- Đối với nguyên nhân rủi ro từ đạo đức của bên được bảo lãnh: khách hàng cố tình gian lận, lừa các ngân hàng để được bảo lãnh; các hồ sơ gửi đến ngân hàng không trung thực, không phản ánh đúng, đầy đủ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính của khách hàng. BIDV đã yêu cầu bên được bảo lãnh báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính theo mẫu của ngân hàng; khi thẩm định ngoài việc căn cứ vào báo cáo kinh doanh, báo cáo tài chính do bên được bảo lãnh lập, BIDV còn căn cứ vào báo cáo lập theo quy định của ngân hàng. Sau khi thẩm định: trường hợp kết quả đánh giá hai loại báo cáo đều tốt thì ngân hàng chấp thuận bảo lãnh còn trường hợp một trong hai hệ thống báo cáo không đạt thì ngân hàng từ chối bảo lãnh.
Đồng thời, để hạn chế rủi ro phát sinh từ nguyên nhân trên, BIDV cũng đã khá chú trọng tới công tác đào tạo, để cán bộ làm công tác bảo lãnh có kiến thức sâu rộng, biết nhìn nhận vấn đề, biết tổng hợp đánh giá một cách có hệ thống, ngoài kiến thức về nghiệp vụ bảo lãnh còn nắm chắc các chính sách, chế độ của tất cả các ngành, lĩnh vực có liên quan, nhất là kiến thức luật. Cán bộ làm công tác bảo lãnh phải đọc, hiểu và phân tích được báo cáo tài chính của bên được bảo lãnh, để phát hiện các kỹ thuật tiểu xảo của doanh nghiệp nhằm khuếch trương lợi nhuận, làm sai lệch kết quả kinh doanh. Từ đó, có thể tạo ra kết quả thẩm định chính xác, đúng với năng lực thật của khách hàng, khi đó sẽ hạn chế được rủi ro phát sinh đối với nguyên nhân bên được bảo lãnh không trả được nợ cho ngân hàng do năng lực tài chính yếu.
- Đối với nguyên nhân phát sinh từ môi trường pháp lý, để hạn chế rủi ro, trong thời gian qua, BIDV đã quy định tại thư bảo lãnh của BIDV phát hành cần quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của ngân hàng và các trường hợp BIDV được từ chối thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay. BIDV có thang chấm điểm để lựa chọn các NHTM có uy tín, chất lượng tín dụng cao trường hợp đồng bảo lãnh để chia sẻ trách nhiệm khi rủi ro phát sinh. Việc ràng buộc với nhau như vậy đã nâng cao được trách nhiệm của NHTM từ khâu thẩm định đến cho vay, kiểm tra khách hàng và thu hồi nợ.
- Đối với nguyên nhân khách quan về môi trường kinh tế - xã hội, thay đổi chính sách của nhà nước làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của bên được bảo lãnh, hay thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ... trực tiếp gây thiệt hại về tài sản của khách hàng thì BIDV đang thực hiện giải pháp tái bảo lãnh vay vốn cho một TCTD khác. Đồng thời ngân hàng cũng yêu cầu bên được bảo lãnh mua bảo hiểm và ngân hàng giám sát chặt chẽ việc mua bảo hiểm, hỗ trợ khách hàng trường hợp gặp khó khăn tạm thời không nộp được phí bảo hiểm.
- BIDV chú trọng tới việc trích lập dự phòng rủi ro cho hoạt động bảo lãnh. Giá trị trích lập dự phòng tăng lên qua các năm, đảm bảo cho ngân hàng ứng phó với rủi ro khách hàng không thực hiện hoàn trả.
Ket luận chương 2
Trên cơ sở những lý luận đã trình bày ở chương 1, khóa luận đã tập trung phân tích thực trạng rủi ro trong hoạt động bảo lãnh tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Thứ nhất, phân tích tình hình hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động bảo lãnh nói riêng cho thấy bảo lãnh là một hoạt động nhiều tiềm năng của BIDV.
Thứ hai, bên cạnh những kết quả đạt được, khóa luận phân tích thực trạng rủi ro trong hoạt động bảo lãnh mà ngân hàng gặp phải, chỉ ra nguyên nhân dẫn đến rủi ro. Đây là cơ sở để chương 3 đưa ra những giải pháp, kiến nghị nhằm giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động bảo lãnh tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HẠN CHẾ RỦI RO TRONG HOẠT ĐỘNG BẢO LÃNH TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ
VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
3.1 Định hướng phát triển hoạt động bảo lãnh trong thời gian tới tại Ngân hàngTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam