Cơ cấu tổ chức của Thanhtra Sở Giáo dục và Đào tạo

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (Trang 26 - 28)

7. Bố cục của luận văn

1.3.2. Cơ cấu tổ chức của Thanhtra Sở Giáo dục và Đào tạo

Như đã nói ở trên, Thanh tra Sở GD&ĐT là cơ quan của Sở GD&ĐT, có vị trí pháp lý ngang với các phòng nghiệp vụ khác nhưng có sự độc lập hơn vì bản chất của chức năng thanh tra. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở GD&ĐT được quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP gồm: Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra GD&ĐT là người đứng đầu Thanh tra Sở GD&ĐT, giúp việc cho Giám đốc Sở theo phạm vi, chức năng quản lý nhà nước quy định. Do vậy, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở GD&ĐT và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Thanh tra Sở. Cũng tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP quy định Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh. Như vậy so với các chức danh Trưởng Phòng nghiệp vụ thuộc Sở GD&ĐT thì quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT có khác và phức tạp hơn, do phải có ý kiến của Chánh Thanh tra tỉnh. Điều này nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống Thanh tra Nhà nước ở cấp tỉnh và tính độc lập nhất định của Thanh tra Sở.

Phó Chánh Thanh tra Sở là người giúp việc cho Chánh thanh tra Sở GD&ĐT,

được Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT giao phụ trách một số nội dung, lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Chánh thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Pháp luật hiện hành không quy định giới hạn số lượng Phó Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT. Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP quy định Giám đốc Sở bổ

nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh Thanh tra Sở theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở. Như vậy, so với việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Phó Phòng nghiệp vụ khác thuộc Sở GD&ĐT thì việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chánh Thanh tra Sở không có sự khác biệt, đều do Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định. Từ đây, chúng ta có thể thấy được sự khác nhau trong quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra, điều này theo tác giả dù ít hay nhiều cũng có thể ảnh hưởng đến tính độc lập, sự thống nhất trong lãnh đạo Thanh tra Sở.

Hiện nay, ngoài Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định về Thanh tra viên và Cộng tác viên Thanh tra (từ đây gọi tắt là Nghị định số 97/2011/NĐ-CP) và Thông tư số 09/2014/TT-TTCP quy định tiêu chuẩn chức danh Phó Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì chưa có quy định về tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra Sở. Tác giả cho rằng đây là một sự thiếu sót của pháp luật dẫn đến sự không đồng đều về năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ lãnh đạo tại các cơ quan Thanh tra Sở GD&ĐT, thậm chí có thể dẫn đến việc bổ nhiệm người không đáp ứng được năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Đặc biệt là trong việc bổ nhiệm Phó Chánh Thanh tra vì việc bổ nhiệm này hoàn toàn do Giám đốc Sở quyết định, không phải thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.

Về Thanh tra viên, Điều 17 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP quy định: “Thanh tra viên giáo dục là công chức được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong lĩnh vực giáo dục tại Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở”. Thanh

tra viên giáo dục cũng là một chức danh trong hệ thống công chức nhà nước nhưng lại có đặc thù khác so với công chức khác tại Sở GD&ĐT, vì Thanh tra viên được hưởng chế độ, chính sách, phụ cấp20, trang phục, chế độ đặc thù khác, được Tổng Thanh tra Chính phủ cấp thẻ thanh tra và được đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động thanh tra. Thanh tra viên chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT về nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận, kiến nghị, quyết định thanh tra của mình. Trong tổ chức Thanh tra Sở GD&ĐT, Thanh tra viên là lực lượng nòng cốt trong hoạt động thanh tra. Trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất chính trị, kinh nghiệm công tác của lực lượng

20 Quyết định số 202/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên.

thanh tra viên quyết định hiệu quả hoạt động của tổ chức Thanh tra ngành GD&ĐT. Vì vậy, người được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên tại cơ quan Thanh tra Sở GD&ĐT ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định được quy định tại Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP và Điều 32 Luật Thanh tra năm 2010 như trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, công minh, tốt nghiệp đại học… còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 6 Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định về Thanh tra viên và Cộng tác viên Thanh tra.

Cũng như Thanh tra viên các sở, ngành khác, việc bổ nhiệm các ngạch Thanh tra viên của Thanh tra Sở GD&ĐT thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở GD&ĐT21. Căn cứ vào trình độ nghiệp vụ, thâm niên công tác mà Thanh tra viên Giáo dục được bổ nhiệm vào 3 ngạch theo thứ tự từ thấp đến cao là: Thanh tra viên, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên cao cấp.

Về công chức khác, đây là những người làm việc trong tổ chức thanh tra nhưng không phải là Thanh tra viên hoặc lãnh đạo tổ chức thanh tra (ví dụ như: chuyên viên, cán sự). Đây cũng là lực lượng không nhỏ góp phần vào thành công trong hoạt động của Thanh tra Sở GD&ĐT. Vậy mà Luật Thanh tra năm 2004 và Nghị định số 41/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra đã không quy định “công chức khác” trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở. Tuy nhiên đến Nghị định số 86/2011/NĐ-CP đã có quy định cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở gồm: Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên và công chức khác. Do đó, quy định pháp luật về Thanh tra ngành Giáo dục cũng đã ghi nhận chính thức lực lượng “công chức khác” trong cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở GD&ĐT tại

Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP: “Thanh tra Sở có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên và công chức khác”.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)