Căn cứ đề xuất giải pháp xuất phát từ một số hạn chế của pháp luật doanh nghiệp trong thời gian vừa qua như đã nêu ở trên. Bên cạnh đó từ phần kinh nghiệm của các nước cho thấy một số quốc gia vẫn đang áp dụng các luật về doanh nghiệp được xây dựng từ rất lâu, ví dụ như kinh nghiệm của Malaysia, Công ty hiện vẫn đang được điều chỉnh bởi Luật công ty 1965, trong đó quy định bốn loại hình công ty: Công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phần; Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo đảm; Công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phần và bảo đảm; Công ty trách nhiệm vô hạn. Trong khi đó đối với Việt Nam kể từ khi Luật Công ty ra đời năm 1990 đến nay nước ta đã 3 lần ban hành các Luật liên quan đến doanh nghiệp, gây tốn kém kinh phí, nguồn lực cho việc sửa đổi, bổ sung. Có thời điểm nước ta có ba văn bản pháp luật điều chỉnh về các loại hình doanh nghiệp khác nhau, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Do đó, tôi đề xuất các giải pháp sau:
- Tăng cường công tác soạn thảo, thẩm tra dự án luật, có sự phân công rõ ràng về cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp. Quá trình chuẩn bị dự án có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan, nghiên cứu, khảo sát thực tế, tham khảo, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của cử tri.
- Trong hoạt động xây dựng pháp luật, đặc biệt là pháp luật doanh nghiệp, các cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu các quy định trong pháp luật của các nước, vì những vấn đề mà Việt Nam đang tiếp cận hôm nay đã từng được cộng đồng quốc tế nghiên cứu, giải quyết bằng pháp luật một cách thỏa đáng và khoa học. Việc tiếp thu các quy định này một mặt giúp chúng ta không tốn thời gian và công sức, mặt khác góp phần làm cho pháp luật Việt Nam trở nên tương thích hơn
với pháp luật của các nước trên thế giới, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.
- Đề cao vai trò của luật với tư cách là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, tăng cường việc ban hành luật để thay thế dần các hình thức văn bản quy phạm pháp luật khác. Quán triệt nguyên tắc luật càng cụ thể càng tốt để trên cơ sở đó, giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc ban hành các văn bản dưới luật, qua đó khắc phục tình trạng cồng kềnh, không đồng bộ, tính khó tiếp cận của hệ thống pháp luật kinh tế nước ta.
- Xây dựng pháp luật doanh nghiệp để thúc đẩy sự vận hành và phát triển của nền kinh tế thị trường theo hướng tất cả những gì cản trở quyền tự do kinh doanh, tự do sở hữu, cản trở cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh đều cần phải được loại bỏ càng sớm càng tốt. Bảo đảm pháp luật doanh nghiệp không chỉ phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam, mà còn phải đảm bảo sự tương thích với pháp luật của các nước trên thế giới, vì đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
- Bên cạnh việc tăng cường ban hành luật, cần phải tiếp tục xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tinh thông về nghiệp vụ để bảo đảm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc (không chỉ quan tâm đến việc xây dựng mà còn phải quan tâm hơn nữa đến việc thực thi pháp luật).
Để thực hiện giải pháp trên, Quốc hội cần chủ trì, chỉ đạo các cơ quan soạn thảo các dự án luật cần cân nhắc về việc giao Chính phủ lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm trên cơ sở đề xuất của tất cả các chủ thể có sáng kiến pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm chất lượng, tính tổng thể, nghiêm túc các dự án luật, tránh tình trạng chỉ do một ý kiến của một đại biểu Quốc hội nêu ra trong kỳ họp về việc ban hành một đạo luật, thiếu cơ sở nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thực tiễn kỹ lưỡng mà Quốc hội đã quyết đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và nhiệm kỳ Quốc hội.
Điều kiện thực hiện giải pháp trên đòi hỏi cần tăng cường nguồn lực, tài chính cho công tác lập pháp của Quốc hội đảm bảo chất lượng, có hiệu quả.
Luật doanh nghiệp năm 2014 ra đời góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Tuy nhiên Việt Nam cần tiếp tục nâng cao khả năng lập pháp, tăng cường học tập kinh nghiệm lập pháp, lập quy của các nước có điều kiện kinh tế, xã hội giống như Việt Nam để bảo đảm tính khoa học, tính hội nhập của pháp luật nước ta với pháp luật của thế giới.
3.2.5. Hoàn thiện các quy định của Luật doanh nghiệp 2014 về thành lập doanh nghiệp dân doanh
Từ phân tích tại mục 2.6.2 cho thấy Luật doanh nghiệp còn có thiếu sót về các đối tượng không được quyền thành lập doanh nghiệp, cụ thể Luật doanh nghiệp 2014 đã không đề cập tới người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chủ thể bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 thì “Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự,….” không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Từ những thiếu sót nêu trên, tôi đề xuất:
- Thứ nhất, bổ sung đối tượng không được thành lập, quản lý doanh nghiệp đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Bộ luật dân sự 2015 có một quy định mới về năng lực hành vi dân sự của cá nhân, đánh dấu lần đầu tiên các nhà làm luật Việt Nam đưa ra khái niệm về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Cụ thể như sau:
Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ
định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ (Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13, Điều 23, Khoản 1).
Liên quan tới năng lực hành vi dân sự của cá nhân, Luật doanh nghiệp 2014 có liệt kê hai đối tượng không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, đó là người bị mất năng lực hành vi dân sự và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13, Điều 18, Khoản 2, Điểm đ).
Tuy nhiên, vì Luật doanh nghiệp 2014 ra đời trước Bộ luật dân sự 2015, nên trong quy định của Luật doanh nghiệp 2014 về các cá nhân bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp đã không đề cập tới người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Thứ hai, cần bỏ quy định cấm người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại điểm e khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 để phù hợp với thực tế cũng như phù hợp với quy định của Hiến pháp. Bởi lẽ, về nguyên tắc, một công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự chỉ bị tước đoạt một số quyền công dân khi có hành vi vi phạm pháp luật và bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật kết luận người đó đã vi phạm pháp luật. Và thực tế đã chứng minh, không phải tất cả những người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự đều bị Tòa án kết luận là có tội, do họ chứng minh được mình vô tội và các cơ quan tiến hành tố tụng không có đủ cơ sở để chứng minh họ có tội và từ đó không có cơ sở để tước đoạt quyền công dân của họ trong đó có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là, thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp bản án sơ thẩm của Tòa án tuyên bị cáo là người có tội nhưng đến bản án phúc thẩm lại tuyên người đó không phạm tội.
Mặt khác, Luật doanh nghiệp 2014 cấm người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự không được thành lập và quản lý doanh nghiệp nhằm mục đích ngăn chặn những tác động xấu mà người này có thể gây ra cho chính doanh nghiệp và cả các đối tác khi họ thành lập và thực hiện vai trò quản lý doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 56 Luật doanh nghiệp 2014 lại quy định: “Trường hợp cá nhân
là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề theo quy định của Bộ luật Hình sự, thành viên đó ủy quyền cho người khác tham gia Hội đồng thành viên công ty”. Và theo quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 thì thành viên công ty trách nhiệm hữu hai thành viên trở lên là người quản lý công ty. Theo hai quy định nêu trên, thì kế cả trong trường hợp một thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bị tạm giam (đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự), bị kết án tù (phải chịu trách nhiệm hình sự) thì họ vẫn không bị tước quyền làm thành viên của công ty mà thành viên đó vẫn giữ được quyền quản lý công ty thông qua cơ chế ủy quyền cho người khác tham gia Hội đồng thành viên. Do đó, nếu đối chiếu quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật doanh nghiệp 2014 với điểm e khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 chúng ta có thể thấy quy định của luật thiếu tính nhất quán. Và nếu áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật doanh nghiệp 2014 thì mục đích của việc quy định cấm người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại điểm e khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 không đạt được.
Để thực hiện giải pháp trên, đề nghị các cơ quan soạn thảo pháp luật bỏ quy định cấm người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại điểm e khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 để phù hợp với thực tế cũng như phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm được tính thống nhất trong quy định của Luật doanh nghiệp 2014 về chủ thể có quyền quản lý doanh nghiệp quyền thành lập để từ đó bảo đảm tốt hơn quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp chính đáng của công dân. Bổ sung đối tượng có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là các đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp. Có như vậy mới tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp trên thực tế.