Kiểm sát tuân theo pháp luật việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục phúc thẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo luật tố tụng hành chính năm 2015 ở việt nam (Trang 48 - 52)

thủ tục phúc thẩm

Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát việc giải quyết VAHC theo thủ tục phúc thẩm được thực hiện như trong giai đoạn kiểm sát việc

giải quyết VAHC theo thủ tục sơ thẩm; trong giai đoạn phúc thẩm, VKS còn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

2.1.2.1. Thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm

Kháng nghị phúc thẩm bản án, quyết định là quyền của VKSND để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xét xử lại VAHC đối với bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật khi cho rằng việc giải quyết vụ án của Tòa án chưa đúng căn cứ, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Theo quy định tại Điều 211 LTTHC năm 2015, Viện trưởng VKS cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Đây là quyền năng đặc trưng và quan trọng nhất của VKS khi thực hiện chức năng kiềm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm sát giải quyết VAHC, Thông tư liên tịch số 03/2016 tại Điều 2 đã quy định Viện trưởng VKS có thể phân công Phó Viện trưởng ký quyết định kháng nghị, khi Phó Viện trưởng ký quyết định kháng nghị phải ghi rõ là “ký thay Viện trưởng”.

Như vậy, khi thực hiện kiểm sát bản án, quyết định giải quyết VAHC của Tòa án cấp sơ thẩm, thấy rằng việc ra các bản án, quyết định của Tòa án không đúng căn cứ pháp luật, xâm phạm quyền con người, quyền công dân; xâm phạm chế độ XHCN, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì VKSND thực hiện quyền kháng nghị để yêu cầu Tòa án xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của VKS cùng cấp là 15 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tuyên án. Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày VKS cùng cấp nhận được quyết định. Phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ những trường hợp pháp luật quy định được thi hành ngay.

Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết VAHC theo thủ tục phúc thẩm, trường hợp VKS có kháng nghị, trên cơ sở kết quả hoạt động kiểm sát, VKS có quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị phúc thẩm theo quy định của LTTHC.

Trường hợp trước khi mở phiên tòa, Viện trưởng VKS cấp trên trực tiếp xét thấy có căn cứ rút kháng nghị của Viện trưởng VKS cấp dưới thì trao đổi với Viện trưởng VKS cấp dưới đã kháng nghị để Viện trưởng VKS cấp dưới xem xét rút kháng nghị; nếu Viện trưởng VKS cấp dưới không nhất trí thì Viện trưởng VKS cấp trên quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Tại phiên tòa phúc thẩm, việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị do KSV tham gia phiên tòa quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau phiên tòa, KSV báo cáo ngay việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị với lãnh đạo VKS và thông báo cho VKS đã kháng nghị biết.

2.1.2.2. Kiểm sát việc xem xét kháng cáo quá hạn, xét chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm

Theo quy định tại khoản 2 Điều 208 LTTHC năm 2015, khi xem xét kháng cáo quá hạn, xét chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn, việc chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm; phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn, xét chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm có sự tham gia của đại diện VKS. Tại phiên họp xét kháng cáo quá hạn, xét chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm KSV phát biểu ý kiến của VKS theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 208, khoản 2 Điều 209 LTTHC năm 2015 và hướng dẫn tại Điều 28 Thông tư liên tịch số 03/2016. Tại phiên họp, đại diện VKS phải kiểm sát chặt chẽ việc xét kháng cáo quá hạn, xét chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của Tòa án và kiểm tra biên bản phiên họp. Sau khi nhận được quyết định xét kháng cáo quá hạn, quyết định xét chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của Tòa án, nếu phát hiện vi phạm thì VKS để thực hiện quyền kiến nghị.

2.1.2.3. Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm việc kháng nghị phúc thẩm

Khi xét thấy cần xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc kháng nghị phúc thẩm, VKS thực hiện quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 84 và Điều 93 LTTHC năm 2015. Như vậy, VKS có quyền thu thập tài liệu, chứng cứ để đảm bảo cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và bảo vệ quan điểm kháng nghị của VKS tại phiên tòa,

phiên họp phúc thẩm theo quy định tại khoản 6 Điều 84 LTTHC năm 2015. VKS có thể trực tiếp hoặc bằng văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình hồ sơ, tài liệu, vật chứng theo quy định tại khoản 4 Điều 93 LTTHC năm 2015. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của VKS trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp hết thời hạn mà không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của VKS thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho VKS. Trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của VKS thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. KSV khi được Viện trưởng VKS phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC có nhiệm vụ, quyền hạn “xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật”. Các hồ sơ, tài liệu, vật chứng mà đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp cho VKS theo yêu cầu của VKS trong trường hợp này phải được chuyển cho Toà án để đưa vào hồ sơ vụ việc và bảo quản tại Toà án theo quy định tại Điều 94 LTTHC năm 2015.

2.1.2.4. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa phúc thẩm giải quyết VAHC

Nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như tại phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, đối với việc hỏi, yêu cầu, kiến nghị, đề nghị và phát biểu quan điểm của VKS tại phiên tòa phúc thẩm, được tập trung vào việc làm rõ nội dung kháng cáo, kháng nghị nhằm làm rõ vi phạm của Tòa án, đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác trong quá trình giải quyết VAHC, đồng thời đưa ra quan điểm giải quyết vụ án phù hợp, chính xác, đảm bảo quyền, lợi ích của các chủ thể trong quan hệ TTHC.

Khi Chủ tọa phiên toà tuyên án, KSV tham gia phiên tòa ghi chép nhận định, căn cứ pháp luật và phần quyết định của bản án để làm căn cứ kiểm sát bản án, quyết định. Sau khi kết thúc phiên tòa, KSV thực hiện quyền xem biên bản phiên

tòa. Trường hợp KSV yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì KSV phải ký xác nhận theo quy định tại khoản 4 Điều 166 LTTHC 2015 và hướng dẫn tại Điều 23 Thông tư liên tịch số 03/2016. Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, VKS thực hiện việc kiểm sát bản án, quyết định phúc thẩm VAHC; nhiệm vụ, quyền hạn VKS khi kiểm sát bản án, quyết định phúc thẩm VAHC được thực hiện như kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm giải quyết VAHC.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo luật tố tụng hành chính năm 2015 ở việt nam (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)