Những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác định giá tài sản đảm bảo tại ngân hàng thương mại TNHH MTV đại dương (Trang 74 - 80)

2.3.2.1 Những hạn chế còn tồn tại

Bên cạnh những ưu điểm, công tác định giá tài sản đảm bảo của Ngân hàng Đại Dương cũng còn một số bất cập hạn chế. Sau đây là một số điểm cần lưu ý:

- Thứ nhất, năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ định giá còn nhiều hạn chế. Hiện nay đa số các cán bộ định giá hầu hết là tốt nghiệp các trường khối kinh tế nên các hiểu biết về một số lĩnh vực và ngành nghề như: kiến trúc, xây dựng, bất động sản, máy móc thiết bị, kỹ thuật...chưa cao. Chính vì vậy mà khả năng định giá tài sản đảm bảo cũng như đánh giá được toàn diện các rủi ro tiềm ẩn vẫn còn hạn chế. Điều này trên thực tế đã được bộc lộ khi giá trị tài sản đảm bảo mà Ngân hàng Đại Dương xử lý để thu hồi nợ chỉ đạt 30 – 40% so với giá trị định giá ban đầu.

- Thứ hai, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ còn nhiều khó khăn.

Khi khách hàng không trả được nợ, Ngân hàng Đại Dương buộc phải xử lý tài sản đảm bảo. Tuy nhiên đây không phải là công việc đơn giản, để xử lý được, Ngân hàng Đại Dương phải làm đơn kiện đến tòa án kinh tế để giải quyết và chỉ khi có quyết định Ngân hàng Đại Dương mới được tổ chức bán đấu giá tài sản. Đây là hạn

chế lớn với công tác bảo đảm tiền vay của Ngân hàng Đại Dương nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung. Vì việc qua Tòa án phải mất rất nhiều thời gian, tốn kém chi phí, hơn nữa đến khi được quyền xử lý tài sản thì tài sản có thể đã bị mất giá trị, dẫn tới số vốn thu lại được thấp hơn rất nhiều so với những gì đã bỏ ra để có được nó. Chính vì vậy, đến tòa án là biện pháp cuối cùng sau một loạt các biện pháp như thương lượng, thuyết phục...khách hàng không thành công.

- Thứ ba, phương pháp định giá còn sơ sài chưa cụ thể, nguồn thu thập thông tin còn hạn chế, thiếu chính xác dẫn tới định giá không chính xác giá trị của tài sản đảm bảo.

Hiện nay khi định giá tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Đại Dương chủ yếu chỉ sử dụng 2 phương pháp định giá là phương pháp so sánh trực tiếp và phương pháp chi phí. Chính điều này đã gây không ít khó khăn cho cán bộ định giá vì thực tế phạm vi áp dụng của hai phương pháp này là không thể bao quát hết tất cả các loại tài sản đảm bảo. Trong khi đó hệ thống thông tin làm cơ sở cho quá trình định giá đa phần lấy từ các nguồn bên ngoài do cán bộ định giá thu thập được. Do vậy, kết quả định giá đó chỉ mang tính ước lượng và được đưa ra dựa trên nhận định chủ quan của cán bộ định giá.

- Thứ tư, công tác quản lý tài sản chưa được quan tâm đúng mực và còn gặp nhiều bất cập.

Tài sản đảm bảo được coi là nguồn thu nợ thứ hai khi khách hàng không trả được nợ. Do đó quản lý tài sản là việc hết sức quan trọng đối với ngân hàng. Việc quản lý tài sản sẽ giúp ngân hàng nắm bắt được tình hình tài sản, những thay đổi từ tài sản để từ đó có biện pháp giải quyết phù hợp, kịp thời, tránh rủi ro cho ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng Đại Dương vẫn chưa có quy định cụ thể và chi tiết về công tác quản lý tài sản, thiếu cơ sở hạ tầng như kho để hàng riêng, do đó việc quản lý tài còn rất nhiều khó khăn và tốn kém chi phí. Đó là nguyên nhân giải thích tại sao mà các hàng hóa, máy móc thiết bị, thành phẩm, nguyên vật liệu...ít được nhận làm tài sản đảm bảo. Vì nếu nhận những tài sản đó làm bảo đảm, Ngân hàng Đại Dương sẽ phải thuê kho, điều này sẽ dấn tới mất thời gian và chi phí, còn nếu để tại kho bên bảo đảm thì Ngân hàng Đại Dương rất khó để theo dõi, quản lý. Điều này

cũng khiến cho Ngân hàng Đại Dương có thể bỏ lỡ cơ hội và mất đi những khách hàng tiềm năng.

- Thứ năm, hiện tại chỉ đối với những tài sản vượt thẩm quyền của chi nhánh thì mới chuyển lên Phòng Quản lý Tài sản đảm bảo thực hiện tái thẩm định, nên Phòng Quản lý Tài sản đảm bảo không thể nào quản lý được tất cả các loại tài sản còn lại tại đơn vị, vì thế không thể nắm bắt được việc định giá có chính xác hay không, hoặc tài sản có gặp rủi ro gì về pháp lý hay không. Đặc biệt trong tình hình thẩm uyền định giá tại các đơn vị kinh doanh hầu như rất ít bị giới hạn như hiện nay, thì số lượng Tài sản đảm bảo trong thẩm quyền tự định giá của chi nhánh mà Phòng Quản lý Tài sản đảm bảo không quản lý được là quá nhiều.

2.3.2.2 Nguyên nhân

* Nguyên nhân khách quan

- Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.

Cho tới thời điểm hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành luật khác nhau quy định về biện pháp bảo đảm bằng tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, trong nội dung các quy định này có nhiều vấn đề không còn phù hợp và việc áp dụng các quy định về biện pháp bảo đảm còn có điểm thiếu đồng bộ và nhất quán. Ta có thể lấy một vài ví dụ như sau:

+ Mâu thuẫn trong quy định về giao dịch bảo đảm giữa Bộ Luật dân sự và Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, sự song hành tồn tại của 2 quy chế về giao dịch bảo đảm áp dụng đối với chủ nợ nói chung và đối với tổ chức tín dụng, ngân hàng nói riêng (Nghị định 165/1999/NĐ-CP) và Nghị định 178/1999/NĐ-CP) gây khó khăn khi lựa chọn luật áp dụng; các hạn chế đối với tổ chức tín dụng khi nhận tài sản đảm bảo là động sản, hàng lưu kho, tài sản hình thành trong tương lại; quyền thỏa thuận của các bên trong giao dịch chưa thực sự được tôn trọng; thứ tự ưu tiên thanh toán không rõ ràng. + Bộ Luật Dân sự 2015 đã trao quyền cho bên nhận bảo đảm được quyền yêu cầu bán đấu giá theo quy định của pháp luật nếu các bên không có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, tại Thông tư số 03/2001/TTLT- NHNN-BTP-BTC-TCĐC giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ tài chính, Tổng Cục Địa chính ngày 29/4/2001 quy định tổ chức tín dụng không được trực tiếp bán hay trực tiếp nhận

quyền sử dụng đất thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, nếu không đạt được sự thỏa thuận của các bên thì tổ chức tín dụng phải đưa ra bán đấu giá hay khởi kiện tại tòa. Trong các điều khoản của hợp đồng tín dụng luôn ràng buộc điều kiên “Khi khách hàng vi phạm các điều khoản của hợp đồng tín dụng thì tổ chức tín dụng được toàn quyền xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ” nhưng trên thực tế nếu không đạt được sự thỏa thuận với khách hàng hoặc khách hàng không hợp tác, cố tình chây ỳ để kéo dài thời hạn trả nợ thì chỉ còn cách chuyển hồ sơ khởi kiện tại Tòa án. Quá trình khởi kiện đến khi kết thúc vụ kiện thường kéo dài, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý nợ của các tổ chức tín dụng.

+ Việc xử lý tài sản đảm bảo đã khó, tuy nhiên sau khi xử lý xong việc thanh toán thu nợ lại gặp không ít khó khăn bởi không chỉ thanh toán nợ cho tổ chức tín dụng mà trước tiên phải nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, chi phí phát sinh…Pháp luật không chỉ rõ chi phí phát sinh bao nhiêu thì được cho là hợp lý.

Thực trạng trên cho thấy tính thống nhất của hệ thống pháp luật thực định ở Việt Nam chưa được bảo đảm. Đặc biệt, với sự ra đời của Bộ luật dân sự mới (năm 2015) nhiều quy định về các biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản cũng cần có những sửa đổi cơ bản cho phù hợp

- Thứ hai, sự biến động của môi trường kinh tế vĩ mô.

Do ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới và khu vực, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm, lạm phát cao, không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng nói chung và hoạt động bảo đảm tiền vay bằng tài sản nói riêng. Nợ xấu của các Ngân hàng thương mại liên tục gia tăng khiến các ngân hàng đồng loạt tăng cường trích lập dự phòng và tích cực thu hồi nợ thông qua xử lý tài sản đảm bảo. Tuy nhiên nền kinh tế vĩ mô suy thoái khiến cho thị trường bất động sản và thị trường của các loại tài sản khác cũng gặp nhiều bất ổn, khi ngân hàng muốn phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ cũng gặp nhiều khó khăn khi không có người mua hoặc giá trị thấp hơn nhiều so với lúc định giá để cho vay.

- Thứ ba, việc định giá tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Đại Dương đôi khi còn gặp khó khăn xuất phát từ chính những khách hàng vay vốn.

Các khách hàng khi đến với ngân hàng đều mong muốn có thể vay được số tiền lớn hơn số tiền thực sự cần ở thời điểm hiện tại, do vậy khách hàng sẽ không ngần ngại hợp thức hóa giấy tờ, cung cấp thông tin sai sự thật về tình hình tài chính, sửa chữa và làm khống hóa đơn sao cho giá trị cung cấp lớn hơn thực té.Từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả định giá tài sản đảm bảo và việc ra quyết định tín dụng. Hơn nữa, khi ngân hàng phải xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại từ phía khách hàng như: khách hàng cố tình lẩn trốn nhằm tránh việc hợp tác với tòa án để xử lý tài sản; khách hàng tranh chấp, cản trở khi cơ quan cưỡng chế xử lý tài sản thế chấp.

* Nguyên nhân chủ quan

Ngân hàng là người trực tiếp ra quyết định cho vay, chủ động áp dụng hình thức bảo đảm tiền vay cũng như xử lý các tài sản đảm bảo của khách hàng nên ngân hàng có thể coi là nhân tố mang tính quyết định và có ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác định giá tài sản đảm bảo. Chính vì thế các nhân tố liên quan đến ngân hàng là nhân tố chủ quan ảnh hưởng rất lớn tới công tác định giá tài sản đảm bảo.

- Một là, nguồn nhân lực về công tác định giá tài sản đảm bảo còn hạn chế và thiếu trình độ chuyên môn. Để định giá tài sản đảm bảo một cách chính xác và hiệu quả thì yếu tố năng lực và trình độ của chuyên viên, cán bộ định giá là điều cần phải xem xét đầu tiên. Chỉ có những chuyên viên định giá có năng lực và trình độ chuyên môn mới biết được đâu là những khách hàng có uy tín, có khả năng trả nợ, có khả năng nhìn nhận về biến động thị trường của các loại tài sản đảm bảo để có thể đưa ra đánh giá và đưa ra kết quả định giá một cách chính xác, giảm rủi ro, ảnh hưởng với ngân hàng khi xử lý tài sản để thu hồi nợ. Đặc biệt có những tài sản đảm bảo do tính chất đặc thù của tài sản có thể gặp nhiều khó khăn trong định giá thì càng đòi hỏi năng lực và trình độ của chuyên viên định giá càng cao. Bên cạnh chuyên môn giỏi thì đạo đức của chuyên viên định giá cũng là một nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến công tác định giá tài sản đảm bảo. Đây là vấn đề rất cần quan tâm bởi vì môi trường làm việc của ngân hàng khá đặc thù dễ dẫn tới những trường hợp móc ngoặc giữa chuyên viên định giá, cán bộ tín dụng và khách hàng để rút tiền ngân hàng. Nếu cán bộ tín dụng định giá không đúng giá trị thực của tài sản đảm bảo, cho khách hàng vay

một số tiền lớn hơn so với giá trị thật của tài sản đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác xử lý tài sản đảm bảo sau này nếu khoản nợ đó không có khả năng được hoàn trả. Tuy nhiên nguồn cán bộ tín dụng đặc biệt là cán bộ định giá có đầy đủ năng lực cũng như đạo đức hiện tại đang rất là hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công tác định giá tài sản đảm bảo của các NHTM nói chung và Ngân hàng Đại Dương nói riêng.

- Hai là, cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin không đầy đủ khiến cho việc định giá tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn, tốn kém thời gian, công sức của cán bộ định giá. Thực tế chứng minh rằng, việc tập hợp những dữ liệu thông tin đầy đủ chính xác của khách hàng vay và phân tích những thông tin đó sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công tác tín dụng, bảo đảm an toàn nợ vay cũng như xử lý tài sản để thu hồi nợ vay trong trường hợp bất khả kháng. Những thông tin chính xác giúp ích rất nhiều đến việc cho vay có an toan hay không, đến quản lý khoản vay và tình hình thu nợ cũng như xử lý nợ vay. Mặt khác, các loại tài sản đảm bảo thường rất đa dạng, phức tạp về chất lượng và giá cả. Vì vậy việc thu thập thông tin về tài sản đảm bảo một cách đầy đủ sẽ giúp chuyên viên định giá có thể đánh giá chính xác về giá trị của tài sản đảm bảo để từ đó quyết định cho vay một cách hợp lý, an toàn và cũng là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý tài sản đảm bảo sau ngay khi khoản vay không thu hồi được.

- Ba là, quy định về công tác quản lý và điều hành xử lý tài sản đảm bảo vẫn chỉ mang tính định hướng, chưa đi sâu vào hướng dẫn cụ thể và còn nhiều bất cập so với thực tế. Chính điều này làm phát sinh nhiều chi phí đối với ngân hàng cũng như khách hàng.

Trước tất cả những nguyên nhân trên, để khắc phục hạn chế thì điều cần thiết với Ngân hàng Đại Dương lúc này là cần tìm ra những giải pháp tối ưu nhất để nâng cao hiệu công tác định giá tài sản đảm bảo, đảm bảo cho hoạt động Ngân hàng Đại Dương tái cơ cấu thành công.

CHƯƠNG 3: HOÀN THIỆN CÔNG TÁC ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN ĐẢM BẢO

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác định giá tài sản đảm bảo tại ngân hàng thương mại TNHH MTV đại dương (Trang 74 - 80)