1.4.1.1. Sự di chuyển của tinh trùng
Khi giao hợp, tinh trùng từ túi tinh, các ống sinh tinh đổ xuống và trộn với dịch của túi tinh, tuyến tiền liệt và ống dẫn tinh, hỗn hợp dịch này được gọi là tinh dịch. Tinh trùng được phóng vào âm đạo, đọng ở cùng đồ sau của âm đạo. pH tinh dịch là 7,2 – 7,8, trong khi pH âm đạo thường < 5,0. Do đó, ngay sau khi phóng tinh, tinh dịch đông vón nhờ các enzyme đông đặc của dịch tuyến tiền liệt tác dụng vào fibrinogen điều này giúp để bảo vệ tinh trùng khỏi môi trường acid của âm đạo và giữ tinh trùng ở vị trí gần cổ tử cung, tránh chảy ngược ra ngoài. Môi trường âm đạo sau đó bị kiểm hóa do pH kiềm của tinh dịch. Sự ly giải bắt đầu xảy ra, nhờ tác động của fibrinolysin có trong dịch tuyến tiền liệt và giải phóng tinh trùng. Các cơ chế này làm tăng tối đa số lượng tinh trùng vào được đến cổ tử cung [16].
Trong giai đoạn phóng noãn, do ảnh hưởng của estrogen, chất nhầy cổ tử cung nhiều và loãng hơn, thuận lợi cho sự di chuyển của tinh trùng vào cổ tử cung. Niêm mạc cổ tử cung có nhiều kẽ. Rất nhiều tình trùng sau khi đi vào cổ tử cung bị giữ ở kẽ này. Sau đó tinh trùng tiếp tục từ các kẽ này đi lên vào buồng tử cung. Sự di chuyển của tinh trùng trong buồng tử cung nhờ đuôi vận động và được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố: sự co giãn của cơ trơn tử cung, dịch
trong lòng tử cung và nếp gấp niêm mạc tử cung, sự co giãn của cơ trơn vòi tử cung, các nhung mao của biểu mô vòi tử cung và môi trường của vòi tử cung.
Trong thời gian di chuyển tại tử cung và vòi tử cung đầu tinh trùng được hoạt hóa. Quá trình này tạo sự thay đổi của màng ở đầu tinh trùng, làm tiền đề cho phản ứng cực đầu và sự thụ tinh với noãn sau này [16]
1.4.1.2. Ảnh hưởng của chất nhầy cổ tử cung (CTC) đối với sự thâm nhập của tinh trùng
CTC người có cấu trúc hình trụ, thành dầy thuôn về phía lỗ ngoài CTC. Tuyến nhầy CTC là một hệ phức tạp các khe, tụ lại với nhau tạo thành các khoang ảo của tuyến. Cấu trúc của các khe thay đổi theo lứa tuổi, tình trạng bệnh tật và các giai đoạn của vòng kinh.
Biểu mô CTC bao gồm các dạng tế bào chế tiết khác nhau và có nhiều các hạt chế tiết. Dịch tiết của các tế bào này góp phần tạo nên chất nhầy CTC. Chất nhầy CTC được chế tiết bởi các tế bào biểu mô trụ và những tế bào này thay đổi theo chu kỳ nội tiết của vòng kinh. Các hormone của buồng trứng điều khiển hoạt động chế tiết chất nhầy CTC: estrogen kích thích sự sản sinh nhiều dịch nhầy còn progestin thì ức chế hoạt động chế tiết của các tế bào biểu mô tuyến này. Ở những người phụ nữ bình thường, trong độ tuổi sinh đẻ, lượng dịch nhầy được sản sinh trong một ngày thay đổi từ 0,5ml ở giữa vòng kinh xuống 0,1ml ở các giai đoạn khác của vòng kinh [11].
Sự thay đổi chu kỳ về độ đặc của chất nhầy CTC có thể ảnh hưởng tới khả năng thâm nhập và sự sống còn của tinh trùng [17].
Tinh trùng có khả năng thâm nhập vào chất nhầy CTC bắt đầu vào khoảng ngày thứ 9 của vòng kinh 28 ngày và tăng lên một cách từ từ tới thời điểm phóng noãn. Sự thâm nhập của tinh trùng thường bị giảm sau khi phóng noãn 1-2 ngày. Những tinh trùng di động được hướng theo sợi nhầy vào CTC,
Ở đó nó được phóng thích từ từ vào tử cung CTC và sự chế tiết chất nhầy của nó ảnh hưởng tới tinh trùng như sau [18]:
1. Làm tăng khả năng thâm nhập của tinh trùng vào chất nhầy xung quanh thời điểm phóng noãn và làm giảm khả năng này vào những thời điểm khác của vòng kinh.
2. Bảo vệ tinh trùng khỏi bị ảnh hưởng của các tác nhân có hại trong môi trường âm đạo và khỏi bị thực bào.
3. Bổ sung năng lượng dự trữ cho tinh trùng.
Nếu chất nhầy CTC có độ nhớt cao (đặc) và có nhiều bạch cầu, tinh trùng thâm nhập vào CTC kém và mất khả năng hoạt động. Điều này cũng xảy ra khi chất nhầy CTC của người vợ có kháng thể kháng tinh trùng [19].
1.4.1.3. Sự di chuyển của noãn
Đoạn đường đi của noãn ngắn hơn so với tinh trùng, nhưng noãn không tự di chuyển được, nó phải dựa vào các yếu tố xung quanh.
Khi vỡ nang Graff, noãn thoát ra và nằm ở bề mặt của buồng trứng (ở giai đoạn noãn bào cấp II). Trước khi phóng noãn, những tua của loa vòi tử cung chuyển động mạnh, quét trên khắp vòi tử cung. Khi được phóng thích ra khỏi buồng trứng, noãn được bọc ngoài bởi một màng trong suốt và lớp tế bào hạt. Sau đó noãn được hút về vòi tử cung (chưa rõ cơ chế này) trong đó chỉ biết rằng chỉ có sự hoạt động của các tua vòi tử cung, yếu tố “hướng tâm” của chất dịch chuyển động về phía loa vòi đã có sẵn trong ổ bụng. Khi tới lỗ của loa vòi tử cung noãn sẽ vượt qua và di chuyển vào trong vòi tử cung khá nhanh, chỉ vài giờ sau là tới chỗ tinh trùng [16].
Ngoài ra, nồng độ estrogen cao trong giai đoạn phóng noãn đã kích thích sự co bóp các cơ trơn nên đã đẩy noãn đi nhanh hơn. Noãn và tinh trùng sẽ gặp nhau và thụ tinh khoảng 1/3 ngoài của vòi tử cung [16].