Căn cứ vào địa giới quản lý hành chính nhà nước, cho phép phân định thẩm quyền điều tra vụ án hình sự giữa các CQCSĐT cùng cấp trong CAND.
Khoản 4 Điều 163 BLTTHS năm 2015 quy định: "Cơ quan điều tra có
thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không
xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.".
Theo quy định này thì CQCSĐT thực hiện thẩm quyền điều tra của mình trước hết là theo địa bàn lãnh thổ căn cứ vào thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước theo địa bàn đã được phân công.
Trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm hoặc trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì thẩm quyền điều tra của CQCSĐT sẽ được phân định tuỳ thuộc vào nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc nơi bị can bị bắt. Nơi phát hiện tội phạm cịn có thể là nơi có chứng cứ liên quan đến tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra tội phạm của CQĐT. Thông qua khám nghiệm hiện trường (nơi xảy ra tội phạm, nơi phát hiện tội phạm) CQĐT có thể thu thập được ngay các dấu vết ''nóng'', bước đầu xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm cũng như qua đó có thể xác định được nguyên nhân điều kiện phạm tội của bị can, từ đó vạch phương hướng, kế hoạch điều tra thích hợp.
Trong thực tế, diễn biến của tội phạm xảy ra rất phức tạp, có khi liên quan đến nhiều địa phương, liên quan đến thẩm quyền điều tra của nhiều CQCSĐT. Trong những trường hợp như vậy, theo quy định tại Điều 171 BLTTHS năm 2015, CQCSĐT có thể uỷ thác cho CQCSĐT khác, nơi có điều kiện thuận lợi nhất thực hiện một số hoạt động điều tra nhất định.
Việc phân định thẩm quyền điều tra theo căn cứ này đảm bảo tính kịp thời, tránh được hiện tượng vụ án xảy ra nhưng CQĐT đùn đẩy trách nhiệm cho nhau gây mất thời gian và làm giảm hiệu quả của công tác điều tra khám phá tội phạm.