Sự cần thiết của các định hướng hoàn thiện

Một phần của tài liệu Quy chế pháp lý của Quản tài viên ở Việt Nam (Trang 122 - 125)

Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài một thập kỷ qua trên thế giới đã phần nào làm chững lại sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa sau chủ trương đổi mới và mở cửa. Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đều phải cơ cấu lại nền kinh tế và cải thiện một cách hết sức nỗ lực môi trường pháp lý kinh doanh mà trong đó có một bộ phận quan trọng là pháp luật về phá sản – một thứ pháp luật mà có vai trò lớn trong việc tổ chức cho rút lui khỏi thị trường những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả hay thua lỗ kéo dài một cách có trật tự, tái cơ cấu đầu tư, thúc đẩy khởi đầu mới trong kinh doanh với kinh nghiệm và sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn, hoàn thiện hơn nữa những vấn đề về quản trị... Vì thế cơ quan soạn thảo Luật Phá sản năm 2014 đã suy xét trên cơ sở kinh tế- xã hội để xây dựng Luật này như sau:

Cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong 30 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều mặt, được thừa nhận rộng rãi cả trên bình diện quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, trong khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và khu vực, nền kinh tế Việt Nam cũng đã bộc lộ những bất cập, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp

đặt ra yêu cầu tái cơ cấu kinh tế theo hướng vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững; xây dựng chính sách và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp, quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; tạo hành lang pháp lý hiệu quả để doanh nghiệp, hợp tác xã đang trong tình trạng thua lỗ có cơ hội phục hồi hoặc rút khỏi thị trường một cách trật tự [27, tr. 1].

Sau mấy chục năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và pháp luật... Đó là những bước đi quan trọng cho việc tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0. Bảo đảm ổn định nền tảng chính trị, kinh tế và xã hội để phát triển đất nước thực hiện các mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” kế thừa những thành tựu của nhiều năm đổi mới, Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng đã xác định tại Điều 51 những nét lớn của mô hình nền kinh tế Việt Nam như sau:

1.Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng

đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Trên nền tảng nguyên tắc này của Hiến pháp, hiện nay Việt Nam đang tích cực xây dựng môi trường pháp lý kinh doanh lành mạnh, có hiệu quả cao để tiếp tục quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu, rộng để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đặc biệt không để “lỡ chuyến tàu 4.0” [20, tr. 22]. Phá sản là một vấn đề kinh tế, một vấn đề pháp lý không thể tách rời khỏi kinh tế thị trường và phải có trong môi trường pháp lý kinh doanh. Chế định phá sản luôn được xem là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá môi trường kinh doanh ở một quốc gia. World Bank thường xếp hạng môi trường thuận lợi kinh doanh dựa trên yếu tố này. Báo chí ở Việt Nam đã đưa tin về những đánh giá của World Bank như sau:

Báo cáo Môi trường kinh doanh phân tích các quy định áp dụng cho doanh nghiệp thuộc một nền kinh tế trong vòng đời của doanh nghiệp, bao gồm các quy định về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, thương mại quốc tế, nộp thuế và giải quyết tình trạng phá sản. Tổng hợp xếp hạng mức độ thuận lợi kinh doanh được đánh giá dựa trên chỉ số của 10 lĩnh vực và bao trùm 189 nền kinh tế [103].

Trong pháp luật về phá sản, Quản tài viên là một vấn đề trọng yếu không thể thiếu dù với một tên gọi nào đó với những nhiệm vụ cụ thể xác định nào đó như đã nghiên cứu ở các Chương trên. Do đó xây dựng hay hoàn thiện một Quy chế Quản tài viên thích hợp trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam góp phần lớn cho việc hoàn thiện kinh tế thị trường và môi trường pháp lý kinh doanh.

Tuy nhiên Quy chế pháp lý của Quản tài viên không thể hoàn thiện nếu không được suy tính trong tổng thể pháp luật về phá sản nói chung và đạo luật phá sản nói riêng, cũng như trong tổng thể pháp luật với những định hướng hoàn thiện cụ thể. Các định hướng này làm cho các quy tắc của Quy chế pháp lý của Quản tài viên và các quy định pháp luật khác có liên quan tạo thành một chỉnh thể thống nhất điều tiết có hiệu quả vấn đề phá sản nói riêng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung.

Báo cáo mới đây tại một cuộc hội thảo đánh giá việc thi hành Luật Phá sản năm 2014 do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức và chủ trì, đại diện Bộ Tư pháp kiến nghị:

Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về Quản tài viên, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế về nghề Quản tài viên; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành có hiệu quả Luật Phá sản, Nghị định số 22/2015/NĐ-CP; nghiên cứu, xây dựng và ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên để các Quản tài viên lấy làm chuẩn mực cho sự tu dưỡng, rèn luyện, qua đó giữ gìn uy tín, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp [86, tr. 66].

Tóm lại, hoàn thiện Quy chế pháp lý của Quản tài viên là hết sức cấp

bách nhằm đưa Luật Phá sản thực sự đi vào cuộc sống, cải thiện một bước quan trọng cho môi trường pháp lý kinh doanh và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Các điều kiện về cơ sở chính trị, kinh tế và xã hội đã hội đủ cho việc hoàn thiện này.

Một phần của tài liệu Quy chế pháp lý của Quản tài viên ở Việt Nam (Trang 122 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)