Các hình thức của FDI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) THU hút FDI HƯỚNG tới PHÁT TRIỂN bền VỮNG tại TỈNH QUẢNG NINH (Trang 34 - 37)

Hiện nay theo luật đầu tư 2005, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư, các hình thức FDI tại Việt Nam bao gồm: (Phạm Thị Mai Khanh, 2009)

1.2.2.1. Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư theo hình thức 100% vốn để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân theo quy định của luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam được hợp tác với nhau và với nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài mới.

Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Đây là hình thức đầu tư phổ biến nhất hiện nay trên thế giới. Theo hình thức này, doanh nghiệp mới được thành lập với 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Cũng từ đó, nhà đầu tư nước ngoài quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến sự hoạt động và phát triển của doanh nghiệp, từ quy mô doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh…đến thị trường tiêu thụ. Điều này cắt nghĩa vì sao hình thức này được các nhà đầu tư ưa thích.

1.2.2.2. Thành lập tổ chức kinh tế liên doanh

Nhà đầu từ nước ngoài được liên doanh với nhà đầu tư trong nước để đầu tư thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh theo quy định của luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Doanh nghiệp liên doanh được liên doanh với nhà đầu tư trong nước và với nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới theo quy định của luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Đây là hình thức đầu tư được thực hiện khá phổ biến ở những thị trường mới nổi. Để thực hiện hình thức này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ liên kết với một hoặc một số đối tác của nước sở tại, cùng nhau góp vốn hình thành doanh nghiệp mới để tiến hành sản xuất kinh doanh. Hình thức này có ưu điểm là phát huy được thế mạnh riêng của mỗi bên tham gia liên doanh. Tuy vậy, cũng không hiếm những trường hợp sau một thời gian đi vào hoạt động nảy sinh những bất đồng về lợi ích, về quan điểm kinh doanh…và hậu quả là liên doanh bị tan vỡ.

1.2.2.3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng

- Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BBC)

Đây là hình thức đầu tư được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân.

Đây là hình thức được coi là đơn giản nhất trong FDI. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ cùng với cơ sở kinh tế của nước sở tại ký kết hợp đồng cùng nhau phối hợp thực hiện sản xuất kinh doanh những mặt hàng nào đó và mỗi bên sẽ đảm nhận những khâu công việc nhất định. Hình thức này không dẫn tới việc thành lập doanh nghiệp

mà tận dụng những sức mạnh sẵn có của mỗi bên, từ nguồn nguyên liệu, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nhân công…cho đến thị trường tiêu thụ. Các hợp đồng thường có thời gian vừa phải, phổ biến là khoảng 1 năm. Trường hợp nếu chúng vẫn có khả năng tiếp tục thực hiện thì có thể được gia hạn thêm.

- Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BOT): là hình thức đầu tư giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời gian nhất định. Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho nhà nước Việt Nam.

- Hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (gọi tắt là hợp đồng BTO): là hình thức đầu tư được kí kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nhà nước Việt Nam, Chính phủ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời gian nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.

- Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BT): là hình thức đầu tư được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nhà nước Việt Nam. Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BT.

1.2.2.4. Đầu tư phát triển kinh doanh

Nhà đầu tư được đầu tư phát triển kinh doanh thông qua các hình thức sau: - Mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh.

- Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

1.2.2.5. Mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư

Nhà đầu tư được góp vốn, mua cổ phần của các công ty, chi nhánh tại Việt Nam. Tỷ lệ góp vốn, mô cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành nghề do Chính phủ quy định.

1.2.2.6. Đầu tư thực hiện việc mua lại và sáp nhập doanh nghiệp:

Nhà đầu tư được quyền sáp nhập, mua lại công ty, chi nhánh. Điều kiện sáp nhập, mua lại công ty, chi nhánh theo quy định của luật đầu tư, luật về cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) THU hút FDI HƯỚNG tới PHÁT TRIỂN bền VỮNG tại TỈNH QUẢNG NINH (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)