7. Kết cấu đề tài
2.3.1. Bài học thành công
Thứ nhất, phải có sự định hướng, dẫn dắt, quản lý và giám sát chặt chẽ từ các
cơ quan quản lý nhà nước
Qua đánh giá thực tế triển khai, hầu hết các quốc gia có nền kinh tế phát triển đều vận dụng tương đối thành công các thông lệ quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế nói chung và các quy trình liên quan đến kiểm soát tuân thủ như ICAAP nói riêng. Để có được thành công đó phải kể đến vai trò điều hành, định hướng, giám sát và dẫn dắt của Ngân hàng Trung Ương và Các cơ quan kiểm tra giám sát ở các quốc gia này. Theo đó, các Ngân hàng Trung ương đều có nhận thức từ sớm về việc áp dụng áp dụng các hiệp ước vốn của Ủy ban giám sát ngân hàng Basel là nhiệm vụ mang tính bắt buộc và từ đó đặt ra các yêu cầu triển khai toàn diện các nội dung và đồng loạt hệ thống.
Thứ hai, cần phải hoàn thiện khung pháp lý để chuẩn bị cho việc thực hiện
quy trình
Theo đó, trước khi áp dụng các thông lệ và quy trình quản lý rủi ro mới theo chuẩn quốc tế, dưới sự định hướng của Ngân hàng Trung ương, các quốc gia đều có một sự chuẩn bị tương đối bài bản và có hệ thống từ trước trên cơ sở kinh nghiệm triển khai các thông lệ cũ và bám sát sự vận động của thị trường tài chính cũng như những những lần thay đổi, cập nhật của thông lệ.
Công tác chuẩn bị bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến quản lý vốn, quản lý rủi ro, các quy định về đảm bảo an toàn vốn và đưa nội dung thực hiện quy trình ICAAP vào các văn bản Luật như Luật Ngân hàng của Áo, của Úc.
Song song với các khung pháp lý đó là các văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể các yêu cầu cần đạt đối với việc thực hiện quy trình. Có thể thấy, các ngân hàng trung ương trên cơ sở Basel đều đưa ra những hướng dẫn rất chi tiết đối với từng cấu phần nội dung thực hiện quy trình và tùy theo đặc điểm môi trường tài chính, kinh doanh của từng quốc gia mà có những yêu cầu, phương pháp tiếp cận và cách thức áp dụng khác nhau. Điều này giúp đảm bảo được sự đồng bộ trong khuôn khổ quốc gia và giúp ngân hàng trung ương dễ dàng kiểm soát chất lượng và đánh giá quá trình thực hiện.
Thứ ba, cần phát huy lợi thế từ kinh nghiệm triển khai Basel I và rút kinh
nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008
Với các ngân hàng đã áp dụng và thực hiện theo các thông lệ tốt trong Basel I sẽ có kinh nghiệm để thực hiện triển khai áp dụng Basel II. Thông qua những thành công và những tồn tại khi thực hiện Basel I, các ngân hàng đã rút kinh nghiệm để làm cơ sở cho việc thực hiện Basel II nói chung và quy trình ICAAP tốt hơn. Hơn thế, khi thực hiện áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Basel I thì gần như các ngân hàng đã có tiền đề hoàn tất trụ cột I trong Basel II do vẫn giữ nguyên tỷ lệ vốn tối thiểu 8%. Trên cơ sở đó, việc thực hiện trụ cột II và đảm bảo an toàn vốn theo Quy trình an toàn vốn nội bộ ICAAP sẽ không mất quá nhiều thời gian để hoàn thiện lộ trình áp dụng.
Mặt khác, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra ngay sau khi triển khai Basel II đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế tài chính thế giới, vấn đề tồn tại của các ngân hàng trong giai đoạn thị trường khắc nghiệt đã trở thành mối quan tâm lớn đối với các nhà lãnh đạo và các cơ quan quan giám sát ngân hàng. Các ngân hàng cũng rút kinh nghiệm từ đó để áp dụng một cách chặt chẽ hơn các thông lệ về kiểm soát đánh giá rủi ro trên cơ sở phân tích tương lai, kiểm tra căng thẳng trong những tình huống bất lợi để có phương án phòng ngừa. Với việc thắt chặt khung kiểm tra giám sát, việc thực hiện quy trình ICAAP cũng trở nên hiệu quả hơn và giúp nâng cao hệ số an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Thứ tư, cần có nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến và quy trình quản
lý rủi ro hiện đại
Với các quốc gia có nền tảng công nghệ thông tin hiện đại như Mỹ, Nhật và các nước châu Âu thì việc xây dựng và phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tài chính cho các ngân hàng sẽ không phải là vấn đề quá phức tạp bởi công nghệ họ đã có sẵn. Với bề dày hoạt động lâu năm, có ngân hàng thậm chí đã hoạt động trên thị trường trên 100 năm thì bản thân các ngân hàng đó đã phát triển theo hướng mô hình hiện đại hóa cả về công nghệ và lĩnh vực kinh doanh, song song với đó các quy trình quản lý và hệ thống thông tin, kỹ thuật trong ngân hàng cũng đã đạt đến trình độ cao, hiện đại và tự động hóa. Khung quản lý và quy trình quản lý rủi ro cũng đã phát triển và sử dụng các mô hình hiện đại để phục vụ phân tích và quản lý.
Thứ năm, phải có tiềm lực tài chính vững mạnh
Để có thể ứng dụng được quy trình quản lý rủi ro hiện đại và yêu cầu chặt chẽ về dữ liệu cũng như báo cáo như ICAAP thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng được toàn bộ các cấu phần hệ thống phân tích, thông tin và quản lý rủi ro sẽ tốn rất nhiều chi phí và cần nguồn lực tài chính dồi dào để đầu tư xây dựng và triển khai. Đối với các quốc gia với nền kinh tế phát triển, bên cạnh nền tảng công nghệ cao sẵn có họ còn có tiềm lực tài chính rất dồi dào để có thể thực hiện ngay các dự án xây dựng, phát triển hệ thống đáp ứng được các yêu cầu của quy trình.