Một số yếu tố ảnh hưởng đến chính sách ĐTBD CBCC Thanh tra cấp huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thanh tra cấp huyện ở tỉnh an giang (Trang 26 - 29)

Đào tạo, bồi dưỡng CBCC Thanh tra cấp huyện là quá trình truyền thụ kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ với nhiều hình thức, nội dung khác nhau, đây là một quá trình phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc xác định và vận dụng hài hòa các yếu tố này sẽ góp phần nâng cao chất lượng ĐTBD CBCC Thanh tra cấp huyện. Các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến chính sách ĐTBD CBCC Thanh tra cấp huyện gồm:

Yếu tố nguồn lực cho việc thực hiện chính sách ĐTBD bao gồm các thể chế, văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước; nguồn nhân lực, vật lực, tài lực và các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ.

Về thể chế chính sách của Đảng và Nhà nước là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến ĐTBD CBCC nói chung và CBCC Thanh tra cấp huyện nói riêng. Các chính sách ưu tiên, hỗ trợ, động viên, khuyến khích sẽ thúc đẩy các hoạt động ĐTBD. Thể chế chính sách phù hợp sẽ tạo điều kiện, động lực cho CBCC tự giác nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và tự tham gia học tập; ngược lại thể chế chính sách không phù hợp sẽ kìm hãm, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của chính sách, CBCC sẽ thiếu trách nhiệm trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

Nguồn ngân sách để thực hiện chính sách, kinh phí dành cho việc thực hiện chính sách ĐTBD CBCC nói chung được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp; ngoài ra còn có các các nguồn kinh phí khác như: từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan, đơn vị, kinh phí tự túc của CBCC; học bổng tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định. Nguồn kinh phí ĐTBD là yếu tố quan trọng quyết định đến số lượng CBCC được tham gia ĐTBD, việc sử dụng, quản lý, đầu tư và hỗ trợ hợp lý, phù hợp và tiết kiệm sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công tác ĐTBD khuyến khích CBCC tham gia học tập góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện chính sách ĐTBD.

Điều kiện cơ sở vật chất tại cơ sở đào tạo là yếu tố cần thiết có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chính sách ĐTBD. Nếu cơ sở vật chất được trang bị tốt là điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, ngược lại sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện các hoạt động ĐTBD. Do đó, các cơ sở đào tạo cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cho công tác này.

Nguồn nhân lực của cơ sở đào tạo - Giảng viên là những người đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ, tác động trực tiếp đến khả năng tiếp thu của người học (CBCC Thanh tra cấp huyện). Đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm, trách nhiệm và năng lực trong giảng dạy, đó là yếu tố tác động tích cực đến chính sách ĐTBD CBCC. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo còn phụ thuộc nhiều vào năng lực và cách quản lý của đội ngũ làm công tác hỗ trợ, quản lý đào tạo, giúp gắn kết các bước, các khâu thành chương trình đào tạo hoàn chỉnh.

Giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và nội dung chương trình ĐTBD phải đảm bảo trang bị đủ kiến thức cũng như kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ cho đội ngũ CBCC Thanh tra cấp huyện trong bối cảnh hội nhập và luôn đòi hỏi cập nhật thường xuyên, bám sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của CBCC.

Yếu tố đặc thù của ngành Thanh tra

Theo Luật Thanh tra năm 2010 quy định “Thanh tra nhà nước” là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân [30, tr.2]. Đồng thời, mục đích hoạt động thanh tra theo Điều 2 Luật Thanh tra năm 2010 quy định Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước thẩm quyền có biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp

cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ

quan, tổ chức, cá nhân [30, tr.2]. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, CBCC

Thanh tra cấp huyện nói riêng phải có đủ bản lĩnh, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hơn đối tượng được thanh tra; có như vậy mới phát hiện được các ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế trong thực thi công vụ của đối tượng thanh tra, cũng như sơ hở trong cơ chế, chính sách của Nhà nước. Từ đó, có thể thấy yếu tố đặc thù của ngành Thanh tra là thực hiện thanh tra trên các lĩnh vực, phục vụ cho sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên yếu tố này có tác động đến chính sách ĐTBD CBCC ngành Thanh tra nói chung và CBCC Thanh tra cấp huyện nói riêng.

Đặc điểm, năng lực của CBCC tham gia chính sách

Trình độ, chuyên môn, kiến thức, kỹ năng, độ tuổi công tác… của CBCC tham gia chính sách đều có ảnh hưởng đến chính sách ĐTBD CBCC Thanh tra cấp huyện, điển hình là ảnh hưởng đến nhu cầu ĐTBD CBCC. Đối với những CBCC chưa đạt đủ tiêu chuẩn chức danh phải tham gia học tập để đạt chuẩn về trình độ đối với chức danh đó. Những CBCC tuổi cao thường có nhu cầu ĐTBD thấp hơn đội ngũ CBCC trẻ.

Năng lực của chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện chính sách

Năng lực của chủ thể tham gia thực hiện chính sách là một trong những yếu tố có vai trò quyết định đến chất lượng thực hiện chính sách. Năng lực thực hiện chính sách chủ yếu thể hiện ở các mặt: năng lực xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; năng lực phổ biến, tuyên truyền ; năng lực phân công, phối hợp thực hiện… Do đó, muốn nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện chính sách ĐTBD CBCC Thanh tra cấp huyện cần phải có các giải pháp đồng bộ nâng cao năng lực thực hiện chính sách của đội ngũ CBCC tham gia thực hiện chính sách.

Nhân thức của CBCC và đơn vị quản lý sử dụng CBCC

Nhận thức của đội ngũ CBCC đối với ĐTBD là yếu tố cơ bản, có tính chất quyết định đến kết quả thực hiện chính sách ĐTBD. Nhận thức đúng là tiền đề, là kim chỉ nam cho những hành động, việc làm đúng đắn, khoa học và ngược lại. Từ nhận thức đúng đắn CBCC sẽ có mục tiêu, thái độ, phương pháp và kế hoạch học tập rõ ràng cho bản thân khi tham gia các khóa ĐTBD, chính sách ĐTBD CBCC Thanh tra cấp huyện qua đó đạt được kết quả cao và hiệu quả hơn, kế hoạch ĐTBD sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh nhận thức của CBCC đối với chính sách ĐTBD thì nhận thức của đơn vị quản lý, sử dụng CBCC cũng ảnh hưởng đến chất lượng ĐTBD. Đơn vị quan tâm đến chính sách ĐTBD sẽ có những tác động phù hợp, khách quan, khoa học, sát với tình hình thực tế từ đó thúc đẩy quá trình thực hiện chính sách đạt hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thanh tra cấp huyện ở tỉnh an giang (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)