Qua nghiên cứu mô hình bảo lãnh vay vốn của một số nước trên thế giới có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về bảo lãnh vay vốn NHTM mà Việt Nam có thể tham khảo. Đó là:
Thứ nhất, hoạt động bảo lãnh vay vốn được thực hiện bởi một tổ chức độc lập, thường là Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Thứ hai, đối tượng được bảo lãnh là các DN nhỏ hoặc DNNVV, đó là đối tượng có nhu cầu về vốn nhưng lại khó đáp ứng được hết các điều kiện vay vốn của hệ thống NHTM và cần có bảo lãnh của một tổ chức thứ ba, đảm bảo cho quá trình vay vốn của DN. Trong nền kinh tế các nước thì loại hình DN này là phổ biến và cũng có vai trò nhất định đối với sự phát triển kinh tế quốc dân nhưng lại chưa có được các chính sách hỗ trợ thỏa đáng nên nghiệp vụ bảo lãnh cho các DN này vay vốn NHTM là rất cần thiết và là một nghiệp vụ thường xuyên, lâu dài.
Thứ ba, phạm vi bảo lãnh bao gồm cả bảo lãnh cho vay vốn ngắn hạn và dài hạn, phục vụ sản xuất hoặc thực hiện dự án.
Thứ tư, các tổ chức có quy định về quy trình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh là khác nhau. Điểm khác chủ yếu ở chỗ Quỹ bảo lãnh tín dụng nhận đề nghị bảo lãnh vay vốn từ NHTM hay DN và nhận trước hay sau khi DN và NHTM ký kết hợp đồng tín dụng. Việc quy định này phụ thuộc vào mức độ chịu rủi ro của tổ chức bảo lãnh và uy tín, xếp hạng và phân loại DN.
Thứ năm, việc xác định số tiền bảo lãnh và mức hạn chế bảo lãnh được các tổ chức bảo lãnh xây dựng trên cơ sở số tiền vay được bảo lãnh và thời hạn của khoản vay hoặc xếp hạng tín dụng của DN.
Thứ sáu, quy định về tài sản đảm bảo ở một số nước là bắt buộc còn ở một số nước thì không.
Từ những bài học rút ra qua việc nghiên cứu mô hình bảo lãnh của một số nước trên thế giới, Việt Nam từng bước xây dựng mô hình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh cho vay tại NHTM đối với DN nhỏ và vừa phù hợp với thực tiễn nền kinh tế đất nước.
Kết luận Chương 1
Trong Chương 1, luận văn đã hệ thống hóa lý luận về nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng, bảo lãnh cho vay của ngân hàng, trong đó luận văn đã trình bày một cách có chọn lọc cơ sở lý luận chung về bảo lãnh ngân hàng, bảo lãnh cho vay của ngân hàng, các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của bảo lãnh cho vay của ngân hàng. Bên cạnh đó, luận văn cũng phân tích một số nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động bảo lãnh cho vay, từ đó có cơ sở để phân tích thực trạng hoạt động bảo lãnh cho vay.
Luận văn đã nêu một số mô hình bảo lãnh vay vốn của ngân hàng các nước trên thế giới từ đó rút ra bài học cho Việt Nam trong xây dựng mô hình bảo lãnh vay vốn.
CHƯƠNG 2:
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG BẢO LÃNH CHO VAY TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI ĐOI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
CỦA NGÂN HÀNG PHÁTTRIỂNVIỆT NAM