Phúc
Vĩnh Phúc là tỉnh đang có ngành công nghiệp phát triển mạnh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Nhiều khu vực vốn là vùng trồng rau quả lâu năm đã phải chuyển đổi thành khu công nghiệp và dịch vụ khiến tình trạng sản xuất nông nghiệp càng trở nên thu hẹp, gây khó khăn trong việc xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp tập trung. Để khắc phục hạn chế trên, từ mấy năm qua, Vĩnh Phúc xác định lấy một số cây rau quả kinh tế cao làm
cây trồng chủ lực: Bí xanh, bí đỏ, cà chua, dưa các loại, ớt, khoai tây, su su… đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ nhằm tạo vùng hàng hóa lớn [27].
Vĩnh Phúc đã dành ngân sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thuê quyền sử dụng đất trồng rau màu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích và thuê ruộng đất của nông dân, tỉnh thành lập các tổ công tác ở mỗi huyện, thành, thị mỗi tổ 3 người gồm 2 cán bộ chi nhánh văn phòng đăng kí đất đai và 1 cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường để hướng dẫn và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến chuyển nhượng, chuyển đổi để dồn ghép, thuê lại đất, kí hợp đồng thuê đất; tiếp nhận đăng kí và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tương tự, ở cấp xã cũng thành lập tổ công tác 3 người hướng dẫn và thực hiện các thủ tục hành chính nói trên.
Bên cạnh những chính sách cơ bản nêu trên, Vĩnh Phúc còn triển khai thêm nhiều nhóm chính sách bổ trợ khác nhằm tạo sự đồng bộ như: Chính sách đào tạo nông dân, lao động nông thôn chuyên nghiệp; chính sách hỗ trợ thuê kĩ sư nông nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn kĩ thuật theo đơn vị diện tích 50 ha/người; chính sách ưu đãi mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ… Kinh nghiệm cho thấy địa phương nào xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nông sản của mình thì kinh tế của cả vùng sản xuất gắn với nông sản đó sẽ phát triển nổi bật. Điều đó cho thấy việc xây dựng thương hiệu không đơn thuần chỉ là đăng kí chứng nhận pháp lý mà quan trọng nhất của thương hiệu chính là niềm tin người tiêu dùng. Chưa khởi động chương trình tái cơ cấu, tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho tập đoàn VinGroup 500 ha để trồng rau ATVSTP và xây dựng các mô hình sản xuất rau theo quy trình công nghệ cao của Israel và Nhật Bản. Thông tin này nhanh chóng tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, kèm theo tuyên bố của lãnh đạo tập đoàn khẳng định hoạt động sản xuất thực phẩm sạch là vì sức khỏe cộng đồng không nhằm mục tiêu lợi nhuận đã đem lại cho người tiêu dùng hy vọng về cơ hội được sử dụng những sản phẩm RAT trong chuỗi siêu thị Vinmart. Điều đó
đồng nghĩa với nông sản Vĩnh Phúc sẽ gắn với thương hiệu tập đoàn VinGroup và quy trình sản xuất sẽ phải được sự giám sát quản lý chặt chẽ của tập đoàn này [27].
1.2.2.2. Kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với thị trường rau an toàn ở Hưng Yên
Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị cao, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lớn, cung cấp cho thị trường nhiều loại nông sản, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.
Ða dạng các hình thức chuyển giao: Hưng Yên đã xây dựng các dự án RAT, các kỹ sư sẽ chuyển giao, hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình vùng sản xuất và tiêu thụ RAT theo hình thức khép kín, gắn sản xuất với tiêu thụ bao gồm: Các công thức luân canh hiệu quả, xây dựng nhà lưới, sản xuất cây giống và rau thương phẩm trong nhà lưới, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học và công nghệ sản xuất RAT, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm, khảo nghiệm và bổ sung giống mới... Nhiều nông dân đã tiếp thu, ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, mở rộng vùng sản xuất RAT lên đến hàng chục ha trên địa bàn xã [28].
Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn đã thu hút các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đào tạo nghề cho nông dân theo chương trình đào tạo ngắn hạn, gắn với mô hình sản xuất hiệu quả. Hằng năm, các trung tâm khuyến nông, các hội, đoàn thể ở các địa phương tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ở các lĩnh vực trồng trọt, thú y, chăn nuôi, thủy sản. Các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản cũng tham gia vào công tác chuyển giao theo hướng gắn kết doanh nghiệp với nhà nông [28].
Nông dân tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ ứng dụng vào sản xuất đã tạo bước phát triển lớn trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn ở Hưng Yên. Việc ứng dụng
TBKHKT để chuyển sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã giúp thu nhập của nông dân ngày một tăng lên, bình quân chung toàn tỉnh đạt mức thu nhập 140 triệu đồng/ha/năm; góp phần nâng thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/người/năm trên toàn tỉnh.
Mở hướng cho tiêu thụ nông sản chất lượng cao: Về vấn đề tiêu thụ nông sản chất lượng cao, một số nhà quản lý cho rằng, trước mắt cần tạo lập được mối quan hệ giữa vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với các cơ quan, trường học, đơn vị tiêu dùng thực phẩm trong bữa ăn của cán bộ nhân viên, nhằm từng bước tạo dựng thị trường cung - cầu thực phẩm an toàn trong khu vực. Ðể mở rộng thị trường nông sản chất lượng cao, cần có sự liên kết vững chắc giữa vùng sản xuất với tư thương, doanh nghiệp tham gia chế biến; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bên, thực hiện cam kết theo hợp đồng mua bán nông sản. Tránh hiện tượng tranh mua bán, phá vỡ hợp đồng đã ký kết.
UBND tỉnh Hưng Yên đã triển khai một số cơ chế chính sách hỗ trợ sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp như: Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có dự án sản xuất nông nghiệp thuộc diện ưu đãi đầu tư. Hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước của các cá nhân, hộ gia đình và hình thức góp đất để liên kết sản xuất lớn. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và khoa học, công nghệ. Hỗ trợ trồng trọt theo loại hình cánh đồng liên kết lớn. Nhất là việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao thiết bị khoa học kỹ thuật theo hướng VietGAP trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
1.2.2.3. Kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với thị trường rau an toàn ở Đà Lạt
Nhờ những lợi thế về điều kiện tự nhiên (khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng…), tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đến nay, Lâm Đồng đã thành công và dẫn đầu cả
nước về nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất rau công nghệ cao.
Nói đến Lâm Đồng là nói đến một trong những vùng chuyên canh rau và hoa lớn nhất của cả nước. Vùng rau của tỉnh tập trung tại thành phố Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương [29].
Diện tích trồng rau các loại năm 2013 là 51.728ha, với tổng sản lượng đạt trên 1,6 triệu tấn; trong đó xuất khẩu trên 13.300 tấn.
Rau Đà Lạt từng bước được sản xuất theo phương pháp RAT và thương hiệu “Rau Đà Lạt” đã được công nhận tiêu chuẩn GAP, thương hiệu đã được tiêu thụ khá mạnh tại một số địa phương [29].
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, doanh thu bình quân trên đơn vị diện tích canh tác của tỉnh năm 2013 đạt 122,2 triệu đồng/ha, cao gấp 2,5 lần bình quân cả nước. Hiện toàn tỉnh có 38.000 ha có doanh thu 100 - 250 triệu đồng/ ha/ năm, có 15.250 ha doanh thu từ 250 - 500 triệu đồng/ ha /năm, có trên 10.000 ha thu từ 500 triệu-1 tỷ đồng/ha/năm [29].
Đầu tư mạnh các nguồn lực
Trong tầm nhìn tương lai, Đà Lạt được xác định là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao với hai nhóm sản phẩm chủ lực là rau và hoa, với đẳng cấp phát triển cao tầm cỡ thế giới.
Tỉnh Lâm Đồng đã có quy hoạch và đầu tư bài bản, có chiến lược phát triến sản xuất cũng như phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh.Công tác dự báo về tình hình tiêu thụ nông sản ở tỉnh và thị trường trong nước khá tốt. Đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao; rà soát lại quy hoạch đất đai và quản lý một cách căn cơ đất nông nghiệp cho nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch cơ sở hạ tầng cho sản xuất, chế biến và thương mại. Các cơ quan QLNN và cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh RAT đã có sự đồng thuận trong việc ban hành các quy định và tổ chức đưa sản phẩm ra thị trường để thương hiệu rau Đà Lạt được như hiện nay [29].
Ngành nông nghiệp công nghệ cao là hoạt động nông nghiệp ở trình độ khoa học công nghệ cao vì vậy đòi hỏi, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh hỗ trợ cho ngành cũng phải nâng cấp chất lượng và trình độ phục vụ lên tương ứng.
Để ngành nông nghiệp công nghệ cao vươn xa và Đà Lạt trở thành “trung tâm sản xuất rau - hoa đẳng cấp cao” Đà Lạt đã tăng cường kết nối, liên kết phát triển với các địa phương, nhất là trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngoài việc liên kết với các địa phương, Đà Lạt đã tăng cường liên kết, hợp tác với các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện, tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại nước ngoài, mở rộng phạm vi liên kết phát triển ra quy mô toàn cầu và khu vực.
CHƯƠNG 2