Quy định về tranhchấp nhãn hiệu trong du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tranh chấp về sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu trong lĩnh vực du lịch tại việt nam (Trang 44 - 47)

Nguồn của pháp luật về tranh chấp trong SHTT nói chung và tranh chấp về SHTT nói riêng so với các lĩnh vực khác có những đặc thù nhất định. Quan điểm chung của các luật gia Việt Nam hiện nay cho rằng SHTT là một lĩnh vực thuộc luật dân sự. Tuy nhiên, SHTT nói chung và nhãn hiệu nói riêng được quy định khá rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên đôi khi tồn tại quan điểm khá khác nhau. Trên thực tế, so với BLDS 2005, BLDS 2015 không có nhiều quy định về SHTT hơn, trừ một số quy định liên quan đến tài sản nói chung, hầu hết các quy định liên quan đến nhãn hiệu đều nằm trong Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019. Các quy tắc căn bản của quyền SHTT nói chung và quyền SHCN đối với nhãn hiệu nói riêng đều chứa đựng trong Luật SHTT. Luật Cạnh tranh 2014 cũng chưa nhiều quy định liên quan đến nhãn hiệu trong lĩnh vực cạnh tranh. Các chế tài liên quan tới vi phạm quyền nhãn hiệu hay thẩm quyền xử lý, giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu được quy định tập trung tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 và Bộ luật hình sự 2015.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành các luật nêu trên, bao gồm:Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về SHCN; Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN; Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/06/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về SHCN được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/07/2010, Thông tư số

18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011 và Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20/02/2013; Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN ngày 08/6/2016 về hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Các văn bản quy phạm pháp luật tuy đã hướng dẫn khá cụ thể, tuy nhiên vẫn không thể báo quát được tất cả các trường hợp xảy ra trong thực tế, do hoạt động kinh doanh lữ hành diễn ra ngày càng nhiều về số lượng và phức tạp hơn về tính chất, đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra trên thực tế, các loại pháp luật khác cũng có thể đươc áp dụng. Cụ thể, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán; nếu không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng (Điều 5 và Điều 6). Như vậy thứ tự ưu tiên đối với các loại nguồn của luật tư gồm: hợp đồng, văn bản quy phạm pháp luật, tập quán, áp dụng tương tự về điều luật, áp dụng tương tự về pháp luật, án lệ, lẽ công bằng. Do đó, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng, nguồn pháp luật áp dụng đầu tiên là hợp đồng, với điều kiện hợp đồng này phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế tranh chấp nhãn hiệu trong du lịch phát sinh khi có hành vi xâm phạm quyền SHCN hoặc cạnh tranh không lành mạnh nên đa số các tranh chấp là tranh chấp ngoài hợp đồng. Pháp luật hợp đồng thường sẽ được áp dụng trong trường hợp tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu và hợp đồng dịch vụ đại diện SHCN. Ngoài ra, do Việt Nam đã trở thành thành viên của khá nhiều cam kết quốc tế, điều ước quốc tế cũng có thể trở thành nguồn pháp luật của tranh chấp nhãn hiệu trong du lịch. BLDS 2015 quy định khi có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật này và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì sẽ áp dụng quy định của điều ước quốc tế35. Bên cạnh đó, khi đề cập đến tranh chấp trong một lĩnh vực kinh tế cụ thể thì không thể không nhắc tới các quy định pháp luật quản lý ngành đó, mà cụ thể là Luật Du lịch 2017 và các văn bản dưới luật gồm Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Nghị định 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; Thông tư

06/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch (hiện đang sửa đổi bổ sung và dự kiến sẽ có hiệu lực trong vài tháng tới sau khi luận văn đã hoàn thành, do đó luận văn này sẽ chỉ xét Thông tư ngày 15/12/2017). Các văn bản pháp luật này không có quy định cụ thể nào về tranh chấp nhãn hiệu giữa hai doanh nghiệp lữ hành mà chủ yếu các quy định liên quan sẽ là về bảo vệ khách du lịch. Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Du lịch, các nhà làm luật rất quan tâm đến việc tuân thủ cam kết đối với khách du lịch khi thực hiện hợp đồng lữ hành, cũng như đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản cho khách du lịch tại các điểm đến. Khách du lịch sẽ được lấy làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Nhiều nội dung liên quan của luật như quy định về quản lý khu, điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh các dịch vụ du lịch khác đều đã được điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch tham quan, du lịch.Do đó, khi khách du lịch cảm thấy bị lừa dối, bị doanh nghiệp lữ hành cung cấp thông tin sai sự thật, không đúng với cam kết trong hợp đồng đã ký kết, có thể khiếu nại để được đảm bảo quyền lợi của mình.

Đối với doanh nghiệp, Luật tương đối tạo điều kiện để đăng ký kinh doanh hoạt động lữ hành. Luật Du lịch 2005 quy định để kinh doanh lữ hành, các doanh nghiệp ngoài giấy đăng ký kinh doanh còn phải cung cấp phương án kinh doanh lữ hành nội địa, chương trình du lịch cho khách du lịch nội địa, người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa phải có thời gian ít nhất ba năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành (đối với lữ hành nội địa); phương án kinh doanh lữ hành, chương trình du lịch cho khách quốc tế, giấy tờ chứng minh thời gian hoạt động của người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành, bản sao thẻ hướng dẫn viên và hợp đồng của hướng dẫn viên với doanh nghiệp lữ hành, giấy chứng nhận tiền ký quỹ (đối với lữ hành quốc tế). Luật Du lịch 2017 ra đời đã đơn giản hóa đáng kể các yêu cầu để kinh doanh lữ hành. Cụ thể, ngoài giấy đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần khi đáp ứng các quy định về người phụ trách kinh doanh lữ hành và ký quỹ là có thể tiến hành hoạt động kinh doanh lữ hành. Tuy nhiên, với một ngành kinh doanh có điều kiện, đây lại là một bất lợi cho các nhà quản lý. Trong thủ tục đăng ký kinh doanh, khi đặt tên doanh nghiệp không được: đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký;

sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó. Trên thực tế, chỉ cần thêm bớt vài từ là có thể đăng ký kinh doanh được cho tên doanh nghiệp đó. Còn khi cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, các quy định của pháp luật về du lịch cũng không có quy chế thắt chặt về tên doanh nghiệp mà sẽ sử dụng thông tin trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với một ngành kinh doanh dịch vụ dựa khá nhiều vào uy tín, thủ tục để có được giấy phép con khá đơn giản như vậy sẽ khiến số lượng các doanh nghiệp với tên tương tự nhau tăng lên. Bên cạnh đó, tranh chấp về nhãn hiệu giữa doanh nghiệp có giấy phép và không có giấy phép cũng khá nhiều, mà các nhà làm luật khi xây dựng các chế tài trong ngành du lịch chưa có sự quan tâm đúng mức.

Như vậy, khi nói tới tranh chấp nhãn hiệu trong du lịch, không thể chỉ xác định trong một môi trường pháp lý cụ thể mà sẽ phải xét các loại nguồn pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, các nguồn chủ yếu sẽ vẫn là các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tranh chấp về sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu trong lĩnh vực du lịch tại việt nam (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)