Hiện nay, bên cạnh nhiều nghành hàng nông nghiệp có thế mạnh như: lúa gạo, cà phê, cao su… thì ngành sản xuất rau quả đang từng bước vươn lên, từ cải tiến cách thức sản xuất đến nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh, hướng tới mục tiêu là mặt hàng nông sản thiết yếu nâng cao chất lượng đời sống xã hội. Trong quá trình đó, các chuỗi cung ứng rau an toàn (RAT) đã được hình thành, tuy nhiên còn đơn giản và có ít tác nhân tham gia. Việc sản xuất và tiêu thụ bên cạnh những thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Bản chất rau quả chứa nhiều nước nên dễ bị hư hỏng, trong khi sản phẩm của RAT đòi hỏi tươi, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, quy mô sản xuất RAT còn manh mún, đơn lẻ. Các mô hình mới chỉ triển khai điển hình chứ chưa nhân rộng, các mối liên kết, sự tương tác giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi cung ứng còn yếu. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn tới việc giảm chi phí sản xuất, tối đa hóa lợi ích kinh tế của từng tác nhân trong chuỗi cũng như khó khăn trong phát triển, mở rộng quy, diện tích sản xuất.
Sơ đồ 1-4: Chuỗi cung ứng rau an toàn điển hình
(Nguồn: Tác giả tự nghiên cứu, tổng hợp)
Cung cấp đầu vào sản xuất Sản xuất Thu gom Bán buôn Bán lẻ Tiêu dùng
Trong chuỗi cung ứng sản phẩm rau an toàn điển hình hiện nay ở Việt Nam, thường có 6 thành phần tham gia, bao gồm:
- Các nguồn cung cấp đầu vào cho sản xuất
Bao gồm cung cấp nguồn cây giống, hạt giống rau. Cung cấp vật phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất. Ngoài ra, nguồn cung này còn cung cấp các dịch vụ cho sản xuất như: dịch vụ tài chính, tư vấn các tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất rau an toàn.
- Nhà sản xuất
Nhà sản xuất là thành phần tham gia trực tiếp vào các khâu, công đoạn sản xuất rau an toàn như: chuẩn bị khu sản xuất, canh tác làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Các nhà sản xuất này còn tham gia vào các quá trình như sơ chế, bảo quản, vận chuyển sản phẩm rau an toàn.
- Người thu gom
Thành phần người thu gom là thành phần điển hình cho chuỗi cung ứng nông sản hiện nay ở Việt Nam. Những người này sẽ thu gom trực tiếp sản phẩm rau an toàn từ các nhà sản xuất. Sau đó bảo quản và vận chuyển sản phẩm đến các thành phần tiếp theo.
- Nhà bán buôn
Nhà bán buôn là thành phần tiếp theo liên kết giữa những nhà sản xuất, người thu gom với những nhà bán lẻ. Các nhà bán buôn sẽ thực hiện phân loại, lưu trữ sản phẩm rau toàn, sau đó sẽ vận chuyển và phân phối trực tiếp đến các nhà bán lẻ.
- Nhà bán lẻ
Nhà bán lẻ là các siêu thị, cửa hàng, các kiot trong chợ truyền thống tham gia vào quá trình phân phối trực tiếp sản phẩm rau an toàn đến người tiêu dùng.
- Người tiêu dùng
Là thành phần cuối cùng trong chuỗi cung ứng sản phẩm rau an toàn. Người tiêu dùng bao gồm các nhà ăn tập thể, các nhà hàng, khách sạn, các cá nhân, hộ gia đình.