Cơ chế phối hợp các chính sách vĩ mô

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu và khả năng áp dụng tại việt nam (Trang 77 - 80)

1 .Chính sách tiền tệ và mục tiêu của chính sách tiền tệ

3.2.5 Cơ chế phối hợp các chính sách vĩ mô

Để đạt được những mục tiêu kinh tế vĩ mô đặt ra, chính sách tiền tệ phải có sự phối hợp tốt với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa.

Trên thực tế, trong một số thời kỳ, Chính phủ kêu gọi ổn định giá cả nhằm duy trì mục tiêu lạm phát nhưng mức vay nợ của Chính phủ không giảm, bội chi ngân sách cao, dư nợ cho vay của hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển (Ngân hàng Phát triển) không ngừng tăng cộng với các đợt điều chỉnh lương rất nhạy cảm thực sự là cú hích đẩy mặt bằng giá tăng. Lạm phát tăng cao xuất phát từ M2 gia tăng còn do tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các NHTM vẫn ở mức lớn, đầu tư ngân sách và tín dụng phát triển qua Ngân hàng Phát triển quốc gia cũng rất lớn nhưng vẫn chưa được linh hoạt để điều chuyển tiền gửi KBNN về Ngân hàng Nhà nước để hạn chế số nhân tiền tệ. Ảnh hưởng lan truyền của tình trạng này là mặt bằng lãi suất bị đẩy lên cộng hưởng bởi nhu cầu huy động vốn của TCTD tăng mạnh (đặc biệt vào cuối năm) do áp lực của tỷ lệ tăng trưởng mà Quốc hội đề ra. Lãi suất cao cùng với các quy định thắt chặt việc kiểm soát chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ làm cho nhu cầu đầu tư giảm tương đối, trong khi mức lãi suất cao lại không giảm được tỷ lệ lạm phát bởi nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía tổng cung: giá nguyên liệu thế giới, vấn đề cơ cấu, hiệu quả v.v...

Vào những tháng đầu năm 2011, cùng với việc đưa ra thông điệp mạnh mẽ với các nhóm giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, Chính phủ đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách vĩ mô, đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong “cuộc chiến” chống lạm phát. Theo đó, Chính phủ xác định kiểm soát lạm phát nằm ở vị trí số 1 trong nhóm giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, chính sách tài khóa thắt chặt, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát tốc độ Tổng phương tiện thanh toán, tín dụng, bảo đảm lãi suất ở mức hợp lý, và đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế.

Theo lý thuyết “bộ ba bất khả thi”, một quốc gia không thể đồng thời đạt được cả ba mục tiêu: (i) tự do hóa tài khoản vốn; (ii) chính sách tiền tệ độc lập; và (iii) chính sách tỷ giá ổn định (tỷ giá cố định hoặc được neo điều chỉnh). Trong khi đó, Việt Nam đã thực hiện mở cửa tài khoản vốn theo lộ trình đã cam kết: (i) chính sách ngoại hối từng bước được tự do hóa, xóa bỏ nhiều loại giấy phép theo hướng phù hợp dần với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập quốc tế; (ii) thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá từ tỷ giá cố định sang tỷ giá có điều chỉnh, đến tỷ giá công bố theo mức hình thành cuối ngày trên thị trường; (iii) từ tháng 12/2005, các giao dịch vãng lai đã được tự do hóa hoàn toàn và các giao dịch vốn đã được nới lỏng đáng kể với việc ban hành Pháp lệnh ngoại hối.

Như vậy, một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Nhà nước ta hiện nay là thu hút nguồn vốn từ nước ngoài để hỗ trợ phát triển kinh tế. Điều này cũng nghĩa là Việt Nam cần phải lựa chọn giữa một trong hai mục tiêu còn lại trong “bộ ba bất khả thi” là giữ tỷ giá tương đối độc lập hoặc tự chủ trong chính sách tiền tệ nhằm tìm ra đường lối phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nền kinh tế. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu chung, sự phối hợp hiệu quả giữa công tác điều hành tỷ giá hối đoái và các công cụ của chính sách tiền tệ cần được đặc biệt coi trọng.

Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu điều hành chính sách tỷ giá còn chưa rõ ràng. Việc đặt mục tiêu điều hành tỷ giá để ổn định giá trị đồng tiền, hàm nghĩa ổn định giá trị đối nội (lạm phát được kiểm soát) và ổn định giá trị đối ngoại (ổn định tỷ giá)

vẫn còn chứa đựng mâu thuẫn: (i) Luật Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ giá là một công cụ của chính sách tiền tệ thì tỷ giá không thể là một mục tiêu của chính sách, nếu để mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền sẽ khó khăn trong việc điều hành CSTT trong bối cảnh luồng vốn nước ngoài luân chuyển nhanh và mạnh hơn trong quá trình tự do hóa; (ii) trong bối cảnh thị trường ngoại tệ có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nền kinh tế có độ mở cửa cao, các giao dịch vốn đã từng bước được tự do hóa thì việc công bố chính sách của Chính phủ về việc cố định biên độ hoặc một mức tăng/giảm tỷ giá sẽ khuyến khích hoạt động đầu cơ và trong trường hợp thị trường thế giới biến đổi quá phức tạp, Chính phủ không duy trì được chính sách như công bố sẽ ảnh hưởng phần nào tới lòng tin của thị trường.

Như vậy, lý thuyết cũng như thực tế cho thấy việc phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá là một yêu cầu thiết yếu. Việc điều chỉnh tỷ giá tương đối linh hoạt phải dựa trên việc quản lý tương đối chặt chẽ chính sách tiền tệ. Thời gian tới, chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá hối đoái cần được phối hợp nhịp nhàng nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hạn chế nhập siêu cũng như giảm thiểu sức hấp dẫn của việc găm giữ ngoại tệ.

Kinh nghiệm các nước trong việc đưa ra và áp dụng khuôn khổ CSTT lạm phát mục tiêu cho thấy những nỗ lực nâng cao năng lực thực hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt (phát triển hiệu quả thị trường ngoại hối, thiết lập các hệ thống quản lý rủi ro ngoại hối phù hợp, hình thành các chính sách can thiệp nhất quán v.v...) thúc đẩy khả năng của các nước áp dụng lạm phát mục tiêu như là một khuôn khổ chính sách tiền tệ mới. Bởi vậy, thiết lập khả năng thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu và chuyển sang một cơ chế tỷ giá linh hoạt phải đồng thời được tăng cường. Do đó, để tạo tiền đề cho việc đưa ra áp dụng lạm phát mục tiêu ở Việt Nam, một vấn đề đặc biệt quan trọng là cần nâng cao năng lực thực hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt. Hướng phát triển lâu dài là giảm dần sự điều tiết của Nhà nước bằng cách luôn mở cả hai chiều biên độ và tăng biên độ một cách đáng kể cho đến khi đã có đủ các điều kiện vĩ mô (tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; xây dựng và quản lý quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia vững mạnh, đảm bảo an toàn, thanh khoản và có lợi nhuận; xây dựng một hệ thống ngân hàng đủ mạnh, có khả năng tham gia vào thị trường ngoại hối quốc tế; phát

triển thanh toán qua ngân hàng; phát triển các thị trường tài chính, tiền tệ trong nước; chính sách huy động vốn ở trong và ngoài nước có hiệu quả, có hành lang pháp lý đồng bộ và đầy đủ để tạo dựng và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh) mới

có thể thả nổi tỷ giá.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu và khả năng áp dụng tại việt nam (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)