Là một dạng cụ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng xuất khẩu hàng hóa mang đầy đủ các đặc điểm của một hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường, song cũng có những điểm đặc thù cơ bản xuất phát từ “tính chất quốc tế” của loại hợp đồng này. Có thể chỉ ra một số đặc điểm cơ bản của hợp đồng xuất khẩu hàng hóanhư sau:
1.2.2.1. Chủ thể của hợp đồng
Chủ thể của hợp đồng xuất khẩu hàng hóa là các thương nhân có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau. Trụ sở thương mại thường được hiểu là nơi thường xuyên tiến hành các hoạt động thương mại của thương nhân, hoặc là nơi đặt cơ quan điều hành của thương nhân. Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp thương nhân không có trụ sở thương mại hoặc có nhiều trụ sở thương mại ở các nước khác nhau. Điều 10 CISG quy định trong trường hợp này cần phải chú ý đến trụ sở thương mại liên quan mật thiết với hợp đồng, còn nếu các bên không có trụ sở thương mại thì cần phải xác định địa điểm thường trú của họ.
Pháp luật các nước thường chia thương nhân thành hai loại là thương nhân có tư cách pháp nhân và thương nhân thể nhân. Thương nhân có tư cách pháp nhân là một tổ chức hợp pháp tiến hành hoạt động thương mại, ký kết hợp đồng thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người được đại diện theo ủy quyền. Trong khi đó, thương nhân thể nhân là một cá nhân hoạt động thương mại độc lập, vì vậy khi ký kết hợp đồng, họ sẽ trực tiếp tham gia hoặc ủy quyền cho người khác.
Theo pháp luật Việt Nam, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh (khoản 1 Điều 6 Luật thương mại năm 2005).
1.2.2.2. Đối tượng của hợp đồng
Đối tượng của hợp đồng là yếu tố quan trọng trong một hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, là vấn đề quan tâm hàng đầu của các bên bởi mọi sự thỏa thuận giữa các bên tham gia hợp đồng đều nhằm hướng đến sự chuyển quyền sở hữu đối tượng của
hợp đồng từ bên bán sang bên mua và chuyển tiền từ bên mua sang bên bán. Đối tượng của hợp đồng xuất khẩu hàng hóa chính là hàng hóa. Tuy nhiên, không phải mọi loại hàng hóa đều có thể trở thành đối tượng của hợp đồng xuất khẩu hàng hóa mà chỉ những loại tài sản đáp ứng được những yêu cầu nhất định mới trở thành đối tượng của hợp đồng xuất khẩu hàng hóa.
Ở Việt Nam, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật thương mại năm 2005 thì hàng hóa bao gồm: “a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; b) Những vật gắn liền với đất đai”. Tuy nhiên, không phải mọi loại hàng hóa đều có thể trở thành đối tượng của hợp đồng xuất khẩu hàng hóa mà chỉ những loại hàng hóa được phép xuất khẩu, không nằm trong danh mục hàng hóa cấm lưu thông, cấm xuất nhập khẩu. Tại Việt Nam, theo định kỳ, Chính phủ ban hành các văn bản điều hành xuất nhập khẩu trong đó có quy định danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện. Việc quy định những mặt hàng cấm xuất nhập khẩu nhằm mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng và sức khỏe con người, ngăn chặn việc di chuyển các tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác cạn kiệt hoặc những động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng16. Như vậy, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng xuất khẩu là động sản hữu hình, và phải thuộc danh mục được xuất khẩu theo pháp luật của nước bên mua và bên bán, không thuộc nhóm hàng bị hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu hoặc buộc phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…
1.2.2.3. Pháp luật áp dụng cho hợp đồng
Nhiều nguồn luật khác nhau có thể được áp dụng để điều chỉnh giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế nói chung và hợp đồng xuất khẩu hàng hóa nói riêng, trong đó có ba nguồn luật chủ yếu là: Pháp luật quốc gia, điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế.
- Pháp luật quốc gia
Pháp luật quốc gia thường được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng xuất khẩu
16 Xem Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài,
hàng hóa trong những trường hợp sau đây:
Thứ nhất: khi trong điều ước quốc tế hoặc pháp luật quốc gia có quy định.
Thứ hai: khi trong hợp đồng quốc tế có thỏa thuận áp dụng pháp luật quốc gia nhất định.
Thứ ba: khi cơ quan giải quyết tranh chấp (thường là trọng tài quốc tế) lựa chọn luật áp dụng cho tranh chấp là pháp luật quốc gia nhất định.
- Điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế là một nguồn luật quan trọng được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ hợp đồng quốc tế, trong đó có hợp đồng xuất khẩu. Điều ước quốc tế được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng xuất khẩu hàng hóa trong những trường hợp sau đây:
Thứ nhất, điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên chứa đựng quy phạm điều chỉnh trực tiếp quan hệ phát sinh.
Thứ hai, pháp luật quốc gia hoặc điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên dẫn chiếu tới.
Thứ ba, điều khoản về luật áp dụng trong hợp đồng quốc tế có quy định việc áp dụng điều ước quốc tế cụ thể.
Thứ tư, điều ước quốc tế được áp dụng khi cơ quan giải quyết tranh chấp (thường là trọng tài quốc tế) lựa chọn luật áp dụng cho tranh chấp là điều ước quốc tế.
Cho đến nay, Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế. Có thể kể đến một số điều ước quan trọng như sau: Công ước Viên 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế17, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các hiệp định thương mại song phương ký kết giữa Việt Nam với các nước cũng có vai trò quan trọng trong việc giao kết hợp đồng thương mại của các thương nhân Việt Nam với các đối tác nước ngoài.
17 Công ước CISG bắt đầu có hiệu lực ràng buộc tại Việt Nam kể từ ngày 1/1/2017. Việt Nam là thành viên thứ 84 của Công ước và trong khối ASEAN Việt Nam là thành viên thứ 2 sau Singapore gia nhập Công ước quan trọng này.
- Tập quán thương mại quốc tế
Tập quán quốc tế là những quy tắc xử sự được hình thành từ lâu đời, được sử dụng thường xuyên, liên tục, và được các quốc gia thừa nhận rộng rãi. Thông thường, tập quán quốc tế được chia thành ba nhóm: các tập quán có tính chất nguyên tắc; các tập quán thương mại quốc tế chung và các tập quán thương mại khu vực.
Hiện nay, những tập quán quốc tế được áp dụng phổ biến trong mua bán hàng hóa quốc tế bao gồm: Các điều kiện cơ sở giao hàng trong mua bán hàng hóa quốc tế (viết tắt là “INCOTERMS”) được Phòng thương mại quốc tế (ICC) tập hợp và ban hành từ năm 1936 (và đã được sửa đổi vào các năm 1953, 1968, 1976, 1980, 1990, 2000 và 2010); Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC- 2004)... Tập quán quốc tế được áp dụng điều chỉnh hợp đồng xuất khẩu hàng hóa trong những trường hợp sau:
Thứ nhất, tập quán quốc tế được các điều ước quốc tế có liên quan quy định áp dụng.
Thứ hai, tập quán quốc tế được áp dụng khi được luật quốc gia quy định áp dụng.
Thứ ba, tập quán quốc tế được áp dụng khi các bên trong hợp đồng quốc tế có thỏa thuận trong hợp đồng về việc áp dụng tập quán quốc tế.
Thứ tư, tập quán quốc tế được áp dụng khi cơ quan giải quyết tranh chấp (thường là trọng tài quốc tế) lựa chọn luật áp dụng cho tranh chấp là tập quán quốc tế. Với mỗi phương thức giải quyết tranh chấp, tùy theo là tòa án hay trọng tài, sẽ có cách thức lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế khác nhau18.