Một danh mục tín dụng kết hợp được sản phẩm cho vay truyền thống với cho vay hiện đại sẽ làm tăng thêm tính hấp dẫn, thu hút khách hàng, làm tăng tính cạnh tranh cho ngân hàng, tăng uy tín và vị thế của chi nhánh trên địa bàn. Trước đây, các ngân hàng có xu hướng cung cấp cùng loại sản phẩm dịch vụ cho các DNVVN, bất kể là quy mô nhỏ hay vừa, thậm chí có thời kỳ chi nhánh còn không tách biệt giữa các sản phẩm cho vay đối với doanh nghiệp lớn với các DNVVN. Tuy nhiên,
hiện nay ngân hàng hiểu rõ hơn rằng đối với từng loại khách hàng, do đặc tính khác nhau nên nhu cầu của họ cũng khác nhau. Chi nhánh có thể triển khai thêm những sản phẩm phù hợp với đặc điểm của khách hàng DNVVN. Cụ thể:
- Đẩy mạnh loại hình cho thuê tài sản đối với DNVVN: Đây là hình thức có rất nhiều ưu điểm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không đủ vốn tự có để mua tài sản và tránh được tình trạng mua phải tài sản lạc hậu, lỗi thời, đặc biệt là những thiết bị có tốc độ phát triển nhanh. Bên cạnh đó, loại hình này rất thích hợp với các DNVVN vì thủ tục nhanh gọn, linh hoạt hơn đi vay vì bớt được thời gian làm thủ tục thế chấp, bảo lãnh. Trên thực tế ngân hàng Á Châu tại miền Bắc có công ty cho thuê tài chính chuyên biệt, trực thuộc địa bàn của chi nhánh ACB - Hà Nội. Tuy nhiên do thông tin còn hạn chế, một số DNVVN còn chưa nhận thức được ưu điểm vượt trội của hình thức này nên khá e dè khi sử dụng. Chính vì vậy trong thời gian tới, chi nhánh Hà Nội nên đẩy mạnh giới thiệu, tư vấn sản phẩm này tới DNVVN.
- Đẩy mạnh nghiệp vụ cho vay bảo lãnh: trong quá trình SXKD, có những DNVVN thiếu vốn nhưng không đủ điều kiện vay vốn theo quy định của ACB thì chi nhánh có thể tư vấn cho họ sử dụng sản phẩm bảo lãnh, tư vấn cho khách hàng nhờ một tổ chức nào đó đứng ra bảo lãnh khoản vay. Đây là hính thức cho vay có độ rủi ro thấp, chi nhánh nên đẩy mạnh phát triển hình thức này hơn nữa, vừa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng vừa tăng thu nhập, mở rộng tín dụng cho chi nhánh.
- Chiết khấu các chứng từ có giá: Hình thức này có thể áp dụng với các DNVVN vì có thể các doanh nghiệp này nằm giữ nhiều loại giấy tờ có giá như thương phiếu, tín phiếu, trái phiếu chưa đến hạn thanh toán. Họ có thể đem những chứng từ có giá này đến ngân hàng xin chiết khấu để có thêm vốn sản xuất, kinh doanh.
- Tăng cường các sản phẩm trọn gói: Có thể hiểu sản phẩm trọn gói là phương thức chào bán hoặc marketing hai hay nhiều sản phẩm dịch vụ trong một gói sản phẩm với mức giá được người mua cảm nhận rằng thấp hơn so với khi mua từng sản phẩm riêng lẻ. Ví dụ hiện nay có một số ngân hàng đưa ra sản phẩm trọn gói “dịch vụ xuất nhập khẩu trọn gói”, tức là ngân hàng cung cấp cho các doanh nghiệp
XNK dịch vụ thanh toán và cả dịch vụ khác liên quan đến thực hiện một lô hàng xuất hoặc nhập khẩu theo hợp đồng thương mại, ví dụ như dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ bảo hiểm hàng hóa, dịch vụ thanh toán ngân hàng kết hợp với nhau. Khi sử dụng dịch vụ này doanh nghiệp được tư vấn về dịch vụ vận tải, bảo hiểm, được cung cấp thông tin liên quan đến thị trường, đối tác và đàm phán ký kết hợp đồng, tiết kiệm được thời gian, chi phí. Bên cạnh đó, chi nhánh cũng có lợi vì đa dạng hóa các sản phẩm hiện có, tăng lợi nhuận, khi sử dụng sản phẩm này thì doanh nghiệp phải cung cấp những thông tin chính xác về mình trên cơ sở đó ngân hàng nẵm vững thông tin khách hàng, thiết lập mối quan hệ mật thiết và lâu dài.
- Cho vay doanh nghiệp kết hợp với mở tài khoản, thẻ liên kết tại ngân hàng
Thông qua hoạt động tín dụng, chi nhánh nên khuyến khích DNVVN mở các tài khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm tại chi nhánh. Giúp ngân hàng kiểm soát tốt quá trình giải ngân, thu nợ, cac biến động của luồng tiền thu, chi. Từ đó giúp ngân hàng phần nào tránh được những rủi ro không đáng có trong tương lai. Bên cạnh đó, chi nhánh nên khuyến khích các DNVVN có quan hệ tín dụng mở thẻ liên kết với chi nhánh phục vụ cho việc trả lương nhân viên, thanh toán các khoản bảo hiểm xã hội...giúp nâng cao tính khoa học trong công tác quản trị doanh nghiệp.
- Cho vay tái tài trợ: là hình thức cho vay đối với khách hàng tại thời điểm phê duyệt đang có tài sản bảo đảm thế chấp/cầm cố tại tổ chức tín dụng khác. Sản phẩm này giúp ngân hàng thu hút được khách hàng đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng khác, đa dạng hóa doanh mục cho vay của ngân hàng. Sản phẩm thường được khách hàng lựa chọn trong trường hợp ngân hàng đưa sản phẩm tái tài trợ hấp dẫn hơn về mặt lãi suất mà họ đang phải gánh chịu. Còn đối với khách hàng thì giúp họ giảm được gánh nặng tài chính hay tăng thời gian trả nợ và đặc biệt cung cấp thêm vốn cho khách hàng để hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh. Mới đây ngân hàng Á Châu có đưa ra sản phẩm này, tuy nhiên nó còn mới nên các doanh nghiệp khó chấp nhận đồng thời các cán bộ tín dụng có chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc tư vấn cho khách hàng vay theo hình thức này cũng gặp nhiều khó khăn.