Kiểm sát tuân theo pháp luật việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo luật tố tụng hành chính năm 2015 ở việt nam (Trang 52 - 55)

thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

2.1.3.1. Tiếp nhận, xử lý đơn, thông báo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án

Khi nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại VKS hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính, VKS phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự. Ngày gửi đơn được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại VKS hoặc ngày có dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Trường hợp nhận được thông báo, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi phát hiện có một trong các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì VKS phải vào sổ thụ lý để giải quyết. VKS thụ lý đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm khi có đủ nội dung và tài liệu kèm theo quy định tại Điều 257 LTTHC năm 2015. VKS có thể yêu cầu đương sự bổ sung nội dung đơn và tài liệu trong trường hợp chưa đầy đủ. Trường hợp đương sự không thực hiện theo yêu cầu bổ sung thì VKS thông báo bằng văn bản trả lại đơn đề nghị cho đương sự và ghi chú vào sổ nhận đơn.

Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án và báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định. Trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị. Khi xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện trưởng VKSND tối cao, KSV VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, KSV cao cấp thuộc VKSND cấp cao có quyền yêu cầu Toà án đã ra bản án, quyết định hoặc Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án chuyển hồ sơ để xem xét, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định tại Điều 25 LTTHC năm

2015 và hướng dẫn tại Điều 5 và Điều 20 Thông tư liên tịch số 03/2016. VKSND tối cao có thể yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND cấp cao.

2.1.3.2. Thực hiện quyền kháng nghị

Khác với thủ tục phúc thẩm là thủ tục xét xử lại VAHC đối với bản án, quyết định giải quyết vụ án của Tòa chưa có hiệu lực pháp luật thì thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm không được coi là một cấp xét xử vụ án mà là thủ tục xét lại bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền khi có kháng nghị của Chánh án TAND hoặc của Viện trưởng VKSND. Khi kiểm sát bản án, quyết định giải quyết VAHC của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, phát hiện có một trong các căn cứ: kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc khi phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó thì Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao thực hiện quyền kháng nghị để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại bản án, quyết định giải quyết vụ án đã có hiệu lực theo quy định tại Điều 260 và Điều 283 LTTHC năm 2015. Thẩm quyền ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện như tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 03/2016.

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được một trong các căn cứ kháng nghị tái thẩm theo quy định tại Điều 281 LTTHC năm 2015. Việc thay đổi, bổ sung, rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo

quy định tại Điều 265 và Điều 286 LTTHC năm 2015. Tại phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm, nếu có tài liệu, chứng cứ hoặc căn cứ khác làm thay đổi kháng nghị của VKS thì KSV tham gia phiên tòa có quyền đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên toà để báo cáo lãnh đạo VKS xem xét, quyết định việc thay đổi, bổ sung hoặc rút kháng nghị; nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận và vẫn tiến hành xét xử thì KSV tiếp tục tham gia phiên toà và thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

2.1.3.3. Quyết định hoãn, yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ thi hành án

Nhằm hạn chế những hậu quả khó có thể khắc phục khi bản án, quyết định giải quyết VAHC đã có hiệu lực pháp luật. Khi nghiên cứu đơn, thông báo đề nghị xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị mà xét thấy cần thiết thì VKS xem xét, quyết định hoãn thi hành bản án, quyết định giải quyết VAHC; yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoãn thi hành quyết định về phần dân sự trong bản án, quyết định giải quyết VAHC theo quy định tại khoản 1 Điều 261 và Điều 286 LTTHC năm 2015. Trường hợp người có thẩm quyền đã ra quyết định kháng nghị bản án, quyết định giải quyết VAHC theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm có quyền ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

2.1.3.4. Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Khi xét thấy cần xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, VKS thực hiện quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 83, 93 và Điều 259 LTTHC năm 2015. Đương sự được quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho VKS có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu những tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc những tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án. VKS có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết. Tài liệu, chứng cứ do VKS thu thập theo

quy định tại khoản 6 Điều 84 và khoản 2 Điều 259 LTTHC năm 2015 được thông báo cho đương sự theo khoản 5 Điều 84 LTTHC năm 2015, được chuyển cho Tòa án để đưa vào hồ sơ VAHC và bảo quản tại Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 94 LTTHC năm 2015.

2.1.3.5. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm

Việc kiểm sát tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 35 Quy chế 282; đồng thời, kiểm sát việc cung cấp, thu thập tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị của Chánh án Tòa án. Tại phiên tòa, KSV tham gia phiên tòa trình bày, phát biểu ý kiến của VKS, yêu cầu, đề nghị, kiến nghị tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định tại các điều 25, 43, 270 và 286 LTTHC, Điều 30 Thông tư liên tịch số 03/2016 và Điều 23 của Quy chế 282. Sau khi nhận được quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, VKS kiểm sát nội dung, thời hạn gửi quyết định theo quy định tại các điều 277, 279 và 286 LTTHC. Trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì xử lý như sau:

- Đối với quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao thì báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;

- Đối với quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao xem xét kiến nghị theo thủ tục đặc biệt;

- Trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng thì báo cáo Viện trưởng VKS xem xét kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo luật tố tụng hành chính năm 2015 ở việt nam (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)