Mặc dù lĩnh vực cho vay chủ đạo của BIDV là lĩnh vực thi công xây lắp, nhằm đa dạng hóa ngành nghề đầu tư và phân tán rủi ro BIDV Hà Thành vẫn dành vốn cho các ngành nghề khác. Do vậy để mở rộng thị trường cho vay, đồng thời có hướng đầu tư an toàn - hiệu quả - bền vững, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, BIDV Hà Thành cần phân tích, đánh giá quy mô, cơ cấu và hiệu quả tín dụng đối với các ngành kinh tế, thành phần kinh tế, địa bàn nông thôn, thành thị, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, nắm bắt được diễn biến của nền kinh tế, cụ thể:
Xác định rõ đối tượng ngành hàng để đầu tư phù hợp theo từng thời kỳ, cần lựa chọn những ngành có khả năng cạnh tranh cao, thị trường tiêu thụ
chắc chắn như ngành bưu chính viễn thông, điện lực, nước, xăng dầu,...
Chủ động nghiên cứu quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành kinh tế, địa phương, đánh giá và dự báo về nhu cầu vốn, khả năng huy động vốn, mức độ rủi ro tín dụng để xác định mức độ tăng trưởng tín dụng và cơ cấu vốn tín dụng cho từng ngành, từng địa phương, địa bàn nông thôn và thành thị.
Trong mọi trường hợp cho vay trái địa bàn đều phải có phê duyệt của Tổng Giám đốc bằng văn bản nhằm tránh sự cạnh tranh của các chi nhánh trong cùng hệ thống.
Thực hiện cho vay đồng tài trợ, cho vay hợp vốn đối với các dự án đầu tư có nhu cầu vốn vay lớn và thời hạn thu hồi vốn kéo dài, mở rộng cho vay các dự án hiệu quả, thu hồi vốn nhanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ,.
Tăng cường mở rộng mạng lưới giao dịch, tăng cường công tác tiếp thị và nâng cao chất lượng hoạt động, tạo sự tiện ích, thoải mái cho khách hàng trong quá trình giao dịch tại BIDV Hà Thành.