Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, chính sách chế độ đối với cán bộ, Kiểm sát viên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kháng nghị phúc thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự việt nam từ thực tiễn tỉnh thái nguyên (Trang 80 - 85)

chế độ đối với cán bộ, Kiểm sát viên

Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc là điều kiện không thể thiếu để bảo đảm cho hoạt động của một cơ quan, tổ chức. Trong điều kiện phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ mạnh mẽ như hiện nay thì yếu tố này càng có ý nghĩa quan trọng. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 đã khẳng định: “Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm cho các cơ quan tư pháp có đủ điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ, có chế độ chính sách hợp lý đối với cán bộ tư pháp. Tăng đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa các cơ quan tư pháp... Có chính sách tiền lương, phụ cấp và chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ tư pháp...”. Tiếp đó, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp sau khi có Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của ộ Chính trị, Đảng và Nhà nước đã tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và có nhiều chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ các cơ quan tư pháp.

Thực tế cho đến nay, trụ sở làm việc của VKSND các huyện, thành phố, thị xã và VKSND tỉnh Thái Nguyên đã được đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết bị, phương tiện làm việc đã được trang bị máy photo, máy tính, hệ thống truyền hình trực tuyến, xe máy, xe ôtô ở VKS tỉnh và 03 đơn vị VKS cấp huyện, chế độ, chính sách đối với cán bộ ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm cùng những biến động về giá cả thị trường thì điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc của ngành Kiểm sát vẫn còn thiếu thốn, nghèo nàn, đời sống của cán bộ, KSV nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo yêu cầu của cải cách tư pháp thì vai trò và trách nhiệm của Viện kiểm sát là rất lớn. Do đó, để VKS thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình thì việc tăng cường trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác là

hết sức cần thiết. Đề nghị VKSND tối cao trong thời gian tới sớm đầu tư trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin có chất lượng cao phục vụ công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chuẩn hóa tin học trong cơ quan VKS các cấp; tăng cường hơn nữa việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho VKS cấp huyện, nhất là các huyện hàng năm có khối lượng án lớn, địa bàn rộng; có chính sách cải cách chế độ tiền lương, tăng phụ cấp trách nhiệm và các đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, KSV để họ có điều kiện ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

Tiểu kết Chương 3

Mặc dù công tác kháng nghị phúc thẩm của VKSND hai cấp tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như đã nêu tại Chương 2 của Luận văn. Từ thực trạng đó, tác giả đề xuất những giải pháp cụ thể để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo VKS; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa VKSND hai cấp và giữa VKS với Tòa án; nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, KSV; nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc.

KẾT LUẬN

VKSND là chủ thể duy nhất có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, điều này đã được khẳng định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Chức năng, nhiệm vụ này của Viện kiểm sát là nhằm đảm bảo cho mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Viện kiểm sát là thiết chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn luật định, VKS là chủ thể duy nhất có quyền kháng nghị phúc thẩm những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý để Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án, qua đó kịp thời phát hiện và khắc phục những sai lầm, thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm, đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Kháng nghị phúc thẩm là công cụ quan trọng để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, khắc phục được những vi phạm trong hoạt động xét xử, bảo đảm không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Vì vậy, kháng nghị phúc thẩm hình sự không chỉ là quyền hạn mà còn là trách nhiệm của Viện kiểm sát. Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 19/6/2008 và Chỉ thị số 08/CT-VKS ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về

tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự đã nhấn mạnh, nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm hình sự của Viện kiểm sát là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành kiểm sát. Với việc triển khai nghiêm túc các nội dung kế hoạch công tác hàng năm, công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự của ngành Kiểm sát nói chung và của VKSND hai cấp tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kịp thời khắc phục được vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm, đảm bảo việc giải quyết vụ án nghiêm minh, đúng pháp luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm của VKSND hai cấp tỉnh Thái Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu chiến lược cải cách tư pháp đã đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; cơ cấu tổ chức, trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ, Kiểm sát viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra; công tác chỉ đạo, điều hành mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực tuy nhiên hiệu quả chưa cao… Do đó, để hoàn thành nội dung, kế hoạch công tác, VKSND hai cấp tỉnh Thái Nguyên cần tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án, đảm bảo kháng nghị được chấp nhận đạt tỷ lệ trên 80%. Một số giải pháp được đưa ra như nâng cao trách nhiệm nghiên cứu bản án, quyết định của Tòa án nhằm phát hiện sai sót, vi phạm để kịp thời ban hành kháng nghị hoặc đề nghị kháng nghị phúc thẩm; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong công tác giữa VKSND tỉnh với VKSND các huyện, thành phố, thị xã qua việc theo dõi, chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ; loại bỏ tư tưởng nể nang, cả nể, phát hiện vi phạm cần kiên quyết kháng nghị; nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi cán bộ, KSV, không ngừng học tập, rèn luyện

kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, phát hiện vi phạm để đề xuất kháng nghị kịp thời…

Kháng nghị phúc thẩm vừa là quyền nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao của Viện kiểm sát. Việc thực hiện tốt nhiệm vụ này nhằm khắc phục những vi phạm trong hoạt động xét xử; đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án được chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đảm bảo cho hoạt động xét xử được thực hiện nghiêm minh, công bằng, dân chủ và khách quan; bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân; góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống các cơ quan tư pháp./.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kháng nghị phúc thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự việt nam từ thực tiễn tỉnh thái nguyên (Trang 80 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)