Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động bảo lãnh

Một phần của tài liệu Giải pháp hạn chế rủi ro trong hoạt động bảo lãnh tại NHTMCP đầu tư và phát triển việt nam khoá luận tốt nghiệp 026 (Trang 27 - 29)

1.2.4.1 Các nhân tố khách quan

a) Môi trường kinh tế - chính trị - xã hội

Bất kỳ một nghiệp vụ nào trong hoạt động kinh doanh của NHTM đều chịu ảnh hưởng của yếu tố môi trường - chính trị - xã hội. Bảo lãnh cũng là một trong những hoạt động chịu ảnh hưởng lớn của những yếu tố đó.

- Môi trường chính trị - xã hội, pháp luật

Môi trường xã hội là nhân tố vĩ mô tác động đến mọi hoạt động kinh tế xã hội. Với một thể chế chính trị ổn định là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển hoạt động đầu tư, kích thích sự gia tăng của các hoạt động thương mại trong nước và quốc tê. Đó là điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của bảo lãnh. Trong hoạt động bảo lãnh, đặc biệt là những hợp đồng bảo lãnh liên quan đến yếu tố nước ngoài thì sự ổn định trong môi trường chính trị xã hội càng trở nên quan trọng.

Bên cạnh đó hoạt động tín dụng ngân hàng cũng phải tuân theo quy định của NHNN, Luật các TCTD, Luật dân sự và các quy định khác. Nếu môi trường pháp lý không đồng bộ, thiếu chặt chẽ và hay thay đổi cũng là tác nhân quan trọng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến khả năng doanh nghiệp không thực hiện các nghĩa vụ cam kết.

- Môi trường kinh tế

Nền kinh tế là một hệ thống bao gồm nhiều hoạt động kinh tế có liên quan đến biện chứng, ràng buộc lẫn nhau. Bất kỳ sự biến động của một hoạt động kinh tế nào đó cũng đều ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực còn lại. Hơn nữa, hoạt động của các NHTM có thể được coi là chiếc cầu nối giữa các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Vì vậy, sự ổn định hay bất ổn, sự tăng trưởng nhanh hay chậm của nền kinh tế sẽ tác động mạnh mẽ đến các hoạt động của ngân hàng.

b) Các nhân tố thuộc về khách hàng

Các nhân tố thuộc về tình hình tài chính, khả năng quản lý, doanh nghiệp, năng lực của người yêu cầu bảo lãnh trong việc thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cơ sở ký kết với bên nhận bảo lãnh có tác động trực tiếp đến chất lượng bảo lãnh. Khách hàng chính là những người đánh giá chất lượng dịch vụ. Việc đa dạng hóa các sản phẩm bảo lãnh sao cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, được khách hàng

đánh giá cao giúp ngân hàng tăng năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Mặt khác đạo đức của khách hàng là vấn đề được đặt ra khi khách hàng có khả năng nhưng cố tình trốn tránh trách nhiệm của mình, đối với khoản nợ ngân hàng. Do đó, khi quyết định bảo lãnh, ngân hàng cần xem xét đến cả lịch sử giao dịch của khách hàng, đến các khoản nợ trước kia của khách hàng.

c) Các nhân tố về bên nhận bảo lãnh

Sự trung thực của bên nhận bảo lãnh trong việc yêu cầu thanh toán bảo lãnh cũng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng của bảo lãnh. Bên nhận bảo lãnh có thể xuất trình những giấy tờ giả mạo chứng từ đòi thanh toán cho ngân hàng để nhận hoàn tiền thanh toán bảo lãnh. Trong trường hợp ngân hàng không phát hiện được sự giả mạo này, ngân hàng có khả năng gặp rủi ro, do phải thanh toán cho bên nhận bảo lãnh số tiền bảo lãnh mà không đòi được tiền bồi hoàn từ phía bên được bảo lãnh. Như vậy, sự trung thực của bên nhận bảo lãnh cũng ảnh hưởng đến chất lượng bảo lãnh.

1.2.4.2 Các nhân tố chủ quan

Việc hạn chế rủi ro hoạt động bảo lãnh không chỉ chịu tác động của nhân tố khách quan mà còn chịu sự tác động bởi các nhân tố chủ quan như: Chiến lược kinh doanh của ngân hàng, kế hoạch phát triển nghiệp vụ bảo lãnh, chất lượng công tác thẩm định khách hàng của ngân hàng, trình độ nghiệp vụ của cán bộ ngân hàng.

a) Chiến lược kinh doanh của ngân hàng

Tùy từng giai đoạn, ngân hàng sẽ có chiến lược khác nhau, dựa vào phương hướng đó, ngân hàng có thể biết được cần phải chú trọng vào hoạt động nào, tăng cường đẩy mạnh hoạt động nào... Bảo lãnh cũng vậy, chiến lược kinh doanh phản ánh các mục tiêu và nhiệm vụ nhất định, qua đó có thể thấy xu hướng phát triển của ngân hàng theo chiều hướng nào.

Chiến lược kinh doanh bao gồm chiến lược marketing, chiến lược cơ cấu tổ chức, phát triển nguồn nhân lực ... Hoạt động bảo lãnh cần phải tiến hành theo các định hướng đó, trong đó cần chú ý tới chính sách nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động bảo lãnh.

b) Quy trình hoạt động bảo lãnh

Quy trình hoạt động bảo lãnh là một vấn đề cần được quan tâm. Trong quy trình bảo lãnh có những phần việc quan trọng như: công tác thẩm định, xây dựng hợp đồng bảo lãnh và quy trách nhiệm khi kết thúc bảo lãnh có tác động trực tiếp đến hoạt động

bảo lãnh. Chất lượng thẩm định tốt sẽ quản trị tốt các rủi ro khi tiến hành bảo lãnh, đảm bảo một khoản bảo lãnh lành mạnh, mang lợi nhuận đến cho ngân hàng. Song song với công tác thẩm định, xây dựng một hợp đồng bảo lãnh với những điều khoản chặt chẽ phù hợp với yêu cầu của khách hàng và có lợi cho ngân hàng sẽ là một điều kiện đảm bảo cho hoạt động bảo lãnh được tiến hành suôn sẻ. Khi kết thúc bảo lãnh, trách nhiệm của các bên liên quan được quy định rõ ràng sẽ tránh các tranh chấp và các tổn thất không đáng có.

c) Nguồn nhân lực

Đây cũng là yếu tố mang tính chủ quan không kém phần quan trọng, các cán bộ nghiệp vụ bảo lãnh là những mắt xích trực tiếp tham gia và kết nối các khâu trong hoạt động bảo lãnh. Cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn sẽ hạn chế những sai lầm mắc phải khi thực hiện nghiệp vụ.

Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng cũng là tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Việc lựa chọn nhân sự có đạo đức nghề nghiệp và có chuyên môn thực sự là một giải pháp giúp ngân hàng có thể hạn chế rủi ro và góp phần thúc đẩy hoạt động bảo lãnh ngày càng phát triển.

Một phần của tài liệu Giải pháp hạn chế rủi ro trong hoạt động bảo lãnh tại NHTMCP đầu tư và phát triển việt nam khoá luận tốt nghiệp 026 (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(88 trang)
w