Kinh nghiệm của Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hoạt động tín dụng xanh tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam (Trang 38 - 40)

1. 2 Đối với nền kinh tế

1.3.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Với hơn một thập kỷ tăng trưởng kinh tế trung bình 10%/năm, Trung Quốc đã và đang phải đánh đổi bằng những tổn thất môi trường rất lớn. Và hiện nay ô nhiễm môi trường và sử dụng năng lượng kém hiệu quả đang trực tiếp đe dọa phát triển kinh tế, ổn định xã hội cũng như hình ảnh của Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế. Cùng với việc Trung Quốc nổi lên với tư cách nhà sản xuất và đầu tư trên toàn cầu, các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng bị chú ý nhiều hơn, cả trong nước lẫn ở nước ngoài, về các hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường và xã hội. Các ngân hàng giúp tiếp sức cho sự tăng trưởng này thông qua việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, thường là trong khuôn khổ các chính sách kinh tế quốc dân hoặc theo chỉ thị của chính quyền địa phương. Các khoản nợ khó đòi gắn liền với các vấn đề môi trường nghiêm trọng của khách hàng đã ảnh hưởng xấu tới một số ngân hàng. Hiện các ngân hàng Trung Quốc đã nhận thức rõ hơn về sự cần thiết của việc các khách hàng doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật Trung Quốc về đánh giá môi trường và ô nhiễm.

Xuất phát từ thực tế đó, Trung Quốc đã ban hành chính sách Tín dụng xanh với mục đích sử dụng công cụ chính sách tài chính và chính sách ưu đãi để cải thiện hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và góp phần giảm thiểu ô nhiễm. Cụ thể như sau:

- Chính sách Tín dụng xanh-Một sáng kiến đòi hỏi công tác liên ngành:

Chính sách Tín dụng xanh được ban hành nhằm hạn chế cấp tín dụng cho các doanh nghiệp/dự án đang tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường cũng như khuyến khích tài trợ các doanh nghiệp/dự án tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Theo chính sách này:

+ Tất cả những doanh nghiệp nào không thực hiện các đánh giá môi trường bắt buộc hoặc không qua được các sát hạch về ô nhiễm sẽ bị các ngân hàng từ chối cho vay.

+ Các doanh nghiệp đang có các khoản TDNH mà bị phát hiện có các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị ngân hàng thu hồi lại các khoản vay.

Để đảm bảo chính sách này được triển khai thực hiện, Bộ Bảo Vệ Môi Trường Trung Quốc đã thiết lập và duy trì một “danh sách đen” liệt kê các doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Các ngân hàng không được cho các doanh nghiệp trong “danh sách đen” vay vốn cho đến khi các doanh nghiệp này hoàn thành các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường và được chính thức ra khỏi “danh sách đen”. Thông tin về các doanh nghiệp này cũng được đưa vào cơ sở dữ liệu tín dụng tại Trung tâm Thông tin Tín dụng của Trung Quốc để theo dõi và giám sát.

Thêm vào đó nhiều quy định hướng dẫn và giám sát hoạt động của ngành ngân hàng được ban hành nhằm mục tiêu chỉ đạo các định chế tài chính thực hiện chính sách Tín dụng xanh một cách nghiêm túc.

- Chính sách tín dụng xanh-Thông điệp mạnh mẽ gửi đến ngành ngân hàng về trách nhiệm của ngành đối với bảo vệ môi trường. Chính sách khuyến khích các ngân hàng có thái độ thích hợp đối với quản lý các rủi ro về môi trường và xã hội, góp phần bảo vệ uy tín của ngân hàng. Chính sách cũng mở ra cơ hội kinh doanh mới trong các lĩnh vực liên quan đến tiết kiệm năng lượng và giảm thải. Thêm vào đó một số ngân hàng ở Trung Quốc đã thiết lập hệ thống nội bộ, chính sách, quy trình và cơ sở dữ liệu và công cụ để thực hiện chính sách tín dụng xanh này. Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) là một điển hình trong việc thiết lập một cơ sở dữ liệu gồm 47.000 khách hàng và những thông tin về môi trường liên quan đến số khách hàng này. ICBC phân loại khách hàng căn cứ vào tác động đối với môi trường theo 9 mức, từ “thân thiện với môi trường” đến “rủi ro đối với môi trường”.

- Chính sách Tín dụng xanh-Cam kết thi hành ở cả cấp trung ương đến địa phương. Nhận thức hạn chế của cán bộ địa phương và các ngân hàng quy mô nhỏ cũng đang hạn chế độ bao phủ của chính sách Tín dụng xanh này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hoạt động tín dụng xanh tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam (Trang 38 - 40)