1.3.1.1. Yếu tố pháp luật
Các quy định của Nhà nước, các chuẩn mực kế toán liên quan chính là khung cơ sở pháp lý cho việc trích lập dự phòng ở các ngân hàng. Do đó, việc xây dựng các quyết định chính sách về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng luôn bị chi phối và ảnh hưởng bới các quy định Nhà nước liên quan đến việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Khi có bất kỳ sự thay đổi nào trong các quyết định của Nhà nước điều chỉnh việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, các ngân hàng luôn cần phải bám sát và thực hiện thay đổi theo đúng yêu cầu của Nhà nước. Do đó, có thể nói, yếu tố luật pháp là yếu tố vô cùng quan trọng mang tính chất cốt lõi trong công tác phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro ở tất cả các ngân hàng.
1.3.1.2. Yếu tố kinh tế
Các thông tin kinh tế là một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến việc phân loại nợ và trích lập dự phòng của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Các yếu tố về kinh tế như: GDP, tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất, các sự kiện kinh tế trong tương lai,... sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế, và từ đó sẽ làm thay đổi tình hình phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng, dẫn đến các ảnh hưởng với hoạt động kinh doanh của bản thân ngân hàng. Bởi vậy, khi tiến hành phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, các ngân hàng cũng cần đặc biệt quan tâm đến các thông tin về kinh tế để xác định các sự kiện tổn thất có thể xảy ra và có các điều chỉnh phù hợp trong việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của mình.