Trải suốt các triều đại phong kiến, trang phục phụ nữ Hà Nội nhìn chung đơn giản, mặc lấy chắc, lấy bền làm chính. Màu sắc càng đơn giản dễ nhuộm, màu càng tối càng đỡ lộ bẩn. Những màu được ưa chuộng thời kỳ này thường là các màu đen, vàng đất, nâu sồng…
Trần Quang Đức viết trong Ngàn năm áo mũ “Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, triều đại lưu lại nhiều ấn tượng mặc định và những ảnh hưởng lâu dài trong quan niệm của người Việt hiện đại về phong tục tập quán của ông cha, trong đó có quan niệm về trang phục. Tuy nhiên, văn hiến áo mũ mỗi một triều đại đều có sự kế thừa, biến dị so với quy chế áo mũ của triều đại liền kề. Khoảng cách giữa các triều đại càng xa, sự biến dị theo đó càng lớn. Ngay trang phục trong dân gian, mặc dù có tính bảo thủ và ít biến cách như trang phục cung đình, song so với thời Lý, Trần, trang phục dân gian thời Lê, Nguyễn cũng đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt phải kể đến việc phổ biến áo dài cổ đứng cài khuy, phế bỏ áo giao lĩnh trong dân gian mang tính cưỡng ép dưới thời vua Minh Mạng.” (Trần Quang Đức, 2015)
Theo khảo sát các hình chụp và tư liệu lịch sử ghi chép lại, trang phục phụ nữ trong lao động và sinh hoạt thường ngày của phụ nữ Hà Nội thời Nguyễn chủ yếu bên trong mặc yếm khoác ngoài là áo cánh hoặc áo giao lĩnh.
Yếm là một loại đồ lót để che ngực, một loại áo trong của phụ nữ Việt xưa. Yếm có thiết kế là một vuông vải nhỏ, vắt chéo, vừa vặn che ngực, góc trên khoét lỗ để làm cổ, hai đầu đính hai sợi dây nhỏ để cột ra sau gáy , khi mặc để lộ hai tay, hai vai và cả tấm lưng người phụ nữ. Cổ yếm thì có hai loại: cổ tròn (Hình 2,3) và cổ xẻ (Hình 6)
Về chiếc áo mặc ngoài, trước hết phải kể đến áo cánh - đây là một là loại áo ngắn, thân áo chỉ chấm đến mông người mặc, cổ tròn, viền nhỏ, bít tà hoặc tà mở, có hai túi nhỏ ở phía dưới thân trước, có cúc nhưng thường không cài hết,
Hình 2: Cô gái Hà Nội mặc yếm cổ tròn
( Ảnh: Léon Busy)
Hình 3: Áo yếm, hiện vật trưng bày tại Bảo Tàng Phụ Nữ Việt
Nam
có loại tay dài, tay ngắn (Hình 4) (Đoàn Thị Tình, 2010). Áo cánh chỉ mặc trong nhà, khi ra đường hoặc tiếp khách, phải khoác thêm áo giao lĩnh ra ngoài. Sau này, để tiện lợi hơn trong việc lao động, sản xuất, chiếc áo giao lĩnh được may rời hai tà trước để buộc vào với nhau, hai tà sau may liền thành vạt áo trở thành áo tứ thân.
Hình 4: Bản vẽ áo cánh
(Nguồn: Giáo trình mỹ thuật trang phục)
Áo tứ thân thời nhà Nguyễn được đa số phụ nữ Hà Nội thường mặc. Khá
giả mặc áo lành, nghèo khó mặc áo rách rưới, bạc màu. Từ giã gạo, thổi cơm, vào vườn, ra ruộng, mò cua bắt ốc, làm thuê gánh mướn cũng đều mặc áo tứ thân. Theo cuốn Trang phục Thăng Long – Hà Nội của Đoàn Thị Tình, áo tứ thân được miêu tả được may bằng bốn khổ vải, hai khổ phía sau nối lại ở dọc mép làm thành thân áo sau, hai khổ phía trước buông thả hai vạt, Còn hai mép bên cạnh từ điểm mở tà đến hết tay áo của thân trước và sau được may liền, phần dưới tà áo để tự do (coi như mở tà). Khi mặc có những hình thức: chồng chéo
hai vạt lên nhau và dùng thắt lưng buộc ra ngoài để giữ cho chặt, hai đầu thắt lưng buông xuống phía trước hoặc buộc hai vạt vào nhau (gọi là áo buộc vạt) hay buộc quật ra sau lưng cho gọn, nhất là khi lao động, lúc nhàn hạ có thể buông vạt (Hình 5,6) (Đoàn Thị Tình, 2010)
Hình 5: Áo tứ thân, hiện vật trưng bày tại Bảo Tàng Phụ Nữ Việt Nam
(Ảnh: tác giả)
Hình 6: Áo tứ thân buông vạt
Đây là một loại áo phổ biến ở Bắc Kỳ cho đến tận đầu thế kỷ XX. Nếu như trước và sau áo tứ thân, các bộ trang phục của người Việt nói chung, của phụ nữ Việt nói riêng thường bị cho là tương tự trang phục Trung Hoa thì bộ áo tứ thân khiến hình ảnh phụ nữ Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ không thể lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác.
Ngoài ra còn một loại áo nữa thể hiện được tính sáng tạo, đồng thời cũng phù hợp với nếp sống giản dị, tiết kiệm, trong điều kiện sinh hoạt đương thời của người phụ nữ Việt Nam nói chung và là của người Hà Nội nói riêng, đó là chiếc áo đổi vai, đổi vạt. Thực chất đây là một sự biến tấu của áo dài tứ thân, do dùng chiếc áo lâu ngày, gánh gồng, mang vác nhiều, hai vai áo bị sờn, mòn rách, trong khi cả thân áo chưa đáng bị bỏ đi, người ta chỉ cần vá lại nơi vai áo là vẫn mặc được. Tuy nhiên, việc vá áo cũng đòi hỏi có tay nghề, có kinh nghiệm trong việc chọn màu vải mới này phải cùng gam với màu vải cũ, để đạt hiệu quả, nhằm tránh phô trương loè loẹt, thể hiện sự tinh tế trong thẩm mỹ của người Hà Nội xưa. (Đoàn Thị Tình, 2010)
Về phần thân dưới, phụ nữ từ Nam ra Bắc từ xưa đều mặc váy. Váy hình ống, may bằng các loại vải dày dặn như vải bông, lĩnh, nái, sồi… Phổ biến là màu đen. Phía trên là cạp váy cao khoảng 8 – 10cm may bằng hai lần vải để luồn dây buộc. Phần thân váy, đầu nối với cạp được gấp từ bốn đến sáu điểm đều nhau, mỗi điểm khoảng 3m, như một hình thức chiết ly váy, tạo thành hình thang cân. Khi mặc, phần cạp sát với vòng bụng, tạo dáng khum tròn (Hình 7)
Hình 7: Phụ nữ Hà Nội mặc váy đụp và yếm cổ xẻ
(Nguồn: Internet)
Theo ghi chép từ các tài liệu lịch sử, đến cuối thời phong kiến, trong sự giao tranh giữa vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài (miền Bắc) với các chúa Nguyễn ở Đàng Trong ( miền Nam), để phân biệt với phụ nữ miền Bắc, khoảng năm 1744, Võ Nương Nguyễn Phúc Khoát ra lệnh cải cách y phục bắt tất cả phụ nữ miền Nam phải mặc quần (thường là màu tối), học theo lối trang phục của người Trung Hoa. Đến nửa đầu thế kỷ XIX, sau khi khôi phục cơ đồ nhà Nguyễn trên toàn lãnh thổ, năm 1828, vua Minh Mạng vì muốn cho thống nhất y phục trong cả nước mà tiếp tục chính sách về y phục của chúa Nguyễn Phúc Khoát và áp đặt lên toàn vùng lãnh thổ Đàng Ngoài từ sông Gianh trở ra Bắc. Chỉ dụ của vua Minh Mạng ban ra là nhằm bắt thứ dân Đàng Ngoài phải từ bỏ lối y phục cũ để theo lối y phục Đàng Trong với chủ ý thống nhất toàn cõi Việt Nam.
“Quốc phục” ở thời kì này là áo năm vạt cài khuy và quần hai ống theo lối trang phục của người Hoa mà theo người phương Tây nhận xét là “giống nhau đến mức khó phân biệt” giữa hai giới. Sách Nét cũ duyên xưa của Bùi Quang Thắng miêu tả: Áo ngũ thân (năm thân, năm tà) cũng giống như áo tứ thân, nhưng kín thân trước vì hai vạt trước được may liền thành một vạt lớn, như vạt sau. Vạt nằm phía bên trái gọi là vạt cả, rộng gấp đôi vạt để bên trong phía bên phải, gọi là vạt con, vẫn được gọi là “thân” thứ năm. Hai vạt nối nhau nhờ bâu (cổ) áo, cao cỡ 2 - 3cm, cài kín lại bằng năm cái khuy (Bùi Quang Thắng, 2018)
Áo ngũ thân khi mặc che kín thân hình, không để hở áo bên trong (Hình 8- 10)
Hình 8 - 9: Bản vẽ áo ngũ thân
(Nguồn: Techniques du peuple Annamite của Henri Oger, 1907)
H ình 2:
Hình 10: Phụ nữ Hà Nội mặc áo ngũ thân
(Nguồn: Internet)
Chiếc váy đụp của chị em Hà Nội đã dần dần thất thế, nhường chỗ chiếc quần. Theo Đất lề quê thói của Nhất Thanh, chiếc quần bắt đầu từ nơi tỉnh thành,
rồi lan rộng khắp thôn quê. “Quần đàn bà đều may bằng hàng nhuộm thâm, có
dải rút luồn trong cạp, buộc nút ra đằng trước, nghèo thì vải nâu nhuộm bùn, khá hơn thì nái, lụa, sang trọng thì lĩnh hoa tranh, lĩnh tía (tía đây không có nghĩa là đỏ sẫm) đen bóng nhẫy như có ánh hồng” (Nhất Thanh, 2015).Việc bắt đàn bà mặc quần, cấm triệt để mặc váy đã gây ra phản ứng mạnh mẽ ở miền Bắc. Thời ấy lưu truyền câu ca dao châm biếm:
Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải lột quần chồng sao đang Có quần ra quán bán hàng
Không quần ra đứng đầu làng xem quan.
b) Trang phục hội hè
Trong những dịp lễ hội, phụ nữ Hà Nội vẫn thường mặc áo tứ thân, ngũ thân, và đặc biệt hơn nữa là áo mớ ba, mớ bảy. Theo miêu tả của Đoàn Thị Tình
trong Trang phục Thăng Long – Hà Nội đây là kiểu mặc lồng ba chiếc áo, mỗi
áo một màu khác nhau, ngoài cùng là chất liệu the (đen hay nâu, tím tam giang) hai chiếc trong chất liệu vải mềm như lụa, nhiễu…màu mỡ gà, màu cánh sen, hay màu vàng chanh, màu hồ thuỷ. Bộ áo mớ ba, với sự lựa chọn chất liệu và màu sắc ở từng áo khác nhau, lại một lần nữa nói lên trình độ thẩm mỹ của các bà các cô thời đó. Những màu sáng, mặc bên trong, phủ ngoài là hàng the đen (hoặc nâu) với kỹ thuật dệt sợi không kín vẫn cho phép thấy được màu mặc bên trong, mặt khác làm giảm cường độ màu sắc chói mắt, biến thành một hoà sắc rất đặc. Hơn thế nữa, cũng như ở áo tứ thân đổi vai, đường nối bố cục so le là một sáng tạo, thì áo mớ ba, vạt con nằm dưới vạt cả tạo nên một độ đậm khác nằm dọc trên nửa thân áo trước, phải chăng cũng là một ý đồ có giá trị thẩm mỹ, nét duyên thầm của người Hà Nội. Khi mặc áo mớ ba, người ta chỉ cài cúc cạnh sườn và cúc nách còn ở đoạn từ nách lên đến cổ thì lật chéo để lộ các màu ra ngoài… Bên trong ba lớp áo dài là áo cánh trắng, không cài cúc cổ. Trong cùng là tấm yếm đào hay yếm đỏ, hai dải bơi chèo (cùng màu với yếm) buộc ở sau gáy, làm điểm nhấn cho đẹp thêm chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần. (Đoàn Thị Tình, 2010)
Về trang sức và phụ kiện, trong suốt triều đại nhà Nguyễn, phụ nữ miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đều nuôi tóc dài và vấn khăn. Khăn vấn tóc là một miếng vải dài khoảng 80cm, rộng chừng 15cm-20cm, màu đen, màu nâu hoặc màu tím tam giang. Để vấn tóc được tròn và chặt, người ta phải độn thêm vào tóc một cái độn tóc (bằng vải nhồi bông), trông hình như con rắn (dài khoảng 50cm). Ở phía đầu độn có một sợi dây nhỏ dài bằng thân độn. Khi vấn khăn, trước hết rẽ đường ngôi (giữa), dồn tóc sang cả bên phải (hoặc sang bên trái tùy theo sự thuận tay của mỗi người). Đặt độn tóc vào giữa mớ tóc làm cốt, dùng sợi dây cuốn nhiều vòng ra ngoài tóc cho chặt. Lấy khăn vấn bọc tóc lại và cắm một chiếc đinh ghim (hoặc dùng dây buộc vòng) ở đầu khăn để giữ cho khăn khỏi tuột. Dùng tay lần lần vấn, vuốt xuôi cho tròn đều và chặt đến hết chiều dài của khăn. Đặt vành khăn từ trước ra sau đầu một vòng, phần còn lại luồn xuống dưới đoạn đầu khăn, vắt lên ngang đầu sang bên trái (Hình 11)
Ngoài ra, theo luật triều Nguyễn, khăn vấn quá ngắn và mỏng bị cấm, nhưng quá dài và dày cũng bị chê là xấu. Vì thế, việc vấn khăn sao cho gọn và
đẹp được coi là xu hướng chung để xét đoán phẩm cách mỗi người.2
Hình 11: Cách vấn khăn của phụ nữ miền Bắc
(Nguồn: Flickr Manhhai)
Nói về phụ kiện không thể không kể đến những chiếc nón. Sinh sống trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều, người Việt đã biết tận dụng những nguyên liệu dễ kiếm từ thiên nhiên để làm ra những chiếc nón che đầu từ rất sớm. Ở miền Bắc Việt Nam, phổ biến nhất là những chiếc nón thúng quai thao, còn gọi là nón ba tầm. Nón hình tròn, mặt trên bằng, đường kính 70 – 80cm, xung quanh có thành cao 10-12cm bằng lá gồi, khâu dây móc. Mặt dưới, ở giữa có gắn một hình tròn ống đường kính khoảng 20cm, trông như cái đấu, bằng tre đan để làm chỗ chuốt nhỏ, khâu bằng chỉ tơ, đan chéo sợ với nhau rất công phu, lại được trang trí những hình bướm hay những bông hoa bằng chỉ nhiều màu (Bùi Quang Thắng, 2018). Quai nón làm bằng dây thao từ một loại tơ tằm đặc biệt, được tết, bện mà thành (do đó gọi là nón quai thao), gồm từ một đến ba dây chập lại buông võng xuống đến thắt lưng (Hình 12)
Hình 12: Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao
(Nguồn: Internet)
Phụ kiện xưa còn có thắt bao lưng (còn gọi là ruột tượng) bên trong áo dài và áo cánh. Đó là một ống vải dài 150cm, rộng 15cm, hai đầu hình chéo vát, thắt múi buông thả phía trước (Hình13). Bao lưng thường là màu xanh, hoặc vàng chanh hay hoa lý, hồng điều… dùng để đựng tiền, vì thế mới có câu “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Mốt một thời của các bà buôn bán là thắt lưng lụa đào, đeo một bộ “xà tích” bằng bạc (Hình14) với chiếc ống vôi nhỏ hình quả đào xinh xinh để đựng thuốc lào.
Hình 13: Phụ nữ miền Bắc quấn ruột tượng
(Nguồn: Internet)
Hình 14: Bộ xà tích, hiện vật trưng bày tại bảo tàng phụ nữ Việt Nam
(Ảnh: Tác giả)
Về dép guốc, các tài liệu ghi chép cho thấy, từ xưa thường dân Việt vẫn hay đi chân trần. Trong kho ảnh người Pháp chụp từ cuối thế kỷ XIX mới thấy phổ biến các loại dép da và dép cao su. Những loại dép này thường có quai để xỏ vào giữa ngón chân cái và các ngón chân còn lại. Chị em phụ nữ ngoài Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng thường đi guốc gỗ, guốc gộc tre, guốc sơn. Guốc phụ
nữ Hà Nội có điểm đặc trưng là mũi guốc uốn cong lên như mũi thuyền rồng.
Theo ý kiến của Bùi Quang Thắng trong cuốn Nét cũ duyên xưa, việc mũi guốc
uốn cong lên như vậy nhằm mục đích rất tế nhị là không để lộ ngón chân. Nhưng thực tế quan sát (Hình 15) có thể thấy, chiếc mũi guốc có phần uốn cong vểnh lên để lộ ra các đường trang trí hoa văn như một cách làm đẹp, thấp thoáng nét duyên dáng, uyển chuyển theo từng nhịp bước chân của người phụ nữ xưa chứ không hẳn là để nhằm không lộ ngón chân như tác giả đã nhận định.
Hình 15: Guốc mũi thuyền của phụ nữ miền Bắc
(Nguồn: Flickr Manhhai)
Với những quy định có tính bắt buộc không thu được nhiều kết quả, lệnh cải cách y phục của vua chúa nhà Nguyễn đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ trong dân gian. Sau lệnh cấm, phụ nữ Đàng Ngoài nói chung và phụ nữ Hà Nội nói riêng y phục vẫn có sự pha tạp. Phụ nữ Đàng Ngoài vẫn mặc váy, yếm, nếu có mặc áo năm vạt thì có khi cũng không cài khuy mà trật áo xuống để lộ yếm bên trong mà vẫn buộc thắt lưng ra ngoài (Bùi Quang Thắng, 2018). Điều đó cho thấy thái độ miễn cưỡng của người dân Bắc Kỳ khi phải mặc bộ y phục
mới. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới cần phải có một sự cải cách thay đổi trong trang phục Việt.
Hình 16: Đường phố Hà Nội năm 1896
(Nguồn: Flickr manhhai)