Quản lý nhà nước là sự tác động của chủ thể mang quyền lực Nhà nước, chủ yếu bằng pháp luật đến các đối tượng quản lý. Chủ thể thực hiện QLNN về giảm nghèo là các cơ quan có thẩm quyền trong tổ chức bộ máy Nhà nước gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hoạt động QLNN về giảm nghèo vừa là hoạt động mang tính lập pháp, hành pháp, theo đó cơ chế quản lý, điều hành được phân thành 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Chủ thể QLNN về giảm nghèo ở cấp trung ương gồm: Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
- Quốc hội là cơ quan lập pháp thực thi nhiệm vụ xây dựng và hoạch định chính sách, trong đó có chính sách giảm nghèo là hoạt động vừa mang tính lập pháp và hành pháp.
- Chính phủ ban hành văn bản (Nghị quyết, nghị định hoặc quyết định) nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chính sách, giải pháp chung, phân bổ ngân sách để thực hiện định hướng tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.
- Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan được giao nhiệm vụ làm đầu mối tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện chức năng QLNN về giảm nghèo trên phạm vi toàn quốc.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp, tham mưu thực hiện QLNN về giảm nghèo trên phạm vi toàn quốc.
Chủ thể QLNN về giảm nghèo ở cấp địa phương gồm có: UBND tỉnh, huyện, xã và các cơ quan ban, ngành liên quan.
- Cấp tỉnh và huyện đảm nhận khâu tổ chức, xây dựng chiến lược, chương trình và chính sách giảm nghèo, triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo địa phương và chịu trách nhiệm về sử dụng các nguồn lực giảm nghèo trên địa bàn quản lý.
- Ngành LĐ-TB&XH là đầu mối giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ QLNN về giảm nghèo tại địa phương, tham mưu trong việc xây dựng và ban hành chính sách giảm nghèo bền vững của huyện, dựa trên các mục tiêu và phương hướng giảm nghèo chung của tỉnh. Chính sách giảm nghèo bền vững là những quyết định, quy định, pháp luật nhằm cụ thể hóa những chương trình dự án cùng với nguồn lực, vật lực, quy trình hay cơ chế thực hiện nhằm tác động đến đối tượng cụ thể là người nghèo, xã nghèo nhằm mục đích cuối cùng là giảm nghèo bền vững. Chuẩn nghèo ngày một được điều chỉnh do đồng tiền mất giá, đời sống con người ngày được nâng cao.
- Các cơ quan ban, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện QLNN về giảm nghèo trên địa bàn quản lý.
Cấp xã là cấp chịu trách nhiệm lập kế hoạch trình lên cấp trên và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án về giảm nghèo.
Khách thể QLNN về giảm nghèo bền vững là vấn đề đói nghèo. Mục tiêu của QLNN giảm nghèo bền vững là giúp giảm số lượng người nghèo và tránh tình trạng tái nghèo sau khi thốt nghèo.