CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN HỆ THỐNG XẾP HẠNG TÍN DỤNG DOANH NGHIỆP
3.2.3 Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ và kỹ năng phân tích, đánh giá của chuyên môn
chuyên môn
Kết quả phân tích tín dụng, đánh giá xếp hạng khách hàng không chỉ phụ thuộc vào chính sách quản trị, hệ thống thông tin thu thập được, mà còn phụ thuộc vào cả quá trình tổ chức thực hiện. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật phân tích, đánh giá của cán bộ khách hàng là yếu tố quan trọng nhất của quá trình vận hành này.
Không có đội ngũ chuyên gia phân tích tín dụng giỏi để đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp thì kết quả xếp hạng sẽ không có ý nghĩa, vì thiếu độ tin cậy. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy không có phương pháp và công cụ phân tích nào có thể hoàn toàn thay thế được kỹ năng và kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia phân tích tín dụng. Để có đội ngũ chuyên gia phân tích tín dụng giỏi, Vietcombank cần phải có chính sách tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ tương xứng để họ gắn bó lâu dài, tích lũy kinh nghiệm theo thời gian.
Vietcombank cần chú trọng nâng cao chất lượng nhân viên, bắt đầu là khâu tuyển dụng. Cần có chính sách tuyển dụng công khai, nghiêm ngặt, chọn lọc được những cán bộ có trình độ chuyên môn và nhiệt tình trong công việc. Bên cạnh đó, công tác đào tạo cũng cần được tổ chức thường xuyên, mở lớp học về phân tích tài chính doanh nghiệp định kỳ, thuê những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước để cán bộ có dịp học hỏi, nâng cao kiến thức.
Cần tổ chức những buổi tập huấn cơ bản về chấm điểm XHTD, tạo điều kiện cho các cán bộ được trao đổi kinh nghiệm nhằm giảm tối đa ý chí chủ quan trong khi chấm điểm để kết quả xếp hạng phản ánh chính xác nhất tình trạng khách hàng.
Ngoài ra, Vietcombank nên định kỳ tổ chức thi kiến thức nghiệp vụ, tạo động lực để nhân viên không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và phát huy nội lực của mình.
Trình độ cán bộ công nhân viên của Vietcombank được nâng cao, có đủ kiến thức và kinh nghiệm, đặc biệt những kiến thức về kinh tế thị trường, nắm bắt được quy luật khách quan, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế trong điều kiện Việt Nam, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương thức làm việc tiên tiến, có năng lực đề xuất, tham mưu xây dựng chiến lược, định hướng, chính sách, chế độ, thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, phù hợp với những đòi hỏi của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Yếu tố con người là then chốt, quyết định đến sự thành công của quá trình xây dựng một ngân hàng hiện đại.
Với kinh nghiệm hoạt động trải qua 48 năm, Vietcombank đã khẳng định vị thế là Ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam. Trong thời gian tiếp theo, Vietcombank sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp chiến lược để từng bước thực hiện tầm nhìn 2015 đứng trong hàng ngũ 70 định chế tài chính hàng đầu Châu Á với phạm vi hoạt động cả trong nước và quốc tế. Những giải pháp chủ đạo bao gồm đa dạng hoá hình thức sở hữu nhằm nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động; tăng cường năng lực quản trị điều hành và hiện đại hoá công nghệ ngân hàng; tăng cường năng lực tài chính, nâng cao sức cạnh tranh của Vietcombank trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển nguồn nhân lực thông qua các giải pháp đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân tài trong và ngoài nước cũng như thu hút chất xám từ các khu vực kinh tế phát triển. Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.