Đối tượng và phạm vi của kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo luật tố tụng hành chính năm 2015 ở việt nam (Trang 25 - 29)

tố tụng hành chính

1.3.1. Đối tượng

Trong TTHC, mục đích của hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật là nhằm bảo đảm các chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết VAHC chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất, đảm bảo tính hợp pháp và có căn cứ của các bản án, quyết định hành chính của Tòa án.

Trong quan hệ TTHC, không chỉ có sự tham gia của các cơ quan tiến hành TTHC là Tòa án nhân dân và VKSND; của người tiến hành TTHC là Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Viện trưởng VKS, KSV, Kiểm tra viên mà còn có sự tham gia của những chủ thể khác

được gọi là những người tham gia tố tụng, bao gồm: đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch. Trong quá trình giải quyết VAHC nói chung, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng còn có trách nhiệm phải giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tinh thần, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC nhằm đảm bảo cho việc giải quyết VAHC kịp thời, đúng căn cứ pháp luật. Để đảm bảo yêu cầu đó, không chỉ cần có sự tuân thủ pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hay những người tiến hành tố tụng mà còn cần phải có sự chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật TTHC của những người tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, VKSND không kiểm sát tất cả các hoạt động của các chủ thể đó mà chỉ kiểm sát hoạt động của họ trong một phạm vi nhất định, đó là khi các chủ thể tham gia vào một quan hệ TTHC cụ thể, hay nói cách khác là kiểm sát đối với những hoạt động của họ khi liên quan đến việc giải quyết VAHC. Trên cơ sở đó, xác định hoạt động của từng chủ thể thông qua các quyết định hay hành vi cụ thể của họ là đúng hay không đúng quy định của pháp luật. Cơ sở để xác định quyết định, hành vi đó là phù hợp hay không phù hợp được căn cứ vào quy định của pháp luật TTHC về nhiệm vụ, quyền hạn, quyền lợi, nghĩa vụ của từng chủ thể tương ứng khi họ tham gia vào hoạt động giải quyết VAHC.

Như vậy, đối tượng của kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC là hành vi, quyết định tố tụng của Tòa án, người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án; hành vi tố tụng của đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết VAHC [45, tr.3].

Việc xác định đúng đối tượng của công tác kiểm sát giúp cho VKS sử dụng các quyền hạn được pháp luật quy định ở các giai đoạn tố tụng một cách có hiệu quả nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; góp phần đảm bảo các chủ thể tuân

thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật, giải quyết VAHC nhanh chóng, kịp thời, đúng căn cứ pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm trật tự pháp luật XHCN.

1.3.2. Phạm vi

Đối với kiểm sát tuân theo pháp luật trong TTHC, vấn đề phạm vi được đặt ra để xác định thời điểm bắt đầu cho đến thời điểm kết thúc của hoạt động kiểm sát việc giải quyết VAHC của VKSND. Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 LTTHC năm 2015: VKSND kiểm sát VAHC từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án; tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành bản án, quyết định của Tòa án; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Quy chế công tác kiểm sát giải quyết VAHC (gọi tắt là Quy chế 282) cụ thể hóa phạm vi công tác kiểm sát giải quyết VAHC: “Công tác kiểm sát việc giải quyết các VAHC được bắt đầu từ khi Tòa án thông báo trả lại đơn khởi kiện VAHC hoặc từ khi Tòa án thông báo thụ lý VAHC đến khi bản án, quyết định giải quyết VAHC của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kháng cáo, kháng nghị, không có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của LTTHC” [45]. Ngoài ra, Quy chế 282 cũng làm rõ hơn vấn đề phạm vi của công tác này, đó là việc xác định VKSND không chỉ kiểm sát việc giải quyết VAHC đối với các VAHC thông thường mà còn áp dụng đối với những VAHC có yếu tố nước ngoài [45, tr.4].

Sau khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo của người khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm, trong thời hạn 03 ngày làm việc Thẩm phán ra một trong các quyết định: tiến hành thủ tục thụ lý vụ án, chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Như vậy, khi xử lý đơn khởi kiện, Thẩm phán không chỉ thực hiện việc thụ lý VAHC, trên cơ sở tài liệu, chứng cứ kèm theo, căn cứ các quy định của pháp luật tố tụng tương ứng, Thẩm phán ra quyết định xử lý đơn khởi kiện bằng các hình thức tương ứng, do đó VKS không chỉ

kiểm sát đối với hoạt động thụ lý vụ án mà còn kiểm sát đối với các hoạt động khác như: việc chuyển đơn khởi kiện và trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

Việc nghiên cứu phạm vi của hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật trong TTHC cũng có thể tiếp cận dưới góc độ nội dung của hoạt động kiểm sát, theo quy định của LTTHC, VKSND là cơ quan tiến hành TTHC, thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết VAHC. Vì vậy, VKSND thực hiện hoạt động kiểm sát đối với tất cả các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của các chủ thể trong quan hệ TTHC, nhằm đảm bảo việc giải quyết VAHC được tiến hành nhanh chóng, khách quan, đúng căn cứ pháp luật, góp phần, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Như vậy, khi tham gia vào hoạt động giải quyết VAHC, VKSND với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết VAHC, hoạt động đó được bắt đầu từ khi Tòa án thông báo trả lại đơn khởi kiện hoặc Tòa án thông báo thụ lý đơn khởi kiện cho đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án. Sự tham gia của VKSND trong suốt quá trình giải quyết VAHC nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng căn cứ pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích cho các chủ thể khi tham gia quan hệ TTHC.

Căn cứ những quy định trên, có thể xác định phạm vi của hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC bắt đầu từ khi Tòa án thông báo trả lại đơn khởi kiện VAHC hoặc từ khi Tòa án thông báo thụ lý VAHC đến khi bản án, quyết định giải quyết VAHC của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kháng nghị, không có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của LTTHC năm 2015.

Việc xác định đúng phạm vi của kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC có ý nghĩa rất quan trọng, giúp VKS thực hiện công tác này có hiệu quả, phân biệt được công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC với công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, trong kiểm sát thi hành án dân sự..., góp phần thực hiện đúng, đầy đủ và có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo luật tố tụng hành chính năm 2015 ở việt nam (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)