Tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo luật tố tụng hành chính năm 2015 ở việt nam (Trang 84 - 87)

Trước mắt, cần tăng kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trường hợp nguồn nhân lực trong ngành KSND không đủ trình độ thì cần bố trí kinh phí để thuê chuyên gia ngoài ngành KSND nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo. Đồng thời, từng bước xây dựng các cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ việc tra cứu và tham khảo của KSV, Kiểm tra viên và giảng viên như các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, án lệ, các chuyên đề, bài viết… vì hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật trong TTHC liên quan đến nhiều văn bản pháp luật, khó nhận thức và áp dụng đúng trong thực tiễn.

Mặt khác, cần xây dựng định mức lương và chế độ đãi ngộ phù hợp để công chức yên tâm công tác, phát huy trí tuệ và năng lực trong công tác hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật trong TTHC. Có chính sách đãi ngộ thoả đáng và tạo mọi điều kiện về vật chất và thời gian cho KSV thỉnh giảng và giảng viên được nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này.

Tiểu kết chương 3

Trên cơ sở những nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế trong thực tiễn hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC, Chương 3 của luận văn tập trung đi sâu phân tích quan điểm và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần bảo đảm chất lượng hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC. Các giải pháp được chia thành hai nhóm: Nhóm giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC và Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC, cụ thể: giải pháp về tăng cường quản lý, chỉ đạo, điều hành; giải pháp về tổ chức cán bộ; giải pháp về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong TTHC; giải pháp về tăng cường quan hệ phối hợp; giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm.

Đây là các giải pháp cấp thiết, phù hợp trong quá trình phát triển của xã hội, đồng thời, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thụ lý, giải quyết các VAHC của VKSND các cấp, đảm bảo việc thụ lý, giải quyết các VAHC của Toà án kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự./.

KẾT LUẬN

Hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật trong TTHC là một trong những khâu công tác quan trọng của ngành KSND và được Viện trưởng VKSND tối cao xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018, 2019. Mặc dù VKSND các cấp đã nắm vững và thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của mình trong hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật trong TTHC nhưng chất lượng kiến nghị, kháng nghị chưa cao, chủ yếu liên quan đến các vi phạm về thủ tục tố tụng của Tòa án. Trong khi các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực có liên quan đến giải quyết các VAHC luôn được sửa đổi, bổ sung để theo kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đổi mới đất nước, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế hiện nay, dự báo sẽ phát sinh nhiều loại tranh chấp, khiếu kiện mới chưa có trong tiền lệ với diễn biến phức tạp hơn. Như vậy, công tác hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật trong TTHC cần được đổi mới để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát, KSV cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật trong giải quyết các loại vụ việc ở từng lĩnh vực; công tâm, khách quan, cẩn trọng trong nghiên cứu, đánh giá các tài liệu, chứng cứ và việc áp dụng pháp luật của Tòa án; kiểm sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn tố tụng, khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử hoặc vi phạm tố tụng khác do lỗi chủ quan của KSV; thực hiện tốt trách nhiệm tham gia phiên tòa xét xử VAHC; kiên quyết và làm tốt việc thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị của VKS đã được quy định trong Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và LTTHC năm 2015. Hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật trong TTHC phải quán triệt sâu sắc các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, các đạo luật mới được Quốc hội thông qua, trong đó có LTTHC năm 2015. Đồng thời, bảo đảm chuyên sâu đối với từng loại án, tăng cường kiểm sát đối với các vụ án hòa giải thành, tăng cường phát hiện vi phạm thông qua kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định. Để thực hiện có hiệu quả kiểm sát tuân theo pháp luật trong TTHC theo LTTHC năm 2015, VKSND các cấp cần tiến hành đồng bộ các giải pháp gồm hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức bộ máy và cán bộ và tăng cường quan hệ phối hợp giữa các đơn vị VKS với nhau và giữa VKS với Tòa án./.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo luật tố tụng hành chính năm 2015 ở việt nam (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)