3.2.4.1. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cấp kiểm sát
- Phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn, trả lời thỉnh thị địa phương, đặc biệt là giữa các đơn vị thuộc VKSND tối cao như Vụ 10, Vụ 14 để bảo đảm quan điểm chỉ đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao. Trường hợp có quan điểm khác nhau về nhận thức, áp dụng pháp luật thì cần trao đổi, báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, quyết định;
- Trao đổi, tham khảo kinh nghiệm với các đơn vị, VKS đã làm tốt, có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hoặc cách làm đạt hiệu quả cao, qua đó, học tập, nhân rộng
các điển hình làm tốt, hỗ trợ cho nhau để hoàn thành tốt công tác hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật trong TTHC.
Phối hợp, tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giải quyết án, kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ vụ án đối với từng loại tranh chấp, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong khâu công tác này. VKSND cấp dưới tiếp tục tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, theo dõi, kiến nghị VKSND cấp trên hướng dẫn, trả lời thỉnh thị, giải đáp vướng mắc. Trường hợp nội dung trả lời chưa rõ ràng, cụ thể, chất lượng, đúng với nội dung thỉnh thị hoặc nội dung đề nghị hướng dẫn, giải đáp, không theo đúng quy định của pháp luật thì VKSND cấp dưới có thể đề nghị giải thích rõ hoặc báo cáo Viện trưởng VKSND cấp trên xem xét, giải quyết.
Phối hợp rà soát, phân loại đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã thụ lý, chưa giải quyết và tập trung giải quyết dứt điểm các đơn tồn đọng, đơn sắp hết thời hiệu thuộc thẩm quyền trong thời gian sớm nhất để kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của ngành KSND; hạn chế tối đa việc khiếu nại bức xúc, kéo dài.
Bên cạnh đó, VKSND cấp trên phối hợp chặt chẽ với các VKS cấp dưới để nắm chắc kết quả giải quyết vụ án, vụ việc ở giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm; qua đó phát hiện chính xác việc có hay không có vi phạm pháp luật của Tòa án; trên cơ sở đó ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc trả lời cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; khắc phục triệt để tình trạng VKS đã trả lời là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Thông qua công tác thi hành pháp luật, hoạt động thanh tra, kiểm tra, VKSND các cấp chú ý rà soát, phát hiện những quy định pháp luật bất cập, không phù hợp, phản ánh kịp thời về VKSND tối cao để nghiên cứu, xử lý, trả lời hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, ban hành văn bản mới.
3.2.4.2. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa VKSvới Tòa án
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ thuộc TANDTC và các TAND cấp cao để thường xuyên trao đổi thông tin, nắm tình hình tiếp nhận và kết quả giải
quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; bảo đảm việc giải quyết đơn đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của LTTHC năm 2015 và văn bản hướng dẫn của liên ngành Tòa án, VKS.
Xây dựng và ký các quy chế phối hợp với TAND các cấp, đặc biệt là ở từng địa phương, ví dụ, Quy chế phối hợp trong công tác kiểm sát tuân theo pháp luật TTHC, Quy chế phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, ... để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND. Trong đó, cần nêu rõ việc phối hợp trước, trong và sau phiên tòa; chế độ thông tin, báo cáo; quy định cụ thể và trách nhiệm của các bên. Trong bối cảnh các tranh chấp, khiếu kiện hành chính ngày càng phức tạp, đa dạng, việc áp dụng và nhận thức pháp luật về lĩnh vực này còn chưa thống nhất thì tăng cường quan hệ phối hợp giữa VKS và Tòa án có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề còn bất cập của pháp luật và thực tiễn.
Trường hợp chưa có quy chế phối hợp với TAND, KSV cần thường xuyên, chủ động theo dõi vụ án ngay từ khi có đơn khởi kiện để nắm bắt, kịp thời phối hợp, đưa ra yêu cầu, kiến nghị Tòa án thực hiện đúng quy định pháp luật.