

3.4.2.4 Dự kiến kết quả mà giải pháp mang lại

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi công vụ của công chức được làm tốt, sẽ giúp việc giải quyết các thủ tục hành chính tại bất kỳ cơ quan, đơn vị nào của quận cũng sẽ hanh thông, nhanh chóng, chính xác và được thực hiện đảm bảo theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước, tránh tình trạng để xảy ra sai sót, hay cố tình làm sai của cá nhân những công chức yếu kém nhằm chuộc lợi cá nhân. Mặt khác làm tốt công tác này sẽ giúp thanh lọc được những cá nhân yếu kém, phát hiện được những sai sót, bất cập nơi đội ngũ công chức chuyên trách của các phường trên địa bàn quận hiện nay. Đây có thể coi là bước đầu tiên để ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực ở nơi cá nhân người công chức có thể xẩy ra và cũng là công tác giúp nâng cao hiệu quả rõ nhất về chất lượng đội ngũ công chức của quận Hà Đông hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp phường quận hà đông, thành phố hà nội (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)