Các loại mục tiêu

Một phần của tài liệu LẬP KẾ HOẠCH Y TẾ (Tài liệu giảng dạy cho Cử nhân Y tế công cộng) (Trang 53 - 54)

Trong các chương trình can thiệp với quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài, người ta có thể phân biệt và xây dựng 3 loại mục tiêu như sau:

- Mục tiêu quá trình: là điều mà chúng ta mong muốn đạt được trong quá trình thực hiện công việc cụ thể tại một thời điểm cụ thể.

- Mục tiêu đầu ra (hay còn gọi là mục tiêu can thiệp): là điều chúng ta mong muốn đạt được ngay khi hoàn thành xong toàn bộ hoặc một cấu phần của can thiệp hoặc một kế hoạch y tế trong một khoảng thời gian nhất định.

- Mục tiêu tác động (hay còn gọi là mục tiêu lâu dài): Là điều mà ta muốn đạt được hay muốn duy trì khi can thiệp/chương trình kết thúc, những mục tiêu này thường tạo ra những ảnh hưởng quan trọng về sức khoẻ cộng đồng và những tác động tích cực về kinh tế, xã hội và môi trường.

Ví dụ về các loại mục tiêu trong một chương trình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi:

Các loại mục tiêu Ví dụ

Mục tiêu tác động Giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi tại huyện A từ 23% vào 6/2005 xuống còn 10% vào tháng 6/2008

Mục tiêu đầu ra Tăng tỉ lệ các bà mẹ có con dưới 1 tuổi thực hành nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách tại huyện A từ 62% vào 6/2005 lên đến 85% vào 6/2007

Mục tiêu quá trình - Tăng tỉ lệ các trạm trưởng và cán bộ chuyên trách về dinh dưỡng của huyện A được tập huấn về tư vấn dinh dưỡng trẻ em lên đến 100% vào 6/2006

- Tăng tỉ lệ các bà mẹ có con dưới 1 tuổi được hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách tại huyện A lên đến 95% vào 12/2006

Tuy nhiên, các can thiệp y tế thường đưa ra hai loại mục tiêu để định hướng cho toàn bộ can thiệp là:

- Mục đích hay còn gọi là mục tiêu chung - Mục tiêu hay còn gọi là mục tiêu cụ thể

Cũng giống như mục tiêu, mục đích là một cái đích hoặc tiêu chí mà chúng ta hướng tới phấn đấu để đạt được. Tuy nhiên, mục đích thường đề cập đến các vấn đề một cách bao quát hơn, có thể là một định hướng lâu dài, không có giới hạn về thời gian của một chương trình hay một cơ quan/đơn vị. Do vậy, nhiều khi mục đích không được xác định một cách rõ ràng theo 5 tiêu chí mà mục tiêu cần đạt được như đã nêu trên (xem chi tiết trong mục 2).

Ví dụ: Mục đích và mục tiêu của Chương trình khám và điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS như sau:

Mục đích:

- Nâng cao chất lượng khám và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

Mục tiêu:

- Tăng tỉ lệ bệnh nhân HIV/AIDS được khám và điều trị bệnh đầy đủ tại tỉnh B từ 50% vào 7/2005 lên đến 80% vào tháng 7/2007

- Giảm tỉ lệ người đến xét nghiệm HIV/AIDS không được tư vấn tại tỉnh B xuống từ 90% vào 7/2005 còn 10% vào tháng 12/2006

- Tăng tỉ lệ những người sống chung với bệnh nhân HIV/AIDS có kĩ năng chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS tốt tại tỉnh B từ 30% vào 7/2005 lên đến 90% vào tháng 7/2006….

Một điểm cần hết sức lưu ý khi xây dựng mục đích và mục tiêu cho các can thiệp y tế là mối liên quan chặt chẽ giữa mục đích và mục tiêu của một can thiệp. Điều này có nghĩa là các mục tiêu đều phải hướng đến mục đích. Hay nói một cách khác, các mục tiêu đều góp phần giúp cho chương trình hay cơ quan/đơn vị đạt được mục đích đề ra.

Một phần của tài liệu LẬP KẾ HOẠCH Y TẾ (Tài liệu giảng dạy cho Cử nhân Y tế công cộng) (Trang 53 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)