Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, một nền văn hoá mới – văn hoá phương Tây thâm nhập vào văn hoá phương Đông đã tồn tại từ lâu đời dẫn đến sự tiếp xúc và giao lưu giữa hai nền văn hoá, từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề dẫn đến sự biến đổi sâu sắc trong xã hội Việt Nam. Thực dân Pháp đã thực hiện nhiều chính sách cải cách xã hội về mọi mặt và cho đó là sự “khai hoá văn minh” cho một dân tộc lạc hậu. Trên thực tế, những khái niệm “văn minh”, “lạc
hậu” chỉ mới thực sự được thể hiện một cách rõ nét tại Việt Nam khi xã hội có sự tiếp xúc giao lưu với văn hoá phương Tây, cụ thể là văn hoá Pháp.
Về khái niệm “lạc hậu” (落後) là tính từ Hán Việt, với nghĩa lạc (落) là rơi xuống, hậu (後) là phía sau, lạc hậu về mặt nghĩa cơ bản có nghĩa là bị tụt lại, rơi lại phía sau. Lạc hậu luôn đi kèm với sự xuất hiện của hủ tục, sự tồn tại và duy trì những hủ tục sẽ khiến cho chủ thể văn hoá hay cộng động bị tụt lại phía sau, không theo kịp đà tiến bộ, đà phát triển chung.
Dưới tác động của văn hóa phương Tây lúc bấy giờ, tầng lớp trí thức mới của Việt Nam bắt đầu hình thành và có cái nhìn mới về những tập tục của mình, từ đó họ đã chỉ ra những đối tượng không còn hợp thời, những tập tục bị coi là những đối tượng gây ra những hậu quả không tốt cho cá nhân, cộng đồng Việt Nam, làm cản trở sự phát triển của xã hội. Tác giả Nguyễn Bá Học viết trong
Tạp chí Nam Phong :
“Tiếc còn lắm chỗ phong tục hủ bại như cũ, nhân vật lậu liệt như cũ. Không phải tính người ta hay cảm cựu, hay phong trào không đến nơi, tựu trung có nhiều tình tệ, mỗi làng một khác mà làng nào cũng có. Cái tình tệ ấy nó đã làm cho tiêu ma nguyên khí một nước, nó làm cho ngăn trở sự tiến hóa của nhân quần; cái tình tệ ấy đã tán vào hết mọi việc trong dân xã, đã gây nên hết mọi điều cơ cực cho con em; cái tình tệ ấy ai cũng biết rõ, mà ai cũng cứ làm, ai cũng nghiến răng mà giận, mà ai cũng bấm bụng mà theo. Cái tình tệ ấy là gì? Là thói quen tổ tông di truyền, con cháu không bỏ được. Tục ngữ có câu, “phép vua thua lệ làng”… chưa dễ lấy ý riêng một người mà cải cách; chưa dễ lấy phép nhất định mà duy trì” (Nguyễn Bá Học, 1920)
Qua đó ta thấy, hủ tục vốn là tập tục, tuy nhiên ở vào một giai đoạn nhất định nào đó, khi nhận thức của người dân về tập tục đó không còn phù hợp, nhất
là khi tập tục đó được tham chiếu với những loại hình văn hóa mới, dưới góc độ xã hội tiến bộ hơn, những tác động xấu của nó được nhìn nhận ra, những tập tục đó sẽ được quy vào những đối tượng thuộc phạm trù hủ tục, và nếu không loại bỏ, những tập tục ấy sẽ khiến cho cộng đồng trở nên lạc hậu.
Cũng như việc duy trì những tập tục không còn phù hợp sẽ trở thành hủ tục. Những học thuyết chính trị, tư tưởng đạo đức không còn phù hợp với bối cảnh lịch sử cũng dẫn đến sự chậm tiến của một dân tộc. Đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, Nho giáo với những hạn chế như tư duy giáo điều, tư tưởng chạy theo danh vọng hay sự bất bình đẳng trong xã hội đã không còn phù hợp với bối cảnh lịch sử. Sự tồn tại của Nho giáo là nguyên nhân kìm hãm
sự phát triển của xã hội. Nhị Linh nhận định trên báo Phong Hoá “ Ở đời nay,
đến những nhà chân Nho khi đã tỉnh ngộ cũng đều công nhận rằng Khổng giáo chẳng còn hợp thời nữa, và tiện gọn hơn hết là đem một nền giáo hoá mới thay vào”. (Nhị Linh, 1934) Sự hạ bệ Nho giáo là cơ sở thiết lập nền dân chủ tư sản và tiếp nhận văn minh phương Tây để hiện đại hoá dân tộc.
Ngoài việc cố chấp giữ những “hủ tục”, những văn hoá cũ không phù hợp với sự phát triển của thời đại. Việc phủ định và từ chối tiếp nhận nền văn hoá mới, những tiến bộ của nền văn minh khác cũng gây ra hệ luỵ, biến chủ thể văn hoá trở nên lạc hậu. Có thể kể đến những hành động chống đối văn minh phương Tây ở hầu hết các quan lại, văn thân, sĩ phu yêu nước như phủ nhận sức mạnh kỹ thuật phương Tây, cho rằng kỹ thuật phương Tây không phải là nhất, vẫn có điểm hạn chế, không thể so sánh bằng văn hoá truyền thống, do đó không nên và không đáng để học hỏi. Hay như việc phản đối lối sống phương Tây: quyết không dùng hàng Tây, từ chối tiếp nhận nền giáo dục của Pháp, cho rằng lối sống Tây đã làm đảo lộn các giá trị truyền thống, chỉ trích những người Việt Nam đang học đòi theo lối sống của người Tây…Những điều này nếu tiếp tục
duy trì sẽ cản trở sự phát triển của đất nước, biến Việt Nam trở thành một dân tộc lạc hậu, không theo kịp đà phát triển chung của nhân loại.
Từ đó có thể đưa ra khái niệm về lạc hậu như sau:
Lạc hậu là sự tiếp tục duy trì những thói quen, tập tục, tư tưởng đạo đức đã trở nên cũ, không còn thích hợp với hoàn cảnh, yêu cầu, điều kiện mới, đồng thời từ chối tiếp nhận và học tập những nền văn hoá mới tiến bộ hơn khiến chủ thể văn hoá bị ở lại phía sau, không theo kịp đà tiến bộ, đà phát triển chung.
Đối lập với khái niệm “lạc hậu” là “văn minh”. Đến nay đã có nhiều định nghĩa khác nhau về văn minh. Khái niệm văn minh biến đổi theo từng thời kỳ lịch sử.
Văn minh (文明) là danh từ Hán Việt, với nghĩa văn (文) là vẻ đẹp, minh (明)
là sáng. Trong thời kỳ đầu, văn minh có nghĩa là trạng thái đã được khai hoá, thoát khỏi trạng thái nguyên thuỷ, sau này là chỉ “Trình độ phát triển đạt đến mức nhất định của xã hội loài người, có nền văn hoá vật chất và tinh thần với
những đặc trưng riêng - đặc trưng của nền văn hoá phát triển cao” (Hoàng Phê,
2003)
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời thuộc Pháp, văn minh được phân hoá
làm hai là: văn minh phương Tây và văn minh phương Đông.
Theo tác giả Trần Viết Nghĩa trình bày trong luận án Trí thức Việt Nam đối
diện với văn minh phương Tây thời Pháp thuộc, việc giải nghĩa văn minh được
các nhà Nho cấp tiến thể hiện trong sách Quốc dân độc bản. Theo họ, các nước
trên thế giới đều phải đi từ dã man mà khai hoá thành văn minh. Văn minh của mỗi nước cao hay thấp, tiến bộ nhanh hay chậm phụ thuộc vào điều kiện ở mỗi
nước (Trần Viết Nghĩa , 2011). Từ việc truy tìm nguồn gốc và giải nghĩa văn minh, có thể quát được:
Văn minh phương Tây là nền văn minh tư bản chủ nghĩa, gắn liền với những
thành tựu khoa học kỹ thuật, với một nền sản xuất công nghiệp tiên tiến và sản phẩm tiêu dùng hiện đại.
Văn minh phương Đông là nền văn minh nông nghiệp, gắn liền với nền kinh
tế tiểu nông, lao động thủ công và khép kín.
Như vậy về cơ bản, văn minh được định nghĩa trên hai cơ sở chính:
Thứ nhất, văn minh được thể hiện ở sự tiếp nhận những đặc điểm của nền văn hoá mới tiến bộ làm nền tảng để phát triển đạt đến đặc trưng của nền văn hoá phát triển cao. Xã hội Việt Nam đặt trong bối cảnh thời đại là sự tiếp nhận những đặc điểm tiến bộ của văn hoá phương Tây. Điều này được thể hiện ở những chính sách nhằm duy tân đất nước trong bối cảnh cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Một số chính sách có thể kể đến như việc mở cửa đất nước, mở rộng quan hệ bang giao với phương Tây, tạo điều kiện để đất nước hội nhập với thế giới bên ngoài. Ngoài ra việc tiếp nhận văn minh phương Tây còn thể hiện ở việc học tập kỹ thuật và giáo dục phương Tây hay như chú trọng việc phát triển thương nghiệp tạo động lực phát triển đất nước. Một số nhà cải cách tiêu biểu cuối thế kỷ XIX có thể kể đến như Nguyễn Trường Tộ, Đăng Huy Trứ… và
được tiếp nối bởi các nhà trí thức tây học đầu thế kỷ XX như nhóm Tự lực văn
đoàn với chủ trương: Phải theo mới. Chủ trương trên được Tự lực văn đoàn thể
hiện rất rõ qua công cụ báo chí. Tứ Linh viết trên Phong Hoá số 20:
“Từ ngày đông, tây gặp nhau trên trái đất này, hoàn cảnh mới đã bắt buộc ta đi vào con đường mới. Dù ta muốn hay ta không muốn, ta cũng không thể đứng
mãi trong lề lối cũ, trong khi quanh mình ta, thiên hạ đều theo cái tinh thần mới mà tiến bước.
…Ta công kích cái mới, ta chỉ có căn cứ vào một vài người ta cho là mới mà chỉ mới có bề ngoài, rồi ta vội cho là văn minh phương Tây chỉ có trọng về vật chất và nhũng bỏ tinh thần. Mà những sự đau lòng xảy ra trong gia đình, xã hội ta đều cho là tại cái văn minh mới đã đem lại cõi đất này cái luân lý, cái phong hoá suy đồi.
Từ trước đến nay, ta vẫn chưa hiểu phương Tây, nên mới có những sự xét đoán sai lầm ấy. Văn minh tây phương không phải chỉ có nhảy đầm với đội mũ lệch: cái văn minh ấy đã tạo nên những cường quốc tốt đẹp mà ta vẫn ước ao xưa nay.” (Tứ Linh, 1932)
Thứ hai là việc thẩm định lại các giá trị văn hoá truyền thống : Bài trừ hủ tục, loại bỏ những phong tục, những nét văn hoá truyền thống không còn phù hợp với phát triển của thời đại đồng thời không quên duy trì bảo tồn di sản văn
hoá dân tộc. Theo Phạm Quỳnh, chủ bút Nam phong tạp chí, dù văn hoá đông
hay tây thì đều có nguồn gốc, có sự kế thừa của quá khứ. Chính vì vậy, việc nắm chắc được gốc rễ của một nền văn hoá sẽ là động lực phát triển của văn minh.
Việc xác định rõ những khái niệm như văn minh hay lạc hậu là rất cần thiết trong việc tìm ra những vấn đề thiết yếu trong quá trình vận động và phát triển của xã hội Việt Nam, đặc biệt khi có một sự cải cách mới ra đời như phong trào y phục phụ nữ tân thời giai đoạn này. Do đó, người dân Việt Nam tuỳ nơi tuỳ lúc có thể tiếp nhận hoặc chống đối. Nhưng cuối cùng là sự lựa chọn những tinh hoa văn hóa nhân loại rồi cải biến cho phù hợp với tâm thức và mỹ cảm văn hóa của người Việt Nam. Đó chính là quá trình hội nhập để bổ sung những yếu
tố mới tiến bộ, hiện đại vào nền văn hóa truyền thống trong điều kiện lịch sử mới.