Hiện tại Sacombank - Chi nhánh Thăng Long đã thiết lập cơ sở dữ liệu các dấu hiệu rủi ro hoạt động, tuy nhiên, tại chi nhánh chỉ có thể xem số liệu của chi nhánh mình mà không thể xem số liệu của các chi nhánh khác. Các sai sót, các lỗi xảy ra các chi nhánh chỉ có thể tham khảo số liệu của nhau khi phòng Quản lý rủi ro hội sở tổng hợp báo cáo rủi ro hoạt động định kỳ hàng quý, do vậy các sai sót xảy ra ở chi nhánh này, trong thời gian 1 quý, có thể xảy ra ở chi nhánh khác mà không có biện pháp cảnh báo, phòng ngừa kịp thời.
Hơn nữa, số liệu trong cơ sở dữ liệu của các chi nhánh không thể vào xem, do vậy, tác giả đề xuất giải pháp là Sacombank có thể nghiên cứu cấp quyền cho người sử dụng tại chi nhánh có thể vào tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu để phục vụ tốt hơn công tác hạn chế rủi ro hoạt động tại đơn vị mình. Người sử dụng được cấp quyền có trách nhiệm sử dụng quyền đúng mục đích, trường họp có sai phạm phải được xử lý thích đáng, số lượng người sử dụng tại từng chi nhánh chỉ nên ở mức hạn chế, bản đăng ký người sử dụng của chi nhánh phải được thành viên ban giám đốc phê duyệt, khi có sự thay đổi nhân sự phải kịp thời thay đổi người sử dụng, khi người sử dụng đã sử dụng nhưng do thay đổi nhiệm vụ không còn được quyền sử dụng mà tiết lộ bí mật thông tin cũng bị xử lý.
Số liệu trong cơ sở dữ liệu về dấu hiệu rủi ro hoạt động hiện tại của Sacombank chỉ mới được thiết lập ở một số nghiệp vụ và còn nhiều bất cập so với thực tế. Vì vậy Sacombank cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dấu hiệu rủi ro hoạt động bằng cách thường xuyên bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế hoạt động nghiệp vụ và tiếp tục nghiên cứu bổ sung dần cho đến khi có đầy đủ số liệu ở tất cả các mặt nghiệp vụ của Sacombank.
Một giải pháp nữa thật sự cần thiết và rất quan trọng cho Sacombank trong lĩnh vực công nghệ thông tin là xây dựng một hệ thống kiểm tra tác nghiệp trực tuyến, hay còn gọi là quản trị rủi ro hoạt động trực tuyến. Sacombank xây dựng một hệ thống trực tuyến để kiểm tra giám sát các tác nghiệp của cán bộ công nhân viên trên hệ thống ngay thời điểm họ tác nghiệp. Từ đó cán bộ ban kiểm soát hoặc ban quản lý rủi ro hoạt động có thể phát hiện lỗi, sai sót của cán bộ công nhân viên ngay tức thì và báo lỗi về cho giám đốc các chi nhánh để thực hiện khắc phục. Việc này có thể phòng ngừa và hạn chế
tối đa các lỗi tác nghiệp xảy ra do sự nhầm lẫn, tắc trách hoặc thiếu hiểu biết của cán bộ.