Sự không cân xứng thông tin có thể gây ra rủi ro, tổn thất cho bất kỳ hoạt động nào của ngân hàng trong đó có hoạt động bảo đảm tiền vay. Nếu trong hoạt động tín dụng, chúng ta bàn về việc ngân hàng không hiểu thấu đáo khách hàng thì trong hoạt động bảo đảm tiền vay chúng ta sẽ nói đến việc “không nắm được tài sản đảm bảo”. Về mặt lý thuyết, tài sản đảm bảo chỉ là nguồn thu nợ thứ cấp, các ngân hàng đều nhấn mạng không nên quá chú trọng vào tiêu chí này khi cho vay đối với khách hàng. Nhưng thực tiễn đã chứng minh, cho dù là thứ cấp nhưng tài sản đảm bảo lại là “chìa khóa” trong việc giải quyết các khoản nợ xấu mà các ngân hàng đang gặp phải. Năm 2012, khi ngân hàng nhà nước công bố về số nợ xấu của toàn hệ thống là 202 nghìn tỷ đồng thì ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh thanh tra của ngân hàng nhà nước cũng đã “trấn an” dư luận bằng con số giá trị tài sản đảm bảo bằng 135% số nợ xấu, một con số thực sự đã làm nguôi ngoai rất nhiều những người dân đang đi gửi tiền tại ngân hàng.
Qua 2 năm, chúng ta vẫn thấy công tác xử lý tài sản đảm bảo để bù cho nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn chưa thỏa mãn được yêu cầu của người dân. Nguyên nhân được lý giải là khó khăn trong công tác xử lý tài sản đảm bảo, đây là nguyên nhân mang tính “phần ngọn”, còn gốc rễ là chúng ta chưa nắm vững trong tay thông tin để đủ quyền hạn trong việc đưa các tài sản này để bù đắp vào những tổn thất mà ngân hàng phải gánh chịu.
Tại chi nhánh Văn Lâm, công tác thu thập thông tin về tài sản đảm bảo được thực hiện trực tiếp bởi các cán bộ tín dụng. Với lực lượng mỏng, đa phần đều trẻ (<35 tuổi), lại làm việc trong một môi trường kinh doanh khá
phức tạp : đa dạng về các loại hình doanh nghiệp, nhiều ngành nghề kinh doanh, địa bàn dân cư đông đúc,... đã gây khó khăn trong công tác thu thập và xử lý thông tin về tài sản đảm bảo. Năm 2013, chi nhánh đã vấp phải những trường hợp các doanh nghiệp lén lút bán tài sản đảm bảo ,“khóa trái cửa” không cho các cán bộ tín dụng vào thực hiện các công tác xử lý, phát sinh các tranh chấp tài sản đảm bảo và nhiều trường hợp phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng đặc biệt là cơ quan công an trong việc giải quyết các sự việc này.
Vì vậy, việc xây dựng một mạng lưới thông tin về tài sản đảm bảo bao gồm: nguồn thông tin, cách thức thu thập, quy trình xử lý, tiêu chí đánh giá thông tin. Phụ thuộc vào từng địa bàn hoạt động cũng như sự có sẵn của thông tin, chi nhánh nên tự xây dựng một hệ thống các chỉ tiêu liên quan đến việc chắt lọc thông tin, có thể tiến hành cho điểm đối với từng nguồn, nhấn mạnh thêm yếu tố phân tích của bản thân cán bộ tín dụng. Nguồn thông tin từ các phương tiện thông tin truyền thông trước đây chưa được coi trọng do thiếu tính chính thống, tuy vậy trong xã hội hiện đại, khi có tới 70-80% các thông tin trong đó có cả những văn bản pháp luật mới nhất hoặc các vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được đăng tải thì đây đang thực sự là kho tư liệu cần thiết cho cán bộ tín dụng có thể khai thác và sử dụng. Trên cơ sở hệ thống chỉ tiêu về thông tin được xây dựng, chi nhánh không những giảm nhẹ được khó khăn khi tiến hành thẩm định bảo đảm tiền vay mà còn tạo cơ sở cho ngân hàng có thể áp dụng một cách linh hoạt các phương thức cho vay tương ứng với từng loại tài sản đảm bảo để vừa hạn chế rủi ro vừa không ảnh hưởng đến mục tiêu mở rộng tín dụng, hạn chế tối đa việc mất cân xứng thông tin giữa ngân hàng và tài sản đảm bảo.