RAT, (theo quyết định 99/2008/QĐ-BNN) là sản phẩm rau tươi được sản xuất, sơ chế phù hợp với các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có trong VietGAP (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam) hoặc các tiêu chuẩn GAP khác tương đương
VietGAP và mẫu điển hình đạt chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Dạng chất lượng này gắn với 2 loại chứng nhận theo quyết định 99/2008/QĐ- BNN là chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế RAT và chứng nhận sản xuất, sơ chế RAT theo VietGAP [1, Điều 4].
Theo quyết định số 104/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thì RAT là sản phẩm rau tươi đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng về hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng NitRAT (NO3-), vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Bảo vệ thực vật) theo quy định hiện hành của nhà nước (tại Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15/10/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); được sản xuất, sơ chế theo quy trình sản xuất, sơ chế RAT; tiến tới sản xuất, sơ chế theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi tại Việt Nam (VietGAP) [1] [38].
Khái niệm RAT được dùng để phân biệt với một số loại rau được sản xuất theo quy trình canh tác đặc biệt, như rau thuỷ canh, rau “hữu cơ”… Mức độ đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của RAT cao hơn rau thường. RAT trong quá trình sản xuất vẫn sử dụng các nhân tố có nguồn gốc vô cơ như phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên với liều lượng theo chỉ định, tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly và chỉ sử dụng các loại thuốc nằm trong danh mục cho phép đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng và môi trường.
Thị trường ra đời gắn liền với nền sản xuất hàng hoá, nó là môi trường để tiến hành các hoạt động giao dịch mang tính chất thương mại của mọi doanh nghiệp. Trong một xã hội phát triển, thị trường không nhất thiết chỉ là địa điểm cụ thể gặp gỡ trực tiếp giữa người mua và người bán mà doanh
nghiệp và khách hàng có thể chỉ giao dịch, thoả thuận với nhau thông qua các phương tiện thông tin viễn thông hiện đại [14, tr.32].
Thị trường là tập hợp các cá nhân và tổ chức hiện đang có nhu cầu mua và có nhu cầu đòi hỏi cần được thỏa mãn [16, tr.51]
Thị trường là sự kết hợp giữa cung và cầu, trong đó những người mua và người bán bình đẳng cùng cạnh tranh. Số lượng người mua và người bán nhiều hay ít phản ánh quy mô của thị trường lớn hay nhỏ. Việc xác định nên mua hay bán hàng hoá và dịch vụ với khối lượng và giá cả bao nhiêu do quan hệ cung cầu quyết định. Từ đó ta thấy thị trường còn là nơi thực hiện sự kết hợp giữa hai khâu sản xuất và tiêu dùng hàng hoá [15, tr.35].
Từ những phân tích trên ta có khái niệm thị trường RAT: Thị trường RAT được hiểu là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu của các loại RAT được sản xuất theo đúng nguyên tắc và tiêu chuẩn quy định.
Cung trên thị trường rau có hệ số co giãn rất thấp đối với giá cả trong ngắn hạn, khi giá thị trường tăng hay giảm thì lượng cung cũng ít thay đổi do đặc điểm của quá trình sản xuất rau: Rau là đối tượng có yêu cầu phù hợp cao về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu…
Cầu về rau có những đặc điểm chung như cầu mọi hàng hoá là chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố như: dân số, thu nhập người tiêu dùng, giá cả, phong tục, tập quán, thị hiếu… ngoài ra còn có một số đặc điểm cơ bản khác: + Chịu ảnh hưởng lớn bởi thói quen tiêu dùng, việc tiêu dùng phụ thuộc rất lớn vào khẩu vị của mỗi người, đặc điểm này rất quan trọng trong việc nghiên cứu, xác định nhu cầu khác nhau ở mỗi khu vực.
+ Chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm có tác động rất lớn tới nhu cầu tiêu thụ bởi mặt hàng rau có tác động trực tiếp tới sức khoẻ và chế độ dinh dưỡng của người tiêu dùng.
+ Có khả năng thay thế cao, khi giá một mặt hàng rau nào tăng lên thì người tiêu dùng sẵn sàng chuyển sang mua mặt hàng rau khác có giá cả hợp lý hơn.
Trước nhu cầu sử dụng nông sản sạch ngày càng tăng của người dân, bên cạnh các siêu thị, cửa hàng tiện lợi kinh doanh mặt hàng này, hiện đã có thêm một số các doanh nghiệp mở cửa hàng phân phối và bán sản phẩm rau sạch.
Diện tích trồng RAT, rau hữu cơ trên cả nước tăng mạnh và chất lượng đã nâng lên rõ rệt. Hiện nay, diện tích trồng RAT được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cả nước đạt hơn 800.000ha, hơn 70.000ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và hàng trăm ha trồng rau hữu cơ. Tuy nhiên các sản phẩm này hiện lại đang gặp không ít khó khăn về tiêu thụ, nhất là các sản phẩm chưa được dán tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc. Do đó để tiêu thụ nông sản, RAT thì các đơn vị, doanh nghiệp phải thường xuyên đổi mới phương thức sản xuất, tăng về số lượng và chất lượng nông sản, trong đó phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch.
Trên thực tế, ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện ích thì phần lớn các sản phẩm rau vẫn được phân phối qua các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Các sản phẩm này được nhập từ nhiều nơi và chưa qua kiểm định về an toàn thực phẩm. Giúp người tiêu dùng nhận diện nông sản sạch, an toàn đang là vấn đề cơ quan QLNN quan tâm.
Có thể nhận định rằng, thị trường RAT hiện nay còn một số hạn chế sau: - Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giống rau sản xuất chủ yếu là giống F1 nhập nội, trình độ sản xuất thấp còn khá phổ biến; nhận thức và ý thức trách nhiệm của số đông người sản xuất về RAT còn chưa cao, vẫn còn tình trạng số mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrate, kim loại nặng, trong khi chưa có quy định về hàm lượng Nitrate trong rau của Bộ Y tế
để tham chiếu xử lý.
- Một số địa phương đã xây dựng, phê duyệt đề án, kế hoạch phát triển sản xuất RAT tuy nhiên không có kinh phí để triển khai. Do đó, công tác quy hoạch, xác định các vùng sản xuất RAT đủ điều kiện còn chậm.
- Lực lượng QLNN, kiểm tra, giám sát chưa đủ mạnh, còn dàn trải, phân công trách nhiệm còn chồng chéo giữa các Bộ ngành, giữa các đơn vị trong
Bộ; các văn bản quy phạm pháp luật chưa ổn định. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm còn rất hạn chế.
- Nhiều mô hình, nhiều địa phương đã đầu tư kinh phí sản xuất RAT nhưng chưa gắn kết được khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ, sự liên kết hợp tác giữa người sản xuất, thương nhân, dịch vụ cùng với nhà khoa học, chính sách của nhà nước chưa chặt chẽ và chưa hình thành chuỗi để nâng cao giá trị của RAT; sản phẩm tiêu thụ với giá không cao hơn sản phẩm thường, người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào RAT.
- Số đông người tiêu dùng chưa hiểu biết đầy đủ về ATTP, thói quen mua bán tự do còn phổ biến, trong khi việc sản xuất RAT chưa được người dân áp dụng trên đại trà, chủ yếu được thực hiện thông qua các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh. Do vậy chưa hình thành thị trường tiêu thụ RAT riêng biệt, sản phẩm RAT vẫn được tiêu thụ cùng với các loại rau khác, thiếu thông tin về các sản phẩm RAT, QLNN chưa giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm an toàn và chưa an toàn trên thị trường do RAT chưa được xử lý đầy đủ các khâu sơ chế, đóng gói và in mã vạch theo đúng quy định nên khi bày bán trên thị trường chưa có khác biệt so với các sản phẩm rau thông thường.