Để bảo đảm cho việc xây dựng và hoàn thiện Quy chế pháp lý của Quản tài viên thích hợp, các định hướng sau đây cần phải chú ý tới:
Định hướng thứ nhất: Nâng cao vai trò của các chủ nợ trong Luật Phá sản.
Như trên đã phân tích, Luật Phá sản năm 2014 có một bất cập rất lớn về định hướng. Đó là đẩy lên quá cao vai trò của Tòa án thụ lý vụ việc phá sản và thừa nhận một cách thiếu chính xác vai trò của cơ quan Thi hành án dân sự trong quy trình phá sản. Vai trò của Tòa án là không thể thiếu trong pháp luật về phá sản, và chính nó đã làm phát sinh ra thủ tục phá sản đặc biệt khác với các thủ tục lấy nợ thông thường, và chính nó kết hợp một cách thiết yếu với tổ chức của các chủ nợ và Quản tài viên đã xác định bản chất pháp lý thực sự của cơ chế lấy nợ tập thể và bản chất thụ ủy tư pháp của Quản tài viên như đã trình bày tại các Chương trên. Tuy nhiên việc đẩy vai trò của nó lên cao quá trong mối quan hệ với Hội nghị chủ nợ và Quản tài viên lại làm phá vỡ sự cân đối của pháp luật về phá sản ngay từ bản chất vì bản chất này được thiết lập trong mối quan hệ thích hợp giữa các định chế đó. Còn cơ quan thi hành án là một cơ quan hành chính tư pháp xen vào một cách thiếu thích hợp quy trình phá sản như các Chương trên đã nói cũng lại làm xô lệch bản chất pháp lý của cơ chế phá sản.
Việc xác định chưa chính xác như vậy đã dẫn đến việc xác định sai hay thể hiện không đúng bản chất pháp lý của Quản tài viên. Luật này xem Quản tài viên như cánh tay nối dài của Thẩm phán phụ trách vụ việc phá sản và ràng buộc Quản tài viên vào mối quan hệ bị quản lý theo kiểu song trùng trực thuộc cả Thẩm phán tiến hành tố tụng phá sản và cả cơ quan Thi hành án dân sự. Điểm mấu chốt tháo gỡ bất cập này là phải hoàn thiện Quy chế pháp lý của Quản tài viên theo định hướng nâng cao vai trò của chủ nợ trong cơ chế phá sản bởi về thực chất phá sản là một cơ chế lấy nợ tập thể mà tại đó không chủ nợ nào có quyền lấy nợ riêng rẽ trên sản nghiệp của con nợ, cho nên họ phải cùng nhau thỏa hiệp để lấy nợ.
Định hướng thứ hai: Thể hiện đầy đủ các thành tố, các vấn đề, các khía
cạnh của Quy chế pháp lý của Quản tài viên trong việc hoàn thiện Quy chế này. Như các Chương trên đã nghiên cứu, Quy chế pháp lý của Quản tài viên theo Luật Phá sản năm 2014 quá hẹp về phạm vi, không bao quát hết các vấn đề pháp lý, các khía cạnh pháp lý, cũng như đạo đức liên quan trong đó. Chẳng hạn Quy chế pháp lý của Quản tài viên theo pháp luật Việt Nam hiện hành không thể hiện được các yêu cầu về đạo đức của Quản tài viên, không đủ chế tài đối với các vi phạm của Quản tài viên… Với các thiếu sót lớn này, Luật Phá sản năm 2014 rất khó khăn trong việc đi vào đời sống xã hội và rất khó khăn trong việc áp dụng để giải quyết những vụ việc phá sản cụ thể. Do đó thể hiện đầy đủ các vấn đề của Quy chế pháp lý của Quản tài viên trong việc hoàn thiện Quy chế này là một định hướng quan trọng nhằm bảo đảm có một môi trường pháp lý kinh doanh đầy đủ, hiện đại và hiệu quả.