Trước tiên, cần điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật.
Bên cạnh các văn bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành, hiện nay, hoạt động thanh toán quốc tế bằng phương thức tín dụng chứng từ còn cần tuân thủ theo các quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam như Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL- UBTVQH11 ngày 13 tháng 12 năm 2005, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối số 06/2013/PL-UBTVQH13 ngày 18 tháng 3 năm 2013, nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2014. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật còn có một số điều cần điều chỉnh và hoàn thiện như sau:
Các văn bản hiện nay chưa có quy định cụ thể đối với hình thức giao dịch chuyển khẩu – là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam. Hiện nay các văn bản pháp luật chủ yếu chỉ mới đưa ra được khái niệm về hình thức chuyển khẩu chứ chưa đưa ra được quy định cụ thể về các hồ sơ pháp lý cần thiết do vậy, khi phát sinh các giao dịch chuyển khẩu, các ngân hàng thương mại không có cơ sở để yêu cầu khách hàng bổ sung chứng từ. Do vậy, các cơ quan nhà nước cần ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về hồ sơ thủ tục cần có đối với doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức chuyển khẩu để các ngân hàng thương mại có cơ sở trong việc thực hiện giao dịch và yêu cầu khách hàng bổ sung hồ sơ, tránh gây khó chịu cho khách hàng gây mất uy tín ngân hàng.
Chưa ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 70/2014/NĐ-CP. So với nghị định 160/2006/NĐ-CP trước đó đã được thay thế, nghị định 70 quy định còn chưa rõ ràng, đầy đủ như chưa có quy định về hoạt động đầu tư gián tiếp, do vậy cần có sự điều chỉnh của Chính phủ.
Tiếp nữa, chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách đối ngoại để giúp đẩy mạnh hoạt động XNK của doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, việc Chính phủ ký kết các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA), ASEAN – Trung Quốc (ACFTA); ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA); ASEAN - Nhật Bản (AJCEP); Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA); ASEAN-Ấn Độ (AIFTA); ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA); Việt Nam – Chile (VCFTA), Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do khác với mức độ cam kết và chuẩn mực cao hơn như Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã, đang và sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như những tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, việc đẩy mạnh chính sách đối ngoại có vai trò hết sức quan trọng.
Cuối cùng, Chính phủ cần tiếp tục chi ngân sách nhà nước cho các chương trình xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài, từng bước nâng cao vị thế của các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam. Năm 2014, với tổng kinh phí là 70 tỷ đồng, các chương trình đã hỗ trợ 7,682 lượt doanh nghiệp tham gia với 10,956 gian hàng, 285,285 lượt giao dịch; 2,211,546 lượt khách tham quan, mua sắm, ký kết được các hợp đồng, biên bản ghi nhớ giá trị, doanh thu bán hàng đạt hơn 1.87 tỷ USD và 500 tỷ đồng. Việc thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại giúp sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... ngày càng mở rộng.